Thứ Hai, 19/05/2014 10:31

“Chỉ có Vinashin và Vinalines phải xử lý theo kiểu này”

Sau khi Vinalines trình phương án xử lý nợ và tái cơ cấu lên Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) để chuẩn bị cho việc bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào đầu năm 2015, TBKTSG đã có cuộc trao đối với Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường về quan điểm của bộ khi giải quyết các vướng mắc rất lớn ở Vinalines hiện nay.

TBKTSG: Xin ông cho biết tiến trình cổ phần hóa (CPH) Vinalines hiện đã chuẩn bị đến đâu?

- Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Theo đề án tái cơ cấu Vinalines đã được Thủ tướng phê duyệt, Bộ GTVT chỉ đạo Vinalines cổ phần hóa (CPH) chín doanh nghiệp khai thác cảng biển theo hướng: có cảng nhà nước vẫn nắm giữ 75% cổ phần và bán một phần ra bên ngoài, có cảng nhà nước sẽ không giữ cổ phần chi phối. Hiện nay đã hoàn thành CPH cảng Quy Nhơn, đã phê duyệt phương án CPH bốn cảng khác, các cảng còn lại sẽ thực hiện từ nay đến cuối năm.

Riêng công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (trong đó có Vinalines Shipping, Vinalines Container) dự kiến sẽ hoàn thành việc xác định giá trị doanh nghiệp, xây dựng phương án CPH trình Thủ tướng phê duyệt trong năm 2014; quí 1-2015 sẽ IPO. Trong quá trình CPH, Vinalines sẽ đàm phán với các nhà đầu tư để lựa chọn cổ đông chiến lược trong và ngoài nước, bán khoảng 12-15% cổ phần.

Các doanh nghiệp yếu kém như Vinashinlines và Falcon, Bộ GTVT đã chỉ đạo Vinalines triển khai việc cho phá sản doanh nghiệp.

TBKTSG: Vinalines đang cần những giải pháp hỗ trợ từ bộ và Chính phủ trong việc xử lý tàu khai thác không hiệu quả, tài sản dở dang và đề nghị cơ cấu lại nợ để giảm nghĩa vụ trả nợ. Hướng đề xuất của bộ lên Chính phủ về các đề xuất này thế nào, thưa ông?

- Theo nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2014, Bộ GTVT đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước dự thảo nghị quyết về việc xử lý nợ của Vinalines. Theo đó, (i) đối với khoản nợ của các doanh nghiệp chuyển từ Vinashin sang xử lý tương tự như xử lý nợ các doanh nghiệp Vinashin theo hướng khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại nợ để giảm nợ và kéo dài thời gian trả nợ.

(ii) Đối với nợ của các dự án đóng tàu trong nước, do giá cước vận tải biển suy giảm quá lớn, các doanh nghiệp không có khả năng trả nợ theo kế hoạch ban đầu. Vì vậy, để giảm áp lực trả nợ, cân đối dòng tiền phù hợp với thực trạng tài chính, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, Vinalines sẽ đàm phán với các tổ chức tín dụng để cơ cấu lại nợ theo hướng giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi vay. Đối với các dự án đóng tàu với Vinashin trước kia (hơn 70 tàu), do thị trường vận tải chưa hồi phục, giá cước quá thấp, Bộ GTVT đã chỉ đạo Vinalines dừng triển khai các dự án này, chỉ tiếp tục hoàn thiện nếu dự án đảm bảo khai thác khả thi, trả được nợ.

Bên cạnh đó, đối với các tài sản không cần dùng, tài sản khai thác không hiệu quả, theo quy định hiện hành phải được xử lý trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp hoặc bàn giao cho Công ty Mua bán nợ DATC thuộc Bộ Tài chính để xử lý. Tuy nhiên, nếu phải hoàn tất toàn bộ nội dung trên mới xác định giá trị doanh nghiệp thì tiến độ CPH sẽ không đảm bảo yêu cầu.

Vì vậy, để đẩy nhanh lộ trình CPH, Vinalines đã báo cáo Bộ GTVT xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thống nhất với các ngân hàng để xử lý tài sản song song với quá trình xác định giá trị doanh nghiệp trên nguyên tắc công khai minh bạch. Theo phương án này, Vinalines sẽ phối hợp với DATC và các tổ chức tín dụng để triển khai bán, thanh lý tài sản thu hồi nợ trả bớt cho các ngân hàng, giảm áp lực cho Vinalines.

Đối với các tài sản dở dang sẽ xử lý theo hai hướng: hoàn thiện và đưa vào sử dụng nếu có hiệu quả hoặc thanh lý nếu dự án không khả thi.

TBKTSG: Vinalines có trình bộ phương án đề nghị một số ngân hàng thương mại xóa 60-70% nợ gốc cho họ, quan điểm của bộ thế nào?

- Chủ nợ của Vinalines gồm nhiều tổ chức tín dụng khác nhau nên cách thức xử lý cũng sẽ khác nhau như đã nói ở trên.

Hiện nay, doanh nghiệp khai thác cảng biển vẫn đang hoạt động tốt, kết quả kinh doanh luôn có lãi (trừ bốn cảng liên doanh do mới đầu tư), chỉ có các doanh nghiệp vận tải biển là thua lỗ. Do vậy, Vinalines sẽ tập trung tái cơ cấu nợ cho các doanh nghiệp vận tải biển theo từng nhóm các tổ chức tín dụng với những giải pháp cơ cấu lại nợ khác nhau, như khoanh nợ, giãn nợ, mua lại nợ nhằm mục đích giảm áp lực dòng tiền, giảm nghĩa vụ trả nợ, giảm lãi suất phát sinh phù hợp với tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp, từng con tàu cụ thể.

TBKTSG: Nhưng để CPH được Vinalines, xét cho cùng Nhà nước vẫn dùng các biện pháp hành chính để can thiệp. Hiện nay, Vinalines vẫn chưa mất hết vốn chủ sở hữu, vậy sao không xử lý theo hướng bình thường là bán tài sản, trả nợ rồi IPO?

- Phương án xử lý nợ của Vinalines được thực hiện trên nguyên tắc các bên tự nguyện đàm phán. Trong đó có cả phương án một số tổ chức tín dụng sẽ nghiên cứu các doanh nghiệp khi thực hiện CPH để chuyển nợ thành vốn góp vào doanh nghiệp theo hình thức làm cổ đông chiến lược. Bộ GTVT xin chủ trương của Chính phủ nếu tổ chức tín dụng nào đồng ý với đề xuất của Vinalines chuyển nợ thành vốn góp trong các công ty cổ phần sau CPH thì cho phép tham gia đầu tư và thu hồi nợ.

Về việc bán tài sản, như đã phân tích ở trên, Vinalines vẫn xử lý như bình thường là bán tài sản, trả nợ, chỉ khác là thời điểm thực hiện song song cùng với thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

TBKTSG: Nhưng các biện pháp này chỉ thực hiện được khi có chỉ đạo từ Chính phủ và các ngân hàng chỉ trở thành cổ đông khi doanh nghiệp CPH xong?

- Đúng vậy. Về thời điểm bán, thanh lý tài sản song song với quá trình xác định giá trị doanh nghiệp thì cần có sự chấp thuận của Chính phủ.

Đối với việc cơ cấu lại nợ doanh nghiệp vẫn đang triển khai thực hiện trước và sau khi CPH để làm giảm áp lực dòng tiền. Đó là sự đàm phán bình thường giữa doanh nghiệp và ngân hàng.

Đối với việc các ngân hàng tham gia làm cổ đông chiến lược theo hình thức chuyển nợ thành vốn góp, hiện nay, nghị định của Chính phủ đã cho phép thực hiện. Tuy nhiên, các ngân hàng khi tham gia đầu tư cần có sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước. Quá trình triển khai thực hiện việc chuyển nợ thành vốn góp còn vướng mắc về hình thức đặt cọc khi tham gia làm cổ đông chiến lược. Do vậy, Vinalines và ngân hàng kiến nghị được hướng dẫn thực hiện.

TBKTSG: Như phân tích của ông thì sẽ không có một phương án xử lý chung cho các tổ chức tín dụng, theo hướng đồng loạt xóa nợ gốc 60-70% như Vinashin mà sẽ phân loại nợ, phân loại tổ chức tín dụng rồi xử lý?

- Đúng vậy, như đã nói ở trên, sẽ có các giải pháp cơ cấu lại nợ khác nhau. Vay dài hạn thì kéo dài thời hạn trả nợ, giảm lãi vay. Áp lực nhất là các khoản nợ ngắn hạn đến thời gian trả nợ, nếu không thực hiện cơ cấu lại thì trở thành nợ xấu, do vậy phải cơ cấu lại để giãn nợ, giảm áp lực tài chính. Nếu không tái cơ cấu nợ, với tình hình giá cước vận tải như hiện nay, Vinalines đang thua lỗ sẽ rất khó có khả năng trả nợ theo tiến độ đã cam kết.

TBKTSG: Chính phủ và Bộ GTVT đã can thiệp xử lý nợ Vinashin, nay đến Vinalines. Ông có e rằng việc này sẽ tạo ra tiền lệ để Nhà nước can thiệp quá sâu vào việc CPH doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ mà không theo cơ chế thị trường?

- Trong năm 2013, Bộ GTVT đã thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa 10 công ty mẹ - tổng công ty lớn, nhưng không doanh nghiệp nào có tình trạng như Vinashin hay Vinalines. Ngành giao thông chỉ có Vinashin và Vinalines là hai đơn vị cuối cùng gặp các vấn đề lớn và phải xử lý theo kiểu này.

Ngọc Lan

tbktsg

Các tin tức khác

>   Các nước giám sát vốn tại DNNN như thế nào? (19/05/2014)

>   Xuất khẩu sản phẩm da giày: Vẫn còn “đất” trống (19/05/2014)

>   Nhà đầu tư nước ngoài: Việt Nam vẫn hấp dẫn, thân thiện (19/05/2014)

>   Những mặt hàng xuất khẩu mang lợi nhuận nhiều nhất (18/05/2014)

>   Itochu đề xuất xây bến cảng hàng rời tại Lạch Huyện (18/05/2014)

>   Trông chờ doanh nghiệp đầu tư cho khoa hoc, công nghệ? (18/05/2014)

>   Bồi thường, hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp bị đập phá (18/05/2014)

>   Sáu rủi ro trong quản lý phân phối hàng tiêu dùng (18/05/2014)

>   Dành 450 tỉ đồng phát triển thương mại điện tử (18/05/2014)

>   Bình Dương: Nhiều nhà máy đã hoạt động trở lại (18/05/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật