Giảm dần sự phụ thuộc
Trong bối cảnh người bán nhiều hơn người mua trên thị trường gạo thế giới, Trung Quốc trở thành thị trường chính bởi là nước nhập khẩu nhiều gạo Việt Nam nhất. Năm 2013, Trung Quốc đã mua hơn 2 triệu tấn gạo chính ngạch, chiếm hơn 33% lượng gạo xuất khẩu và gần 2 triệu tấn qua đường biên giới. 4 tháng đầu năm 2014, Trung Quốc vẫn là nước mua nhiều nhất với 40% trong số gần 1,8 triệu tấn gạo xuất khẩu. Là thị trường mua gạo lớn nhất của Việt Nam 2 năm qua và sẽ tiếp tục đứng đầu trong thời gian tới do nhu cầu ngày càng tăng và lợi thế thị trường gần, vận chuyển thuận lợi. Vì vậy, xuất khẩu gạo qua Trung Quốc có vai trò ngày càng quan trọng trong việc tiêu thụ lúa gạo hàng hóa trong nước.
Nhiều thương nhân Trung Quốc rất giỏi “làm giá”. Việc hủy hợp đồng 1,2 triệu tấn với Thái Lan trước đây là nhằm thương lượng lại với giá mua rẻ hơn. Khi không ký được với giá thấp mới đi tìm nguồn cung cấp khác. 3 tháng đầu năm 2014, dù vẫn là nước mua nhiều gạo Việt Nam nhất nhưng so với cùng kỳ đã giảm đến 20%. Chỉ đến tháng 4-2014, các doanh nghiệp Trung Quốc mới tăng mua, chiếm 60% lượng gạo xuất của gạo Việt Nam. Đây cũng cũng là “chiêu” chờ Việt Nam thu hoạch xong lúa đông xuân để ép giá, nhưng nhờ Việt Nam trúng thầu cung cấp gạo cho Philippines nên tình hình không quá “căng thẳng”.
So với các nước, Trung Quốc là thị trường gần của Việt Nam, vận chuyển thuận lợi. Xuất khẩu qua biên giới Trung Quốc đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc tiêu thụ lúa gạo hàng hóa trong nước, giúp giải tỏa áp lực tồn kho khi đến các kỳ thu hoạch, đặc biệt khi một số thị trường của Việt Nam bị Thái Lan chiếm lĩnh như Malaysia, các nước châu Phi. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, xu hướng giá gạo Việt Nam sắp tới sẽ phụ thuộc vào sự biến động giá đối với thị trường Trung Quốc, nhất là xuất khẩu qua biên giới.
Vì vậy, mặt tiêu cực của việc lệ thuộc quá lớn vào một thị trường là luôn tạo ra sự bất ổn về giá và nguy cơ bị hủy hợp đồng chính ngạch mỗi khi giá biến động, nhằm giảm giá hoặc chuyển qua mua tiểu ngạch với mục đích tránh thuế.
Với việc Việt Nam trúng thầu cung cấp 800.000 tấn gạo cho Philippines không chỉ giúp giữ ổn định giá lúa gạo trong nước, điều quan trọng còn giúp giảm bớt áp lực ép giá từ các doanh nghiệp Trung Quốc. Đa dạng thị trường là điều cần phải làm để thoát khỏi tình trạng hiện nay. Trong đó, châu Phi, thị trường nhập khẩu nhiều thứ 2 với 30% lượng xuất khẩu năm 2013 được kỳ vọng là đối trọng với Trung Quốc.
Đã có 30/55 nước ở châu Phi như Bờ Biển Ngà, Ghana, Senegal, Angola, Cameroon… nhập khẩu gạo. Riêng Nigeria nhập khoảng 2 triệu tấn gạo/năm, nhất là gạo đồ. Dù khu vực này gạo Thái Lan đang chiếm ưu thế, nhưng gạo thơm Việt Nam vẫn trụ vững và có tốc độ tăng trưởng cao nhất. 4 tháng đầu năm chiếm 25% tổng lượng gạo xuất khẩu là từ khu vực này.
Theo Bộ Công thương, gạo Việt Nam chiếm được thị phần các nước châu Phi bởi giá cả cạnh tranh, chất lượng tốt. Nhờ xây dựng được nền tảng khá tốt trong việc khai thông những năm qua nên sẽ có những bước đột phá để doanh nghiệp xâm nhập sâu hơn. Đã có 7 bản thỏa thuận về xuất khẩu gạo với các quốc gia với tổng lượng gạo khoảng 4,2 triệu tấn. Hy vọng đây là cách thoát dần sự lệ thuộc vào Trung Quốc dù có lợi thế và thị trường gần của gạo Việt Nam.
Đăng Lãm
sài gòn giải phóng
|