Giá sàn xuất khẩu gạo: Bỏ hay giữ?
Theo quy định của Nghị định 109/2010/NĐ-CP và Thông tư số 89/2011/TT-BTC hướng dẫn phương pháp xác định giá sàn gạo XK của Bộ Tài chính, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) được trao “đặc quyền” quyết định giá sàn XK gạo.
Mức giá này dựa trên quan hệ cung cầu, diễn biến của giá lúa, gạo ở thị trường trong nước và giá gạo theo từng tiêu chuẩn phẩm cấp gạo mà các thương nhân kinh doanh XK gạo giao dịch trên thị trường thế giới; bảo đảm tính đúng, tính đủ chi phí kinh doanh gạo XK thực tế hợp lý, hợp lệ, bảo đảm hiệu quả kinh doanh của thương nhân kinh doanh XK gạo.
Trước đây, VFA quy định giá sàn khá chặt chẽ đối với từng tiêu chuẩn, phẩm cấp gạo để kiểm soát tình trạng DN bán phá giá lẫn nhau trong ký kết hợp đồng. Bắt đầu từ năm 2013 trở đi, quy định này có thoáng hơn. Theo đó, VFA chỉ công bố một mức giá sàn duy nhất đối với chủng loại gạo có chất lượng thấp nhất, DN được tự do ký hợp đồng XK, miễn không dưới mức giá sàn này. Mức giá sàn mới đây nhất mà VFA đưa ra vào giữa tháng 4 là 375 USD/tấn (giá FOB) loại 25% tấm, mức chênh lệch giá giữa các loại gạo khác, do các thương nhân tính toán và quyết định.
Nhìn vào thực tế, tác dụng của giá sàn XK gạo không nhiều nếu không muốn nói là không có tác dụng gì. Vẫn tồn tại tình trạng DN chào bán dưới mức giá sàn. Hơn thế, với cơ chế giá sàn như hiện nay, người nông dân luôn là đối tượng chịu thiệt. Bởi lẽ chỉ khi có hợp đồng XK, DN căn cứ vào giá bán gạo đầu ra (có khấu trừ chi phí hao hụt) mới đưa ra mức giá thu mua nguyên liệu đầu vào. DN luôn ở ngưỡng an toàn hay nói cách khác DN ở thế chủ động. Trong khi đó, câu chuyện giá sàn “một đằng” giá bán “một nẻo” lâu nay vẫn xảy ra nhưng không có chế tài, hình thức xử lý nào đối với các DN tự ý chào bán dưới giá sàn đã công bố.
Có lẽ xuất phát từ những bất cập này nên Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, VFA nghiên cứu, phân tích đánh giá tác động của việc thí điểm bỏ giá sàn XK gạo để đề xuất hướng điều hành phù hợp trong thời gian tới. Thế nhưng, bài toán đặt ra ở đây là nếu bỏ giá sàn XK gạo thì lấy căn cứ nào để làm thước đo thu mua nguyên liệu của bà con nông dân? Nhìn sang các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, họ không đưa ra giá sàn XK nhưng họ lại có mức giá tổi thiểu mua gạo cho người nông dân.
Vậy nên, việc bỏ hay giữ giá sàn XK cần được tính toán kỹ càng để tránh thiệt hại cho người nông dân.
Diệp Anh
hải quan
|