Chủ Nhật, 11/05/2014 09:52

PPP: Lối thoát cho ngành chè Việt?

Có diện tích trồng chè lớn, XK không hề nhỏ nhưng bao năm nay giá XK chè của Việt Nam vẫn “đì đẹt” ở Top cuối trên thế giới. Đẩy mạnh hình thức hợp tác công-tư (PPP), trong đó nhấn mạnh vào nâng cao chất lượng chè đang được coi là giải pháp quan trọng giúp ngành này nâng cao sức cạnh tranh.

Nhanh chóng quy hoạch lại vùng nguyên liệu là một trong những giải pháp giúp ngành chè gỡ khó.
Dự án Phát triển ngành chè bền vững có thời gian triển khai từ 2013-2015 với quy mô 6 tỉnh là Phú Thọ, Tuyên Quang, Lâm Đồng, Yên Bái, Vĩnh Phúc và Nghệ An. Dự kiến, sẽ có 30 nhà máy và khoảng 20.000 hộ nông dân chịu tác động của dự án này. Dự án tập trung vào 2 hoạt động chính, nhóm 1 là đào tạo về quy chuẩn SAN (Mạng lưới Nông nghiệp bền vững). Cụ thể, đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho 15 công ty chè về Hệ thống quản lý nội bộ IMS và quy chuẩn SAN. Đồng thời, đào tạo về quy chuẩn SAN cho các trưởng nhóm nông dân. Nhóm hoạt động thứ hai là tổ chức các lớp đào tạo tại hiện trường. Triển khai 2 khóa tập huấn mỗi tháng tại mỗi Lớp đào tạo tại hiện trường, đảm bảo nông dân tốt nghiệp Lớp học hiện trường được trang bị đầy đủ kiến thức để có thể đảm nhận vai trò kiểm soát viên nội bộ trong Ban quản lý nội bộ.

Yếu cố hữu

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT): Năm 2013, diện tích chè cả nước là 135,3 nghìn ha, giá trị XK cả năm tương đương năm 2012 đạt 222 triệu USD. Trong 4 tháng đầu năm 2014, khối lượng XK chè ước đạt 33 nghìn tấn với giá trị đạt 51 triệu USD, giảm 13,2% về khối lượng và giảm 10,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Điều đáng nói là, hiện nay giá XK chè của Việt Nam đang ở mức thấp nhất trên thế giới.

Tại Hội nghị phát triển chè bền vững do Bộ NN&PTNT tổ chức cuối tháng 4 vừa qua, ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đánh giá: Bao năm nay, ngành chè tồn tại nhiều hạn chế chưa tháo gỡ nổi. Đó là quy mô sản xuất nhỏ, bình quân khoảng 0,2 ha/hộ nên rất khó tiếp cận các thiết bị kỹ thuật mới và chứng nhận chè an toàn. Đầu tư cơ sở hạ tầng còn hạn chế, chè có tưới mới chiếm khoảng 7% diện tích cả nước, chưa phát huy được tiềm năng của giống mới (chiếm đến 54% diện tích cả nước). Nhiều cơ sở chế biến được cấp giấy phép xây dựng, nhưng không có vùng nguyên liệu; trình độ tay nghề chế biến thấp, chất lượng chè không cao. “Một trong những điểm yếu của ngành chè Việt còn là cơ cấu sản phẩm chè chủ yếu là chè đen OTC, CTC, cơ cấu chè xanh, chè ô long, chè chất lượng cao còn hạn chế, các DN cũng chưa xây dựng được thương hiệu chè. Điều này dẫn tới giá XK chè của Việt Nam thấp, giá trị gia tăng rất hạn chế”, ông Quảng nói.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Hữu Tài-Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam nhấn mạnh: Vướng mắc lớn nhất trong phát triển ngành chè hiện nay chính là việc chưa quy hoạch cụ thể, rõ ràng vùng nguyên liệu cho từng DN. Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trước đây về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng có đề cập tới nội dung này, nhưng không được thực hiện trong ngành chè. Tại các địa phương, nơi làm, nơi không, dẫn tới tình trạng có xã, cùng một vùng nguyên liệu mà được cấp phép cho tới 5 nhà máy cùng khai thác. Hiện nay, ngoại trừ DN Nhà nước, rất ít DN tư nhân chịu đầu tư vùng nguyên liệu riêng và DN cũng không hỗ trợ nông dân vấn đề vùng nguyên liệu vì sợ rằng đầu tư xong lại có DN khác chấp nhận trả giá cao hơn thu mua chè thì đầu tư “xôi hỏng bỏng không”.

Nhanh chóng lập Ban điều phối

Cục Trồng trọt cho biết: Định hướng phát triển tới năm 2020, diện tích chè cả nước sẽ ổn định khoảng 140 nghìn ha, rà soát và điều chỉnh quy hoạch sản xuất gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Phát triển các giống chè mới năng suất, chất lượng cao thay thế các giống chè cũ, thúc đẩy phát triển chè bền vững. Đổi mới công nghệ chế biến, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, gia tăng giá trị trong sản xuất chè.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định, muốn phát triển bền vững, đạt được các mục tiêu đề ra, đẩy mạnh hợp tác công - tư (PPP) trong ngành chè là giải pháp quan trọng. Điều này được Bộ NN&PTNT lưu ý từ lâu và từ tháng 1-2014, Dự án Phát triển ngành chè bền vững được thực hiện theo phương thức PPP giữa Bộ NN&PTNT với Tập đoàn Unilever cũng đã chính thức đi vào hoạt động. Dự án kỳ vọng tăng sản lượng chè Việt Nam XK thông qua việc giúp nông dân trồng chè và nhà máy sản xuất chè được chọn lựa đạt tối thiểu 4.0* ở chỉ số về chất lượng. Mục tiêu cụ thể là tăng sản lượng chè Việt Nam đạt chứng nhận Raiforest Alliance được thu mua bởi Unilever lên 30.000-35.000 tấn vào năm 2020.

Ông Flavio Corsin, Giám đốc chương trình Việt Nam của Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) Hà Lan cho rằng: Để phát triển bền vững, ngành chè Việt cần học tập ngành cà phê, nhanh chóng thành lập Ban điều phối. Trong đó, có sự tham gia của cơ quan quốc gia, ưu tiên các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, NN&PTNT và cấp tỉnh, đại diện các địa phương có diện tích chè lớn.

Bên cạnh đó, nhiều nhà máy có hiệu quả sản xuất hạn chế (nhà máy xếp loại C) nên bị cảnh báo, được tập huấn để nâng cấp lên loại A, B. Nếu các nhà máy này không đạt được loại A, B trong vòng 6 tháng kể từ khi nhận được cảnh báo thì nên bị đóng cửa. Đặc biệt, nhà máy chất lượng thấp, dưới tiêu chuẩn không nên được cấp phép sản xuất chè tại Việt Nam, đặc biệt là XK.

Liên quan tới vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTTN Cao Đức Phát đã yêu cầu Cục Trồng trọt, ngay trong tháng 5 phải nghiên cứu, trình đề xuất để Bộ trưởng ký phê duyệt thành lập Ban Điều phối ngành chè Việt Nam. Điều quan trọng là, Ban Điều phối lập ra sẽ nhanh chóng vận hành, hoạt động hiệu quả, góp phần tích cực vào quản lý phát triển bền vững ngành chè chứ không chỉ lập ra cho có lệ. Đồng thời, Cục Trồng trọt cũng cần nhanh chóng rà soát lại gói kỹ thuật canh tác trong ngành chè để đảm bảo các yêu cầu quốc tế, làm sao để chè mua của nông dân được thị trường NK chấp nhận.

“Song song với đó, Cục Bảo vệ thực vật phải rà soát lại danh mục thuốc bảo vệ thực vật dùng cho cây chè. Danh mục này đã ban hành vài năm nay, giờ phải rà soát kỹ lưỡng, bổ sung các loại thuốc mới có hiệu quả cao, đảm bảo an toàn thực phẩm”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Ông Flavio Corsin - Giám đốc chương trình Việt Nam của Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) của Hà Lan:

Chính phủ nên khuyến khích nhà máy chè áp dụng các chứng nhận

Chính phủ Việt Nam nên thúc đẩy hoặc đề xuất việc cấp chứng nhận cho các nhà máy, xây dựng một hệ thống các biện pháp khuyến khích các nhà máy đang sẵn sàng áp dụng chứng nhận (không chỉ là VietGAP). Các biện pháp có thể bao gồm hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường tiếp cận với nguồn vốn, đánh thuế thấp hơn. Đối với các hộ dân, Chính phủ nên có những chương trình hỗ trợ, giúp người dân hình thành các nhóm để họ dễ dàng tuân thủ các tiêu chuẩn hướng tới được cấp chứng nhận cũng như truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, tổ chức các đợt tập huấn, chiến dịch tuyên truyền về việc sử dụng đúng thuốc trừ sâu, bao gồm cả các quy định nghiêm ngặt của Nhà nước.

Ông Vũ Anh-Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Thọ:

Cần nhanh chóng thành lập Sàn giao dịch chè

Hiện nay, tỉnh Phú Thọ đang tập trung xây dựng, quy hoạch lại vùng nguyên liệu, chỉ đạo xây dựng trồng chè giống mới, đẩy mạnh đầu tư thâm canh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất và mở rộng diện tích chè an toàn chứng nhận sản phẩm bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế. Để triển khai thuận lợi các hoạt động kể trên, tỉnh đề nghị Bộ NN&PTNT sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực thi Quyết định 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề nghị sớm hình thành Sàn giao dịch chè. Trong đó, quy định rõ chỉ DN nào đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt mới được tham gia Sàn giao dịch nhằm nâng cao chất lượng cũng như giá cả chè XK.

Ông Nguyễn Hữu Tài - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam:

Phải phân vùng nguyên liệu riêng biệt cho từng cơ sở chế biến

Cần nhanh chóng quy hoạch lại, phân vùng cho từng cơ sở chế biến. Việc này đòi hỏi Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng như Sở NN&PTNT cùng tham gia, kể cả Hiệp hội Chè hay các Chi hội của hiệp hội ở địa phương cũng phải góp mặt. Cụ thể, phải rà soát lại toàn bộ các DN sản xuất, chế biến chè ở địa phương, ưu tiên cấp phép vùng nguyên liệu cho các DN trước đây đã được địa phương phân vùng nguyên liệu. Tiếp đến là ưu tiên cho những DN đủ tiêu chuẩn chế biến theo tiêu chuẩn của Bộ NN&PTNT đề ra. Đối với những DN không có vùng nguyên liệu thì không thể bắt phá đi ngay được mà phải thay đổi có lộ trình. Trước hết, có thể yêu cầu đơn vị chưa có vùng nguyên liệu phải có dự án đầu tư vùng nguyên liệu mới hoặc đầu tư cho nông dân để nâng cao năng suất vùng nguyên liệu đã có. Ngoài ra, DN có thể chuyển hướng sang sản xuất từ chè khô chứ không phải từ chè tươi nữa.

Uyển Như (ghi)


Thanh Nguyễn

Hải quan

Các tin tức khác

>   Nốt trầm xuất khẩu gạo (11/05/2014)

>   Tuần đầu tháng 5 xuất khẩu được 67 nghìn tấn gạo (10/05/2014)

>   Giá cao su giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm (09/05/2014)

>   VN mất 207 triệu USD vì giá xuất khẩu nông sản giảm (09/05/2014)

>   Những ẩn số của thị trường cà phê (09/05/2014)

>   'Một nền nông nghiệp... hàng xén' (08/05/2014)

>   Hoang mang khi Trung Quốc nhập mạnh gạo Việt Nam (08/05/2014)

>   VFA hạ chỉ tiêu xuất khẩu gạo (07/05/2014)

>   Xuất khẩu cá tra phải đăng ký với hiệp hội (07/05/2014)

>   Chuyển lúa sang trồng bắp: Vẫn mù mờ giải pháp đầu ra (06/05/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật