Giá lúa gạo sẽ tiếp tục giảm
Giá lúa gạo trên thị trường nội địa cả tuần qua tiếp tục giảm theo xu hướng đã có từ tuần trước dù doanh nghiệp đang tập trung thực hiện hợp đồng cung cấp 800.000 tấn gạo cho Philippines. Tồn kho gạo của doanh nghiệp còn khá cao nhưng vụ lúa hè thu đang bắt đầu thu hoạch rộ nên khả năng giá sẽ còn tiếp tục rơi.
Gạo xuất khẩu tăng, giá trong nước xuống
Đầu tháng 5-2014, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đưa ra dự báo, xuất khẩu gạo quí 2 năm nay sẽ vượt quí trước đến khoảng 600.000 tấn và đạt con số khoảng 1,8 triệu tấn.
Theo VFA, căn cứ để đưa ra dự báo trên là kết quả đăng ký hợp đồng thương mại ở một số doanh nghiệp hội viên (tính đến ngày 10-5-2014, số lượng gạo theo hợp đồng thương mại đã ký nhưng chưa giao cho đối tác còn trên 1,3 triệu tấn - PV) cũng như kết quả trúng thầu cung cấp 800.000 tấn gạo cho Philippines trong một hợp đồng tập trung mà VFA đã giành được vào ngày 15-4-2014.
Thực tế, báo cáo của một số cơ quan có uy tín cho thấy khối lượng gạo giao cho đối tác gần đây của Việt Nam có xu hướng tăng trở lại. Theo báo cáo của chuyên trang nghiên cứu thị trường lúa gạo thế giới (xe.com), tuần gần đây nhất của tháng 5-2014, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 163.000 tấn, tăng khoảng 50.000 tấn so với tuần trước đó, tương đương tăng trên 44%.
Khối lượng gạo đã giao có xu hướng tăng nhưng tiến độ nhập kho (mua vào) của doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang rất chậm khiến giá lúa gạo nội địa tiếp tục sụt giảm.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Trần Văn Chiến, nông dân xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, Long An, cho biết gần đây tiêu thụ lúa của nông dân ĐBSCL rất khó khăn. “Lúa đến ngày thu hoạch, bà con nông dân ai cũng cần bán hết nhưng hầu như không có lái lúa nào đến mua cả, họ chê đủ thứ, nào là lúa còn xanh, chất lượng không đạt…”, ông Chiến cho biết.
Theo ông Chiến, hiện giá lúa IR 50404 (tươi) tại địa phương ông chỉ còn dao động quanh mức 4.200-4.250 đồng/kg, tiếp tục giảm khoảng 50-100.000 đồng/kg so với đầu tuần trước và đây cũng là mức giá thấp nhất kể từ đầu tháng 5 đến nay.
Trong khi đó, tại chợ đầu mối lương thực Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang hay khu vực chuyên kinh doanh lúa gạo tại huyện Lấp Vò, Đồng Tháp…, giao dịch mua bán gạo hiện rất chậm. Giá gạo nguyên liệu của giống IR 50404 hiện cũng ở mức khá thấp, chỉ 6.550-6.700 đồng/kg, so với đầu tuần trước có nơi giảm nhẹ khoảng 50 đồng/kg nhưng cũng có nơi ổn định.
Dự báo giá gạo tiếp tục giảm
Một nguồn tin riêng từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online biết, tính đến giữa tháng 5-2014, lượng gạo tồn kho của doanh nghiệp hội viên của VFA còn hơn 1,2 triệu tấn, tương đương mức tồn kho của tháng trước, trong đó tồn kho của Tổng Công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) là hơn 109.000 tấn, Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) hơn 447.000 tấn và các doanh nghiệp khác của VFA hơn 646.600 tấn.
Lượng gạo tồn kho cao, doanh nghiệp trong nước chưa đẩy mạnh mua vào mà vụ lúa hè thu 2014 lại chuẩn bị bước vào thu hoạch rộ với chất lượng gạo dự báo thấp. Trong khi đó, tình hình xuất khẩu gạo sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch đang bị “kẹt” do doanh nghiệp chủ động tạm ngưng đưa hàng sang vì e ngại rủi ro trong khâu giao nhận và thanh toán… Tất cả các yếu tố đó cho thấy giá lúa gạo nội địa sẽ còn sụt giảm tiếp.
“Vụ hè thu năm ngoái, thời điểm thấp nhất, giá lúa IR 50404 (tươi) đã giảm xuống mức chỉ còn khoảng 4.000 đồng/kg, thậm chí có nơi giá lúa chỉ còn khoảng 3.700 đồng/kg, cho nên, theo tôi nếu không có đột biến gì trong xuất khẩu, giá lúa gạo nội địa thời gian tới sẽ còn đi xuống nữa”, ông Dương Văn Mến, thương nhân kinh doanh lúa gạo tại huyện Lấp Vò, Đồng Tháp nhận định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc doanh nghiệp Vạn Lợi 2, xã Tân Bình, huyện Cai Lậy, Tiền Giang, dự đoán sức tiêu thụ lúa gạo nội địa sắp tới chưa được cải thiện, giá sẽ tiếp tục giảm thêm nhưng ở mức độ nào thì chưa thể khẳng định được.
Trung Chánh
tbktsg
|