Thứ Hai, 19/05/2014 18:54

Hướng đi nào cho nông nghiệp - phát triển nông thôn?

Sản xuất nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sau hàng chục năm vẫn loay hoay tìm hướng đi, và mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ĐBSCL cho đến nay vẫn chỉ là khẩu hiệu.

Rất nhiều bất cập về chính sách đối với nông nghiệp-nông thôn được chỉ ra tại một hội thảo khoa học do Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Thành ủy Cần Thơ phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức hôm nay, 19-5 tại Cần Thơ.

Máy liên hợp gặt đập là một bước phát triển trong cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa ở ĐBSCL

Giáo sư, tiến sĩ Bùi Chí Bửu, chuyên viên cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam (thuộc Bộ NN-PTNT) nhấn mạnh rằng “ngành nông nghiệp chỉ biết tập trung sản xuất, không xác định được định hướng thị trường.”

Tổn thất sau thu hoạch còn ở mức 12 – 14%, giá cả mặt hàng gạo giảm 18,7%... thu nhập nông dân đang ở mức rất thấp, thấp hơn cả mặt bằng chung toàn xã hội, ông Bửu nhận xét.

“Chúng ta đã chú trọng nhiều đến an ninh lương thực quốc gia mà ít quan tâm đến an sinh xã hội của người làm nông nghiệp,” ông Bửu nói.

Viễn cảnh càng u ám hơn khi mà sản lượng lương thực vùng ĐBSCL – cho dù đã tăng gấp 4 lần trong gần 30 năm qua – đang có mức tăng trưởng giảm dần. Nếu như tốc độ tăng trưởng sản lượng trung bình thời kỳ 1986 – 2003 là 5,5%, thì năm 2011 giảm xuống 4,0%, năm 2013 chỉ còn 2,67%...

Ông Bùi Chí Bửu nhấn mạnh rằng nông nghiệp là ngành sản xuất chưa bền vững.

Cho dù người nông dân có nhiều nỗ lực thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất, đời sống người nông dân vẫn không được nâng cao tương xứng, kể cả ở một địa phương khá thành công về sản xuất nông nghiệp như An Giang.

An Giang là một trong những tỉnh ở ĐBSCL đã có những kỳ tích về sản lượng và những mô hình sản xuất đột phá. Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông Hồ Việt Hiệp, cho biết tại hội thảo rằng An Giang đã nâng hệ số sử dụng đất từ 1,62 (năm 1990) lên mức hiện tại là 2,51. Nhờ vậy, tỉnh An Giang đạt được thành tích 4 triệu tấn lúa, xuất khẩu gạo đạt 200 triệu đô la Mỹ trong năm 2013.

Vùng đầu nguồn nước lũ này cũng được cho là “cái nôi”, là điểm sáng đột phá của các mô hình cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân… Dù vậy, thu nhập nông dân cũng chỉ mới hơn 1.000 đô la Mỹ/năm.

Theo ông Hiệp, nông nghiệp ĐBSCL phát triển chậm chạp bởi chưa có một chiến lược tổng thể trên qui mô quốc gia về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Ở ĐBSCL nói chung và An Giang nói riêng, theo ông Hiệp, doanh nghiệp hiện đang giữ vai trò chủ đạo trong kế hoạch công nghiệp hóa, hiện đại hóa thông qua việc thực hiện các mô hình cánh đồng mẫu lớn; tuy nhiên trong thực tế cũng mới chỉ có khoảng 1% doanh nghiệp chấp nhận rủi ro để đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp.

Để có thể thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, ĐBSCL cần phải tổ chức lại sản xuất. GS. TS Bùi Chí Bửu nhấn mạnh đến nhu cầu đầu tư vào nghiên cứu-phát triển, nâng cao giá trị gia tăng nông sản và giảm xuất khẩu thô.

Ông Bửu cũng kiến nghị cần “cởi trói” hạn điền để phát triển sản xuất lớn hướng tới tăng chất lượng, giảm giá thành; nhân rộng các mô hình kinh tế kiểu mẫu hiệu quả cao và đặc biệt chú ý cơ cấu kinh tế phải được tính toán trên quy mô quốc gia để tránh tình trạng các địa phương thi nhau giảm tỷ trọng GDP nông nghiệp; xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp liên kết với nông dân…

Có tổng hợp được nhiều biện pháp như vậy mới khai thác được các lợi thế so sánh của các tỉnh trên bình diện từng vùng hay cả nước.

Năm 2013, ĐBSCL xây dựng được 76.000 héc ta đất sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Khâu làm đất tới thời điểm này đã cơ giới hóa được 80%; khâu thu hoạch, xay xát cơ giới hóa đạt 95%, trong đó thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp khoảng 60%.

Hội thảo với chủ đề Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long – 30 năm nhìn lại nhằm thảo luận các giải pháp, từ đó tìm ra động lực mới cho tiến trình phát triển nông nghiệp-nông thôn những năm tiếp theo.

Ngọc Tùng

tbktsg

Các tin tức khác

>   Hiệp hội Dệt may kêu gọi DN mở rộng nguồn nguyên phụ liệu NK (19/05/2014)

>   Khởi công giai đoạn 1 nhà máy điện gió tại Ninh Thuận (19/05/2014)

>   Nuôi gián đất thành bài học cho Luật Doanh nghiệp (19/05/2014)

>   Khai mạc Hội nghị bộ trưởng 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định TPP (19/05/2014)

>   Xử lý Vinafood2 lỗ nặng nhưng lương lãnh đạo vẫn 'khủng' (19/05/2014)

>   Hiệp định TPP đang cấp bách (19/05/2014)

>   Phát triển TPHCM: Túi tiền nào sẵn có hơn 1 triệu tỷ đồng? (19/05/2014)

>   “Chỉ có Vinashin và Vinalines phải xử lý theo kiểu này” (19/05/2014)

>   Các nước giám sát vốn tại DNNN như thế nào? (19/05/2014)

>   Xuất khẩu sản phẩm da giày: Vẫn còn “đất” trống (19/05/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật