Nông nghiệp Việt Nam: Sẽ rộng cửa để “hút” FDI
Nhiều năm nay, nông nghiệp luôn đứng tốp cuối trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Đề án “Tăng cường thu hút và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030” mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang ráo riết hoàn thiện, được kỳ vọng sẽ vạch ra những giải pháp hữu hiệu giúp cải thiện tình trạng trên.
FDI ngày một “teo tóp”
“Đề án tăng cường thu hút và quản lý FDI vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030” đặt ra mục tiêu: Huy động tối đa nguồn lực FDI, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa nông sản có chất lượng, hiệu quả, bền vững. Chủ động gắn sản xuất với thị trường trong nước và thị trường quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, nâng cao thu nhập trên một đơn vị ha đất canh tác, cải thiện đời sống của nông dân. Đồng thời thực hiện đi tắt đón đầu, tăng tốc đặc biệt vào các ngành sản phẩm dịch vụ công nghệ cao như công nghệ thông tin, công nghệ viễn thông, điện tử… để rút ngắn thời gian phát triển tìm cách nhảy vọt về cơ cấu, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. |
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2011-2013, nguồn vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm liên tiếp tăng lên. Nếu như năm 2011 mới là 14,7 tỷ USD thì năm 2012 đã tăng lên 16,3 tỷ USD. Đến năm 2013, con số này tăng mạnh, đạt mức 21,6 USD. Trái ngược với bức tranh chung đó, suốt giai đoạn trên, vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp lại liên tục sụt giảm. Sự sụt giảm biểu thị khá rõ ràng, nếu năm 2011, vốn FDI vào nông nghiệp là 130,7 triệu USD thì năm 2012 chỉ còn 99,35 triệu USD và năm 2013 giảm tiếp xuống 86,73 triệu USD. Đó là những tính toán dựa trên con số tuyệt đối. Nếu tính tỷ lệ % vốn FDI vào nông nghiệp trên tổng số vốn FDI vào Việt Nam thì tốc độ suy giảm còn cao hơn. Gần đây nhất, tính riêng 4 tháng đầu năm 2014, vốn FDI vào nông nghiệp chỉ chiếm 0,25% trên tổng số vốn FDI vào Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo tham vấn Dự thảo “Đề án thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp” do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết: Cách đây 15 năm, vốn FDI vào nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 15% trong tổng vốn đầu tư FDI của cả nền kinh tế. Tuy nhiên, trong 3 năm gần đây, con số này chiếm chưa đến 0,5%. Tình trạng ngày một sụt giảm ấy rất đáng báo động. Bởi, Việt Nam là một nước XK nông sản mạnh, hàng năm đem về hàng chục tỷ USD cho đất nước. Bên cạnh những nỗ lực của bà con nông dân và cộng đồng DN trong nước, thành quả đó có sự đóng góp rất lớn của các DN nước ngoài thông qua việc đầu tư vốn, công nghệ khoa học cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ. Nếu mất đi yếu tố FDI thì ngành nông nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều bất lợi.
Bất cập tứ bề
Ông Trần Văn Công, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) đánh giá: Bao năm qua, việc thu hút cũng như hiệu quả đầu tư vốn FDI trong nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Đó là tỷ trọng FDI thấp và thiếu ốn định. Hầu hết các dự án FDI nông nghiệp có quy mô vừa nhỏ, phân bố không đồng đều giữa các vùng, địa phương trên cả nước. Phần lớn dự án FDI vào nông nghiệp tập trung ở vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có nguồn nguyên liệu và lợi thế về cơ sở hạ tầng, thổ nhưỡng tốt. Trong khi đó, tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa hầu như chưa thu hút được dự án nào.
Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Bá Cường-Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) bổ sung: Đầu tư FDI trong khu vực nông nghiệp hiện còn có độ chênh lệch cao giữa các ngành nghề, thường tập trung chủ yếu vào các dự án thu hồi vốn nhanh như chế biến nông sản thực phẩm; chế biến lâm sản, chăn nuôi và chế biến thức ăn gia súc. Trong khi đó, ngành trồng trọt khá quan trọng thì lại ít thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài chiến lược để triển khai việc phát triển công nghệ sinh học trong nông nghiệp.
“Một bất cập lớn nữa là, mặc dù đã có những chính sách ưu đãi đầu tư nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa thu hút đầu tư từ các nước có nền nông nghiệp mạnh như: Nhật Bản, Mỹ, Australia và các nước EU. Nông nghiệp nước ta mới thu hút được vốn FDI chủ yếu từ châu Á, nền công nghệ chưa thực sự phát triển cao như Thái Lan, Đài Loan, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc và Trung Quốc”, ông Nguyễn Bá Cường nhấn mạnh.
Đề án mở đường?
Theo ông Nguyễn Bá Cường, để tăng thu hút FDI vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, chính quyền các địa phương cần chủ động quy hoạch vùng nguyên liệu nông sản cho nhà đầu tư, trên cơ sở thỏa thuận giữa nhà đầu tư với DN theo quy định của Luật đất đai hiện hành về các hình thức cho thuê hoặc góp vốn bằng đất để cùng kinh doanh nông nghiệp.
Đồng thời, tiến hành quy hoạch lại việc sử dụng các loại đất của các dự án FDI trong nông nghiệp và xác định kế hoạch sử dụng đất lâu dài cho từng dự án FDI trong nông nghiệp trên địa bàn. “Xây dựng cơ chế linh hoạt trong việc huy động vốn (ngân sách, nhà đầu tư ứng trước,...); hỗ trợ nhà đầu tư FDI phát triển vùng nguyên liệu cũng như thực hiện đầu tư giải phóng mặt bằng cũng là những việc mà chính quyền địa phương phải nhanh chóng triển khai nhằm sớm cải thiện tình trạng ảm đạm hiện nay”, ông Nguyễn Bá Cường khẳng định.
Để gỡ những nút thắt trong thu hút cũng như sử dụng vốn FDI đầu tư trong nông nghiệp, Bộ NN&PTNT cũng đang hoàn thiện Dự thảo “Đề án tăng cường thu hút và quản lý FDI vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030”. Dự thảo đưa ra nhiều chính sách khuyến khích FDI trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Cụ thể như: ưu đãi từ vốn tín dụng, thị trường, đến đất đai, nguồn nguyên liệu, phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực… Đặc biệt, dự thảo cũng đề cập tới nhiều chính sách khuyến khích DN đầu tư mới, ứng dụng khoa học công nghệ, tạo sự bình đẳng không phân biệt giữa nhà đầu tư FDI và trong nước.
Cũng theo nội dung dự thảo Đề án, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các địa phương xây dựng Danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư FDI vào nông, lâm, ngư nghiệp giai đoạn 2014 - 2020 và các giai đoạn tiếp theo. Song song với đó, Bộ đưa ra các giải pháp vận động đầu tư thích hợp; xây dựng chính sách thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất gắn với việc chuyển dịch lao động nông nghiệp sang làm các ngành nghề khác; dựa trên định hướng của tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng các đề án phát triển chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản cho các sản phẩm chủ lực nhằm khắc phục tình trạng cắt đoạn về chính sách theo chuỗi và nâng cao giá trị nông - thủy sản; tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư chiều sâu và có trọng điểm…
Thanh Nguyễn
Hải quan
|