Thứ Hai, 19/05/2014 09:09

Các nước giám sát vốn tại DNNN như thế nào?

Kinh nghiệm giám sát hoạt động đầu tư của DNNN của các nước cho thấy, hầu hết các nước đều thực hiện 2 phương thức chính giám sát trực tiếp và gián tiếp. Trong dự thảo Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại DN chúng ta đang xây dựng đã bổ sung nhiều quy định để nâng cao vai trò giám sát của Nhà nước đối với DN.

Giám sát từ DN đến Quốc hội

Theo nghiên cứu của Bộ Tài chính, nhìn chung các nước đều thực hiện 2 phương thức chính trong giám sát vốn Nhà nước đã đầu tư, đó là: Giám sát trực tiếp thông qua người đại diện chủ sở hữu tại DN; và giám sát gián tiếp thông qua hệ thống báo cáo, trong đó có một số nước đã xây dựng hệ thống chỉ số giám sát thống nhất để đưa vào mẫu biểu báo cáo. Các chỉ tiêu thường được dùng để theo dõi, đánh giá năng lực tài chính của DN gồm doanh thu, lợi nhuận, EBITDA (Thu nhập trước thuế, trả lãi và khấu hao), cổ tức nhà nước được nhận từ DN, nợ/EBITDA và nợ/vốn chủ sở hữu.

Tại Úc, các DN được yêu cầu phải cung cấp báo cáo mật về hoạt động cho các Bộ trưởng với vai trò là cổ đông định kỳ nửa năm và Bộ trưởng có quyền yêu cầu báo cáo định kỳ hàng năm.

Liên Bang Nga không can thiệp vào các hoạt động cụ thể của DN mà chỉ thực hiện giám sát các giao dịch, thương vụ lớn để có thể xử lý theo pháp luật khi có sai phạm. Việc đánh giá hiệu quả hoạt động của danh nghiệp được thực hiện trên 4 chỉ tiêu gồm tỷ suất lợi nhuận trên vốn; hệ số nợ phải trả trên lợi nhuận trước thuế (hệ số an toàn là 2-4 lần); doanh thu và lợi nhuận thuần.

Đối với giám sát trực tiếp, các nước thực hiện khâu giám sát từ DN đến Quốc hội/ Chính phủ. Ở DN thực hiện giám sát thông qua hệ thống giám sát nội bộ tại DN, người đại diện vốn Nhà nước tại DN. Ở cấp quản lý việc thực hiện giám sát được thông qua một cơ quan do Quốc hội/ Chính phủ thành lập.

Việc giám sát hình thành 4 nhóm chủ thể giám sát với mục tiêu giám sát khác nhau: Cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện giám sát về quản trị DN, công khai và minh bạch hoạt động đầu tư; Chủ sở hữu vốn Nhà nước đầu tư vào DN thực hiện giám sát tính hiệu quả trong đầu tư, lợi nhuận thu được từ hoạt động đầu tư cũng như tính bền vững của DN; Hội đồng quản trị thực hiện giám sát việc tạo ra giá trị cho chủ sở hữu, quản trị DN và quản trị rủi ro; Đội ngũ quản lý DN thực hiện giám sát nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, sử dụng vốn có hiệu quả nhằm tạo ra giá trị cho chủ sở hữu.

Tại Chính phủ Đức, thực hiện giám sát thông qua việc cử người vào Hội đồng quản trị của các DN có phần vốn Nhà nước đầu tư. Đồng thời, Bộ chủ quản/ Bộ chuyên ngành cũng cử các thành viên nằm trong bộ phận kiểm soát của các DN này.

Chính phủ Thụy Điển phân chia cho từng bộ ngành quyền giám sát, quản lý và chịu trách nhiệm đối với các DN có vốn Nhà nước đầu tư thuộc Bộ. Hàng năm các Bộ phải có báo cáo lên Chính phủ. Ngoài việc giám sát chung theo các luật về tổ chức, Quốc hội Thụy Điển giám sát việc thực hiện chức năng chủ sở hữu của Chính phủ. Biện pháp giám sát nhấn mạnh tới cơ chế “minh bạch hóa” thông tin về các phần vốn đầu tư của Chính phủ tại các DN.

Với mục tiêu đó, Chính phủ phải cho công bố công khai trước Quốc hội và phương tiện thông tin đại chúng những vấn đề về: Báo cáo phần vốn đâu tư của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội hàng năm; Báo cáo hợp nhất về tổng vốn đầu tư của Chính phủ hàng quý; Báo cáo tài chính hợp nhất đối với phần vốn đầu tư của Chính phủ; Công bố toàn bộ lợi nhuận thu được từ các khoản vốn đầu tư của Chính phủ.

Đối với giám sát gián tiếp, các nước thực hiện việc giám sát hoạt động đầu tư vốn thông qua báo cáo của các DN và có sự phân cấp trong vai trò, trách nhiệm rõ rệt. Các báo cáo của DN thể hiện rõ các tiêu chí giám sát được quy định và theo định kỳ được gửi cho các cơ quan giám sát hoặc Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng hoặc các cơ quan giám sát sẽ trình báo cáo giám sát lên Chính phủ/Quốc hội để xem xét.

Khẳng định vai trò của Quốc hội trong giám sát

Tại Việt Nam, hiện nay cơ chế giám sát của Quốc hội và các chủ thể liên quan khác đối với hoạt động của DNNN chưa được quy định rõ ràng, đầy đủ, tương xứng với với hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào DN dẫn đến hạn chế về tính minh bạch và công khai của hoạt động này. Ngoài ra, chế tài xử lý các hành vi vi phạm đối với DNNN cũng có phần chưa đồng bộ, việc quản lý giám sát của đại diện chủ sở hữu nhà nước chưa nghiêm nên tính tuân thủ pháp luật về chế độ tài chính, công khai thông tin, báo cáo của DNNN chưa cao, chưa chú trọng và quan tâm.

Để khắc phục tình trạng này, dự án Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN đã có một chương quy định về giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động DNNN.

Trong đó, về nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý, giám sát của chủ sở hữu đối với DNNN, Dự án Luật quy định nội dung giám sát, gồm việc quản lý vốn và tài sản của DN, việc cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại DN; vai trò của Quốc hội trong việc giám sát việc ban hành các chính sách về đầu tư vốn nhà nước vào DN, giám sát việc đầu tư vốn nhà nước vào DN để hình thành tài sản của DN hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc các dự án, công trình quan trọng của quốc gia do Quốc hội phê chuẩn và thực hiện các giám sát tối cao khác theo quy định; hoạt động giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu của DN sẽ được tiến hành thường xuyên; và giám sát tài chính.

Về tăng cường vai trò giám sát của nhà nước bảo đảm công khai, minh bạch thông tin về DN, trước đây, thông tin về DNNN không rõ ràng, thiếu minh bạch. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2013/NĐ-CP nhằm yêu cầu các DN và tổ chức liên quan phải thực hiện công khai thông tin đến hoạt động của DNNN. Tuy nhiên, việc công khai thông tin cũng cần thiết phải được Luật hóa nhằm tăng cường giám sát của Quốc hội, Nhà nước và nhân dân; xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty.

Dự án Luật đã quy định về báo cáo và công khai thông tin theo quy định của Luật DN và yêu cầu của cơ quan đại diện chủ sở hữu của DN, cơ quan quản lý nhà nước. Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các báo cáo; các báo cáo gửi đến các cơ quan có thẩm quyền, đăng tải trên website của DN...

Về quy định giám sát của Quốc hội với DNNN, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến cho biết, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, định kỳ hàng năm, vào kỳ họp cuối cùng của Quốc hội, Chính phủ (Bộ Tài chính) đều có báo cáo công khai tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và quản lý vốn tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Đây là báo cáo thường niên của Chính phủ chấp hành quy định của Quốc hội.

Ông Tiến cũng cho biết thêm, quy định về giám sát của Quốc hội hiện đang nhận được 2 luồng ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, hiện nay Quốc hội vẫn thực hiện chức năng giám sát đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN cho nên không cần thiết phải quy định trong Luật. Nhưng cũng có luồng ý kiến ủng hộ với quy định này trong dự thảo Luật để khẳng định một lần nữa tinh thần thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chức năng giám sát đối với các DNNN. Về vấn đề này, Chính phủ sẽ xin ý kiến Quốc hội khi trình dự án Luật.

Vốn nhà nước đầu tư vào DN được bảo toàn và phát triển, tăng từ 136.000 tỷ đồng trước năm 2006 lên trên 921.000 tỷ đồng năm 2012 (trong đó: vốn đầu tư vào các công ty mẹ là 857.000 tỷ đồng) và tập trung chủ yếu ở các tập đoàn, tổng công ty. Phần lớn các DNNN hoạt động có lãi, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trung bình của DNNN những năm 1999-2000 đạt khoảng 14%/năm, tăng lên 20,5% năm 2005. Trong giai đoạn 2007-2012 tuy gặp khó khăn, nhưng vẫn đạt trung bình khoảng 16%/năm. Số DN thua lỗ và hòa vốn giảm mạnh, từ 60% xuống còn 20% năm 2012. Nộp ngân sách tăng bình quân 10-30%.

(Nguồn: Bộ Tài chính)


Minh Anh

Hải Quan

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu sản phẩm da giày: Vẫn còn “đất” trống (19/05/2014)

>   Nhà đầu tư nước ngoài: Việt Nam vẫn hấp dẫn, thân thiện (19/05/2014)

>   Những mặt hàng xuất khẩu mang lợi nhuận nhiều nhất (18/05/2014)

>   Itochu đề xuất xây bến cảng hàng rời tại Lạch Huyện (18/05/2014)

>   Trông chờ doanh nghiệp đầu tư cho khoa hoc, công nghệ? (18/05/2014)

>   Bồi thường, hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp bị đập phá (18/05/2014)

>   Sáu rủi ro trong quản lý phân phối hàng tiêu dùng (18/05/2014)

>   Dành 450 tỉ đồng phát triển thương mại điện tử (18/05/2014)

>   Bình Dương: Nhiều nhà máy đã hoạt động trở lại (18/05/2014)

>   Chuẩn bị bảo dưỡng tổng thể Nhà máy lọc dầu Dung Quất (18/05/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật