Phát triển TPHCM: Túi tiền nào sẵn có hơn 1 triệu tỷ đồng?
Ở nhiều quốc gia, việc xây dựng và thực hiện các chiến lược phát triển luôn có sự tham gia đóng góp rất tích cực của các thành phần kinh tế tư nhân, theo hình thức hợp tác công - tư (PPP). Và, con số 1,3 triệu tỷ đồng nhu cầu vốn mới không còn là thách thức trong quá trình phát triển sắp tới.
Dự kiến, số vốn đầu tư phải lên đến 1,3 triệu tỷ đồng, nếu muốn cơ bản hoàn thành mục tiêu xây dựng hạ tầng kỹ thuật đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành đầu tàu kinh tế, trung tâm tài chính, thương mại của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Đưa ra con số này, PGS-TS. Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HIDS) cho biết, kết quả dựa trên tính toán, cân đối với tổng thể các dự án phát triển nhiều mặt từ kinh tế, thương mại cho đến đời sống xã hội, như xây dựng cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, làng nghề, y tế, giáo dục…
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 gắn với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2631/QĐ-TTg.
Nhiều nội dung được đặt ra với tham vọng lớn, không chỉ xây dựng TP. Hồ Chí Minh phát triển mọi mặt và vượt trội so với các địa phương khác, mà còn so với khu vực.
Vì vậy, ông Hòa cho rằng, với mỗi mục tiêu đều đặt ra yêu cầu cụ thể về chiến lược và giải pháp thực hiện của thành phố. Chẳng hạn như, để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân từ 9-10%/năm, thu nhập bình quân cao hơn 1,5 lần mức tăng trưởng bình quân của cả nước trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, chính quyền thành phố phải có chiến lược hành động cụ thể, tập trung vào một số mũi nhọn, dựa trên những lợi thế sẵn có để đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giao thương…
Từ đó, tạo điều kiện nâng cao thu nhập của người dân, tăng nhanh quy mô và tốc độ phát triển của các tổ chức kinh tế, DN hoạt động trên địa bàn để nguồn thu phục vụ tái đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá giao thông, cảnh quan thành phố, công trình kiến trúc….
Hoặc, nếu muốn “bẻ lái” cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng thương mại, dịch vụ, công nghiệp hóa, nông nghiệp chất lượng cao… thành phố cũng cần nguồn lực để xây dựng các khu trung tâm có đầy đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật, thu hút và đẩy mạnh phát triển dịch vụ, cũng như khuyến khích người sản xuất đầu tư máy móc công nghệ, nhằm nhanh chóng hướng đến nền sản xuất mang lại hàm lượng giá trị gia tăng cao trong sản phẩm.
Chính với những yêu cầu đặt ra này, nguồn lực sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Dù hiện nay, TP. Hồ Chí Minh đang dẫn đầu về nguồn thu và đóng góp ngân sách trung bình trên 200.000 tỷ đồng/năm (trong đó, thành phố được giữ lại 23%), thì vẫn phải rất lâu nữa mới có thể hiện thực ước mơ biến quy hoạch thành động lực phát triển kinh tế, nếu chỉ trông chờ vào nguồn tiền từ ngân sách để lại này.
Trên thực tế, cái khó về nguồn thu chỉ là một phần, điều quan trọng cần tháo gỡ chính là ở cơ chế, chính sách để thu hút mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác. Nếu có nguồn lực từ xã hội, ngân sách chỉ cần đóng vai trò là “vốn mồi” với cơ cấu khoảng 10-15% tổng nhu cầu. Còn, thành phố có thể kêu gọi, thu hút đầu tư từ các tổ chức quốc tế, các thành phần kinh tế cùng tham gia.
Về vấn đề huy động vốn tư nhân, TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, ở nhiều quốc gia, việc xây dựng và thực hiện các chiến lược phát triển luôn có sự tham gia đóng góp rất tích cực của các thành phần kinh tế tư nhân, theo hình thức hợp tác công - tư (PPP).
Để thu hút nguồn lực này một cách hiệu quả, cần tạo ra sân chơi bình đẳng, luật hóa các quy định để người tham gia thấy rõ được quyền lợi, trách nhiệm của mình khi tham gia vào những đóng góp chung.
Phía DN cũng cho rằng, nên tiến hành thí điểm mô hình PPP trong những lĩnh vực đầu tư cơ bản. Sau đó, khi đã hình thành cơ chế hợp tác cụ thể thì thành phố có thể triển khai rộng rãi ở tất cả các mặt như y tế, giáo dục, xã hội… Có như vậy, những mục tiêu, kế hoạch đặt ra tại Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh mới nhanh chóng được hiện thực hóa, chứ không chỉ dừng lại ở những ý tưởng được phác thảo trên giấy. Và, con số 1,3 triệu tỷ đồng nhu cầu vốn mới không còn là thách thức trong quá trình phát triển sắp tới.
Tuyết Anh
Thời báo ngân hàng
|