Thứ Sáu, 09/05/2014 16:43

Phát triển kinh tế biển: Cần sự đầu tư xứng tầm

Với lợi thế được thiên nhiên, tạo hóa ban tặng - trên 3.000 km bờ biển - kinh tế biển Việt Nam vẫn luôn là lĩnh vực vô cùng quan trọng đối với sự phát triển chung của toàn nền kinh tế - xã hội nước nhà.

Bởi vậy, làm sao để ngư dân yên tâm bám biển, yên tâm đánh bắt vừa bảo vệ vùng biển của Tổ quốc Việt Nam, vừa khai thác được những nguồn lợi lớn từ biển, câu hỏi này phụ thuộc rất lớn vào sự đầu tư cho lĩnh vực kinh tế biển của các nhà làm quản lý.

Đầu tư chưa trúng

Không chỉ có lợi thế về bờ biển dài hơn 3.000 km, Việt Nam cũng tự hào là một quốc gia có nhiều hải đảo và quần đảo. Ước tính, Việt Nam có khoảng 4.000 hòn đảo lớn nhỏ trong đó Hoàng Sa và Trường Sa là hai quần đảo lớn có những lợi thế về vị trí địa lý tự nhiên, có nguồn tài nguyên khoáng sản vô cùng phong phú và đa dạng, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh quốc phòng. Đây cũng chính là một trong những lý do để việc tiến ra biển, khai thác và bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ, trong đó có chủ quyền các vùng biển, đảo là một nhiệm vụ chiến lược.

Những tiềm năng to lớn của nền kinh tế biển vẫn chưa được phát huy hiệu quả

Theo thống kê của giới chuyên gia, trữ lượng hải sản biển Việt Nam dao động trong khoảng 3,1 - 4,2 triệu tấn/năm, với khả năng khai thác 1,4 - 1,6 triệu tấn/năm. Hệ sinh thái ven biển Việt Nam đã và đang đem lại lợi nhuận khoảng 60-80 triệu USD mỗi năm cho đất nước. Đó còn chưa kể những lợi thế từ khai thác dầu khí, cảng biển… cho thấy, tiềm năng kinh tế biển là vô cùng lớn. Những con số trên cũng là một minh chứng cho sự phong phú, đa dạng, giàu có mà tạo hóa đã ban tặng cho vùng biển Việt Nam. Tiềm năng của kinh tế biển đã quá rõ ràng.

Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, thời gian vừa qua, tài nguyên và kinh tế biển đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Song, cho đến nay những tiềm năng to lớn chưa được phát huy một cách hiệu quả. Tài nguyên thiên nhiên biển đang bị khai thác quá mức, dẫn đến nguy cơ cạn kiệt ở một số nơi. Các hệ sinh thái biển suy thoái nhanh, chất lượng môi trường biển đảo xuống cấp. Bên cạnh đó, Việt Nam phải chịu những tác động bất lợi do biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng gây ra…

Có thể thấy, nếu khai thác được những lợi thế từ biển và bảo vệ được nguồn lợi thủy hải sản, hay nói cách khác, tận thu nhưng không tận diệt, Việt Nam cần phải có sự đầu tư một cách hiệu quả hơn, đúng và trúng hơn cho lĩnh vực kinh tế biển. Vậy nhưng, cho đến thời điểm này, Việt Nam không hề có những hạm tàu lớn với những DN kinh tế biển xứng tầm. Sự thiếu hụt này cũng một phần do thiếu sự đầu tư vào ngành vận tải biển. Thất bại của Vinalines là một ví dụ điển hình cho sự đầu tư sai lệch này.

Kỳ vọng vào Chiến lược Biển Việt Nam

Hay như việc đầu tư cho vấn đề dự báo ngư trường cũng đang rất nửa vời, bộc lộ nhiều hạn chế. Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, dự báo ngư trường là vấn đề hết sức cần thiết đối với lĩnh vực đánh bắt thủy hải sản. Kết qủa điều tra nguồn lợi thủy sản không chỉ giúp chúng ta điều chỉnh khu vực đánh bắt, cơ cấu tàu thuyền khai thác mà còn là "kim chỉ nam” cho công tác bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản. Tuy nhiên, trong 3 năm qua, việc đầu tư cho dự báo ngư trường chưa tương xứng với nhu cầu khi mà với tiềm năng một vùng biển rộng lớn như vậy, song Việt Nam không hề có một con tàu nghiên cứu. Theo ông Tuấn, là một nước giàu tiềm năng về kinh tế biển nhưng hiện nay chúng ta vẫn đang phải… mượn tàu nghiên cứu của Tổ chức trung tâm nghề cá Đông Nam Á đề điều tra nguồn lợi thủy sản.

Như vậy, chỉ với việc đầu tư cho việc nghiên cứu ngư trường, chúng ta vẫn đang rất loay hoay, trong khi còn hàng loạt vấn đề liên quan đến kinh tế biển đang cần phải tháo gỡ, mới thấy, việc đầu tư cho lĩnh vực kinh tế biển hoàn toàn chưa thật xứng tầm.

Được biết, để vươn tới mục tiêu trở thành cường quốc giàu từ biển, mạnh từ biển, một chiến lược biển với mục tiêu khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là hiểu rõ hơn về biển, về tiềm năng, lợi thế và các tác động bất lợi từ biển; thúc đẩy khai thác, sử dụng, các nguồn tài nguyên thiên nhiên biển theo hướng bền vững; gìn giữ chất lượng môi trường nước biển; duy trì chức năng sinh thái và năng suất sinh học của các hệ sinh thái biển, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu trong giai đoạn này là giảm nhẹ mức độ suy thoái, cạn kiệt tài nguyên và kiềm chế tốc độ gia tăng ô nhiễm môi trường vùng ven biển, vùng biển ven bờ và trên các đảo.

Ngoài ra, sẽ nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, duy trì chức năng sinh thái và năng suất sinh học của các hệ sinh thái biển nhằm bảo vệ đa dạng sinh học biển và các nguồn lợi từ biển. Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được kỳ vọng sẽ hướng nền kinh tế biển Việt Nam đến một tầm cao mới, để ngư dân Việt Nam, người dân Việt Nam hoàn toàn có thể làm giàu từ biển, yên tâm khai thác, đánh bắt nguồn lợi từ biển, và mục tiêu cao cả hơn đó là, khẳng định vị thế chủ quyền, giữ gìn bảo vệ biển đảo của dân tộc Việt Nam.

Minh Phương

đại đoàn kết

Các tin tức khác

>   Bộ Công Thương sẽ điều hành giá xăng dầu (09/05/2014)

>   Nước thải ở TPHCM sẽ phải sạch hơn (09/05/2014)

>   Air Mekong muốn bay trở lại (09/05/2014)

>   Cổ phần hóa Vinalines: Nhà nước có chấp nhận “hy sinh”? (09/05/2014)

>   Quốc hội Mỹ bắt đầu xem xét thỏa thuận hạt nhân với Việt Nam (09/05/2014)

>   Doanh nghiệp “vuốt râu hùm”, tố PMU2 dồn ép? (09/05/2014)

>   Ngầm chuyển giá, nhiều hệ lụy (09/05/2014)

>   Khối doanh nghiệp tư nhân: Cần được kích hoạt! (08/05/2014)

>   Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Vẫn thiếu giải pháp (08/05/2014)

>   Kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cao su (08/05/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật