Thứ Hai, 12/05/2014 16:29

Hanoi Telecom: "Viễn thông cần tránh dạng biến tướng của độc quyền mới"

Theo Tiến sĩ Phạm Ngọc Lãng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hanoi Telecom, cần có các chính sách phù hợp để đảm bảo tạo lập một môi trường cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực viễn thông tại Việt Nam, tránh sự quay trở lại thời kỳ độc quyền cũ hoặc dạng biến tướng của hình thức độc quyền mới.

Trong bài phát biểu nhân sự kiện kỷ niệm 5 năm ra mắt mạng di động Vietnamobile, Tiến sĩ Phạm Ngọc Lãng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hanoi Telecom cho biết, từ một nhà mạng non trẻ, sau 5 năm không ngừng nghỉ phấn đấu, Vietnamobile dần khẳng định được vị trí của mình trên thị trường viễn thông Việt Nam và đạt được nhiều thành tích ấn tượng. Vietnamobile đã đầu tư hơn 1 tỷ USD xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông Việt Nam, góp phần tạo nên một thị trường viễn thông có tính cạnh tranh hơn.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Phạm Ngọc Lãng cho rằng, nếu nhìn lại bức tranh thị trường viễn thông Việt Nam hiện nay, việc tập trung quá mức và dồn mọi nguồn lực đến mức bất hợp lý cho các doanh nghiệp viễn thông Nhà nước có thị phần thống lĩnh trên 95% là một trở ngại to lớn đối với sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ nói riêng và việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực viễn thông nói chung tại Việt Nam.

"Chúng tôi mong muốn sẽ có các chính sách phù hợp để đảm bảo tạo lập một môi trường cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực viễn thông tại Việt Nam, tránh sự quay trở lại thời kỳ độc quyền cũ hoặc dạng biến tướng của hình thức độc quyền mới, không đúng với chủ trương, đường lối xây dựng nền kinh tế thị trường của Đảng, Nhà nước và phí hoài mọi cố gắng của nhiều thế hệ lãnh đạo, quản lý nghành đã dày công tạo dựng", ông Phạm Ngọc Lãng nói

Tiếp theo ý kiến của Tiến sĩ Phạm Ngọc Lãng, ông Garmon Shaw, Tổng điều hành mạng di động Vietnamobile cho biết, Vietnamobile được khai trương vào năm 2009 trong bối cảnh thị trường rất cạnh tranh khi có 8 nhà mạng, trong đó có 2 nhà mạng có vốn đầu tư nước ngoài, 2 nhà mạng di động ảo và 3 nhà mạng có sở hữu nhà nước rất mạnh và thống lĩnh thị trường. Thế nhưng, 5 năm trôi qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã không còn, 2 nhà mạng và 2 nhà mạng di động ảo đã ngừng hoạt động với 1 nhà mạng chỉ giữ lại quy mô thuê bao đã có. Chúng tôi là 1trong 4 nhà mạng còn hoạt động hiệu quả trên thị trường.

Ông Garmon Shaw còn cho rằng, với mục tiêu là phát triển thị trường viễn thông và mang lại hiệu quả đầu tư và đổi mới cho người tiêu dùng với giá cả hợp lý thì các chính sách về viễn thông và cạnh tranh phải hỗ trợ cho bối cảnh thị trường nơi mà tất cả các nhà mạng, đặc biệt là nhà mạng nhỏ có thể phát triển kinh tế. Tuy nhiên, chính sách hiện hành của Chính phủ Việt Nam không theo thông lệ quốc tế thông thường hay thông lệ tốt nhất. Thay vào đó, chính sách hiện nay ủng hộ và bảo vệ các doanh nghiệp nhà nước, tập trung quá nhiều nguồn lực về tần số, kho số, cước kết nối vào các doanh nghiệp nhà nước. Điều này sẽ không đạt được mục tiêu mà chúng ta mong muốn. Các hành động và kinh nghiệm của những nhà đầu tư viễn thông nước ngoài trong những năm vừa qua cho thấy, trong một bối cảnh như vậy thì họ sẽ rút đầu tư khỏi Việt Nam.

Ông Garmon Shaw đưa ra ví dụ trong viễn thông kêu gọi hành động của Chính phủ là sự khác biệt về kết nối giữa nhà mạng thống lĩnh thị trường và nhà mạng mới tham gia thị trường. Đó là, phí kết nối mà nhà mạng mới trả cho nhà mạng thống lĩnh nên thấp hơn đáng kể so với phí mà nhà mạng thống lĩnh trả cho nhà mạng mới. Có thể thấy rõ ràng điều này do lưu lượng từ nhà mạng thống lĩnh đến nhà mạng mới sẽ thấp hơn rất nhiều so với chiều ngược lại. Tổ chức Quản lý Viễn thông Châu Âu áp dụng chính sách phi đối xứng về cước kết nối trong quản lý viễn thông đối với các nhà mạng tham gia vào thị trường chậm hơn từ 6 đến 11 năm thì tỷ lệ phi đối xứng về cước kết nối trung bình là 35%. Hiện nay, ở Việt Nam, sự khác biệt là 10%. Vì vậy, Hanoi Telecom đề nghị mức chênh lệch ít nhất là 30%.

"Ngoài ra, các yêu cầu, quy định về thanh tra quá nhiều và áp dụng như nhau cho tất cả các nhà mạng. Đối với các nhà mạng nhỏ, gánh nặng của những yêu cầu này còn nặng nề hơn nhiều vì chúng tôi phải tập trung nỗ lực vào kinh doanh trong môi trường rất cạnh tranh này. Tôi xin kêu gọi Chính phủ giảm bớt các yêu cầu, quy tắc và phấn đấu cho một chính sách cạnh tranh lành mạnh và mạnh mẽ để tạo cơ hội cho các nhà mạng nhỏ bé được cạnh tranh, phù hợp với hầu hết các nước khác trên thế giới", ông Garmon Shaw nói

Ông Dennis Lui, Tổng giám đốc tập đoàn Viễn thông Hutchison cho rằng; "Là một nhà đầu tư quốc tế, chúng tôi thấy rằng vẫn còn rất nhiều việc mà Chính phủ Việt Nam có thể làm để khuyến khích và thúc đẩy đầu tư. Nhìn chung, thủ tục hành chính có thể được đơn giản hóa và các quy tắc có thể được làm rõ ràng hơn. Về viễn thông, Chính phủ có thể làm nhiều hơn nữa để tạo ra một môi trường kinh doanh thực sự bình đẳng và cạnh tranh nhằm mang lại lợi ích lâu dài cho ngành viễn thông và người tiêu dùng. Đồng thời, cũng chứng tỏ để cộng đồng thế giới công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường".

Ông Dennis Lui khẳng định, những chính sách này sẽ khuyến khích được đầu tư nước ngoài và lợi ích về việc phát triển mạnh mẽ của ngành viễn thông không chỉ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng Việt Nam mà còn tạo điều kiện cho sự phát triển viễn thông của đất nước.

Trước những đề xuất này của Vietnamobile, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng khẳng định, Bộ TT&TT sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường công tác thực thi pháp luật nhằm đảm bảo thị trường viễn thông Việt Nam phát triển theo hướng cạnh tranh, hiệu quả và bền vững.

"Chúng tôi sẽ rà soát lại để đảm bảo rằng môi trường hoạt động trong lĩnh vực viễn thông hoạt động bình đẳng, cạnh tranh, đáp ứng các yêu cầu của kinh tế thị trường. Tôi mong rằng Vietnamobile với kinh nghiệm cung cấp dịch vụ trong thời gian vừa qua sẽ tiếp tục góp phần tiếp thêm động lực cho sự phát triển của thị trường viễn thông Việt Nam", Thứ trưởng Lê Nam Thắng nói.

NT

ICTnews

Các tin tức khác

>   Dự kiến truy thu thuế hơn 125 tỷ đồng từ một doanh nghiệp FDI (12/05/2014)

>   Dệt may đón đầu TPP: cuộc đua không cân sức! (12/05/2014)

>   Cái bẫy tăng vốn ở các dự án sử dụng “tiền chùa”! (12/05/2014)

>   Khai mạc đàm phán Hiệp định TPP tại Việt Nam (12/05/2014)

>   Bộ trưởng Công Thương: Người dân sẽ được lựa chọn giá điện (12/05/2014)

>   Năng suất lao động Việt Nam thấp hơn 15 lần so với Singapore (12/05/2014)

>   Xuất khẩu thủy sản: Mừng lo song hành (12/05/2014)

>   Cách nào hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc? (12/05/2014)

>   4 dự án cảng hàng không kêu gọi đầu tư nước ngoài (12/05/2014)

>   Hàng triệu đô đầu tư sản xuất thức ăn chăn nuôi (12/05/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật