Thứ Ba, 13/05/2014 15:51

FDI nhìn từ Bắc Ninh

Khoảng 10 năm trở lại đây, cánh tài xế tuyến Hà Nội - Quảng Ninh thường chọn ngả Bắc Ninh, thay vì xuôi Quốc lộ 5 qua địa phận Hưng Yên. Nguyên do là phần đường thuộc địa giới Bắc Ninh giúp xe chạy êm hơn. Điều này phần nào cho thấy chất lượng cơ sở hạ tầng của Bắc Ninh. Và đó là một lợi thế lớn của tỉnh này trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Lợi thế của Bắc Ninh

Chạy theo chủ trương đưa Việt Nam “trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”, các địa phương đã nỗ lực gia tăng tỉ trọng đóng góp của khu vực công nghiệp so với nông nghiệp và dịch vụ. Nội lực không đủ, họ đã cầu viện ngoại lực.

Bắc Ninh cũng không là ngoại lệ. Năm 2009, tỉnh này được nhắc đến nhiều với sự kiện Tập đoàn Samsung khánh thành nhà máy sản xuất điện thoại di động 1,5 tỉ USD tại Khu Công nghiệp Yên Phong. Đi cùng nhà đầu tư Hàn Quốc này là hàng chục công ty vệ tinh chuyên cung cấp linh kiện, phụ tùng cho Samsung. Năm ngoái, Samsung cho biết sẽ rót thêm 1 tỉ USD vào nhà máy sản xuất hiện hữu tại Bắc Ninh. Tiếp bước Samsung, Nokia (Phần Lan) đã đầu tư 320 triệu USD xây nhà máy sản xuất điện thoại di động tại đây.

Được tách ra từ Hà Bắc, Bắc Ninh có xuất phát điểm khá thấp với nền tảng kinh tế nông nghiệp, thiếu lực lượng lao động chất lượng cao. Là tỉnh nội địa, Bắc Ninh không có điều kiện tham gia cuộc đua phát triển các khu kinh tế ven biển, kinh tế cửa khẩu. Điều này hóa ra lại là một may mắn cho Bắc Ninh khi không bị phân tán nguồn lực vào cuộc đua này.

Một may mắn khác là Tỉnh không có nguồn khoáng sản dồi dào, nên ít bị dòng vốn FDI chất lượng thấp nhòm ngó.

Cũng cần nói thêm, nếu phân theo mục tiêu, vốn FDI chủ yếu vào Việt Nam dưới 2 dạng: khai thác thị trường (hàng tiêu dùng nhanh, bán lẻ...) và khai thác tài nguyên (được phân thành 2 mảng là không tái tạo và tái tạo). Dòng vốn FDI săn tìm tài nguyên không tái tạo thường để mắt đến những địa phương có trữ lượng khoáng sản dồi dào, được xem như lợi thế cạnh tranh “tĩnh”. Do đó, việc nghèo nàn về khoáng sản vô hình trung đã giúp Bắc Ninh tự sàng lọc dòng FDI chất lượng thấp.

Tăng trưởng năng suất lao động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2009-2012

Lợi thế tự nhiên đáng kể nhất của Bắc Ninh có lẽ là vị trí tiếp giáp Hà Nội, giúp tận dụng khá tốt cơ sở hạ tầng của Thủ đô. Dù không có sân bay nhưng Bắc Ninh vẫn được hưởng tiện ích từ cảng hàng không quốc tế lớn nhất miền Bắc sau khi đường cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh được mở rộng lên 4 làn xe vào năm 2008. Đây là một điều kiện quan trọng giúp Tỉnh thu hút vốn FDI.

Không chỉ tận dụng lợi thế hạ tầng, Bắc Ninh còn chú trọng đến việc cải thiện môi trường thể chế để thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn, Bắc Ninh đã triển khai rộng rãi mô hình “một cửa” tại nhiều sở, ban, ngành.

Hãy lấy ví dụ của huyện Thuận Thành. Đây là một trong những huyện ở Bắc Ninh sở hữu văn phòng một cửa liên thông hiện đại với tổng vốn đầu tư 1,2 tỉ đồng. Mỗi quầy làm việc được đặt 1 máy tính và các máy tính đều được kết nối với trụ sở Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân huyện để lãnh đạo, các phòng ban trực tiếp tác nghiệp tại phòng mình.

Bộ phận một cửa còn được trang bị màn hình cảm ứng để người dân, nhà đầu tư tự tra cứu thông tin và xem hướng dẫn thủ tục làm hồ sơ. Mọi thông tin về trạng thái hồ sơ, khâu nào phụ trách giải quyết đều được thể hiện trên màn hình. Văn phòng còn được gắn các camera giám sát.

Khi văn phòng này đi vào hoạt động vào năm 2010, Tiến sĩ Trần Ngọc Anh, một chuyên gia về chính sách công giảng dạy tại Đại học Indiana (Mỹ), đã nhận xét trên một trang tin điện tử: “Những văn phòng một cửa cấp huyện như thế này ở Việt Nam còn hiện đại và tiện lợi với người dân hơn cả ở các nước tiên tiến”.

Những nỗ lực như vậy đã giúp cho Bắc Ninh nhanh chóng thăng hạng từ bậc 20 năm 2007 lên vị trí số 2 vào năm 2011 trong chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Môi trường đầu tư cải thiện đã góp phần thu hút doanh nghiệp FDI vào đây.

Sự góp mặt của họ đã giúp ngành sản xuất công nghiệp của Tỉnh tăng trưởng mạnh. 17 năm kể từ khi tách tỉnh, Bắc Ninh lọt vào top 10 địa phương có giá trị sản xuất công nghiệp cao nhất nước. Giai đoạn 2006-2012, năng suất lao động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh đã tăng mạnh với động lực chính là khu vực FDI.

Thu hút FDI: “Tĩnh” hay “động”?

Việc Samsung dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam có thể được giải thích như sau. Một là nhà đầu tư nhận được nhiều ưu đãi về thuế, phí sử dụng đất ở Việt Nam. Hai là chi phí lao động không còn là lợi thế tại Trung Quốc, vốn được xem là công xưởng của thế giới.

Ở khía cạnh thứ nhất, sức ép tăng trưởng khiến Việt Nam không còn nhiều lựa chọn. Vai trò của FDI càng trở nên quan trọng khi nó được xem là cấu phần còn hoạt động tốt trong cỗ máy tăng trưởng của Việt Nam.

Ở khía cạnh thứ hai, sự dịch chuyển của Samsung thực chất vẫn là tìm kiếm tài nguyên, có khác chăng là tài nguyên có khả năng tái tạo. Vì thế, vấn đề quan trọng là làm sao tạo ra một môi trường thể chế, được xem là lợi thế cạnh tranh “động”, để nguồn tài nguyên này phát triển.

Hai yếu tố then chốt quyết định chất lượng và mức độ bền vững của FDI là hạ tầng cứng và hạ tầng “mềm” (môi trường thể chế) lại đều do con người tạo ra. Đây chính là 2 lợi thế lớn nhất của Bắc Ninh, nhờ đó đã giúp địa phương này từ chỗ không có lợi thế cạnh tranh trở nên cạnh tranh hơn.

Câu chuyện Samsung vào Bắc Ninh còn cho thấy việc nhận dạng chính xác hiện trạng của địa phương là bước khởi đầu quan trọng trong quá trình thu hút FDI. Đó là bài học lãnh đạo TP.HCM đã rút ra sau những vấp váp trong chiến lược thu hút FDI của mình.

Cách nay 1 thập niên, TP.HCM quyết định chọn cơ khí chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin, hóa chất - nhựa và chế biến lương thực thực phẩm làm 4 ngành công nghiệp trọng yếu của Thành phố. Thế nhưng, cho đến nay, vẫn chưa thấy xuất hiện những sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh như kỳ vọng. Mức tăng trưởng bình quân của 4 ngành năm 2013 chỉ là 12,3%.

Việc ưu tiên những ngành được xem là tạo ra giá trị giá tăng cao phần nào cho thấy TP.HCM không còn hào hứng với dòng vốn FDI đổ vào những ngành công nghiệp thâm dụng lao động. Thế nhưng, TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung lại chưa thể tiếp nhận dòng vốn FDI chất lượng cao. Câu chuyện Intel chỉ tuyển được khoảng 1% lao động trong tổng số 4.000 ứng viên là bằng chứng cho thấy thực tế đáng buồn này.

Không cập bến TP.HCM không có nghĩa là FDI sẽ chảy sang các địa phương khác. Theo kết quả khảo sát tiền lương do nhóm nghiên cứu thuộc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright thực hiện, hầu như không có sự khác biệt về chi phí lao động giữa TP.HCM với Quảng Ngãi. Thậm chí, chi phí lao động một số ngành ở Quảng Ngãi còn cao hơn ở TP.HCM. Lý do là Quảng Ngãi chưa hình thành được những cụm ngành để phát huy lợi thế kinh tế theo quy mô nhằm giúp giảm chi phí sản xuất.

Trước thực tế này, việc FDI dịch chuyển ra khỏi biên giới quốc gia để tìm đến nơi có suất sinh lợi cao là chuyện khó tránh khỏi. Do đó, cần phải sàng lọc FDI và quá trình này cần được dựa trên lợi thế cạnh tranh hơn là ý chí của nhà lãnh đạo.

Mộc Công

ncđt

Các tin tức khác

>   Công ty Hong Kong xây dựng nhà máy kéo sợi ở Long An (13/05/2014)

>   Các nước xử lý thoái vốn ra sao? (13/05/2014)

>   Xuất khẩu của VN sang Mỹ dự báo đứng đầu ASEAN (13/05/2014)

>   Giảm dần sự phụ thuộc (13/05/2014)

>   Doanh nghiệp chăn nuôi nội đuối sức (12/05/2014)

>   Hanoi Telecom: "Viễn thông cần tránh dạng biến tướng của độc quyền mới" (12/05/2014)

>   Dự kiến truy thu thuế hơn 125 tỷ đồng từ một doanh nghiệp FDI (12/05/2014)

>   Dệt may đón đầu TPP: cuộc đua không cân sức! (12/05/2014)

>   Cái bẫy tăng vốn ở các dự án sử dụng “tiền chùa”! (12/05/2014)

>   Khai mạc đàm phán Hiệp định TPP tại Việt Nam (12/05/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật