Thứ Hai, 12/05/2014 08:25

Cách nào hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc?

Điều gì sẽ xảy đến khi phía Trung Quốc khởi động một “cuộc chiến” kinh tế chống lại Việt Nam? Để trả lời câu hỏi này, cần có một chiến lược quốc gia, trước mắt là “mặt trận” hạn chế nhập siêu từ quốc gia này.

Việt Nam xuất khẩu gạo, cao su sang Trung Quốc nhưng Việt Nam cũng phải chi nhiều tỷ USD để nhập hàng hóa nguyên liệu, máy móc từ nước này.

Cụ thể, thị trường Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2013 lên tới 50,2 tỷ USD (tăng 22,0% so với năm 2012), trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 13,3 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 10,0% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 7,0% so với năm 2012. Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2013 là 36,9 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 28,1% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước và tăng mạnh so với năm 2012 (khoảng 28,4%).

Phần lớn nhóm hàng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam được nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong năm 2013, nhập khẩu nhóm máy móc, thiết bị, phụ tùng, dụng cụ chiếm khoảng 18% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ thị trường này; tiếp theo là nhóm nguyên phụ liệu dệt may da giày chiếm 15%; nhóm điện thoại các loại và linh kiện chiếm 15%; nhóm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chiếm 12%; nhóm sắt thép các loại và sản phẩm chiếm 9%; còn lại là các nhóm hàng hóa khác.

Xuất thô, nhập tinh

Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chủ yếu là nhóm hàng nông - lâm - thủy sản, chiếm tỷ trọng 31,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc và chiếm tỷ trọng 20,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước; tiếp đến là nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, chiếm 15,9%; nhóm hàng dệt may, giày dép các loại chiếm gần 13,0%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm khoảng 10,0%; còn lại là các nhóm hàng hóa khác. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, Trung Quốc còn liên tục tung ra các chiêu thu mua “oái oăm” như ốc bươu vàng, gỗ sưa non... thậm chí thu mua cả đỉa, gây rối loạn sản xuất.

Ở chiều ngược lại, chỉ cần nhìn từ các cửa hàng đồng giá – 10 nghìn đồng/1 sản phẩm, mọc lên như nấm sau mưa tại Hà Nội cũng có thể thấy thị trường nội địa đang bị hàng Trung Quốc lấn át như thế nào. Tại đây, "gi gỉ gì gì cái gì cũng có", tới gần 2.000 mặt hàng khác nhau thuộc đồ dùng gia đình, đồ nhà bếp, trang sức, mỹ phẩm…, thậm chí cả USB cũng được bán với giá chỉ 10 nghìn đồng. Tất cả đều có nguồn gốc “made in China” khiến các DN sản xuất trong nước chật vật trong cạnh tranh.

Một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - Trường Đại học Quốc gia (VECS) chỉ ra, một nửa hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc là hàng thô, sơ chế, trong khi nhập khẩu lại là hàng tinh chế (chiếm 85%). Các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam cũng đang sử dụng phần lớn công nghệ, nguyên liệu của Trung Quốc để phục vụ sản xuất, lên tới 80%.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn mới đây dẫn báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải đánh giá năng lực các nhà thầu cho hay, trong khoảng 45 nhà thầu chưa đáp ứng yêu cầu, có nhiều công ty của Trung Quốc như Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc thi công đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông, Công ty Xây dựng Quảng Tây, Tổng Công ty Cầu đường Trung Quốc, Công ty Cổ phần hữu hạn viễn thông Trung Hưng (ZTE - Trung Quốc). Đặc biệt, tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, con số nhà thầu Trung Quốc đưa ra đã bị đội vốn gần 100%, từ 552 triệu USD lên 891 triệu USD.

Thiết lập ngay các hàng rào kỹ thuật

Cách nào giảm nhập siêu từ Trung Quốc? TS Phạm Thị Hoàng Anh, Khoa Ngân hàng, Trường Đại học Ngân hàng khuyến nghị: “Cần xây dựng một nền sản xuất chủ động và có năng lực chính. đây là cơ sở để Việt Nam tiến tới thực hiện những tham vọng về kinh tế và vững vàng trong những quyết định. Bởi vậy, Việt Nam cần nhanh chóng có những kế hoạch trung và dài hạn nhằm nâng cao chất lượng nền kinh tế, từ đó thúc đẩy kinh tế ngoại thương”.

Theo bà Hoàng Anh, trước mắt cần đa dạng hóa danh mục hàng xuất khẩu, nên tính đến việc xây dựng và phát triển những sản phẩm mới sao cho phù hợp với thực lực quốc gia. Trước những giải pháp nhằm duy trì và phát triển thị trường xuất khẩu, Việt Nam cần rà soát những hạn chế tiêu cực có thể gây ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam cũng như xáo trộn thị trường trong nước.

Cụ thể, các doanh nghiệp của Việt Nam cần quan tâm, chú trọng đến bản quyền, thương hiệu sản phẩm trong nước cần được đăng ký cẩn thận, đặc biệt với những hàng hóa truyền thống đã có tên tuổi; hạn chế việc kinh doanh chênh lệch giá từ những thương lái Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch không chính thức. “Chất lượng là nhược điểm lớn nhất của hàng hóa Trung Quốc và cũng là một mấu chốt quan trọng cho chiến lược cạnh tranh với hàng Trung Quốc của Việt Nam” – vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Còn TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Trung tâm VECS kiến nghị, để đối phó với những hành vi kinh doanh bất lợi từ Trung Quốc, Việt Nam cần phải tăng năng suất để thúc đẩy ngành công nghiệp trong nước, từ đó hạn chế nhập thiết bị, máy móc; đồng thời thiết lập ngay các hàng rào kĩ thuật đối với hàng hóa Trung Quốc, chẳng hạn quy định về biện pháp kiểm dịch động và thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm bao gồm quy định về kiểm tra chứng nhận, dư lượng, bao bì, ghi nhãn sản phẩm; quy định về hóa chất, phụ gia; quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ môi trường.

Đồng thời, để hạn chế tình trạng “chảy máu” tài nguyên, cần chính sách khai khoáng hợp lý để tối đa hóa lợi nhuận của ngành; xây dựng hệ thống thuế và phí tài nguyên cho phép Chính phủ tái phân bổ nguồn thu này một cách hiệu quả vào các lĩnh vực sản xuất; thiết lập tài khoản kế toán tài sản và tham gia hệ thống minh bạch EITI để quản lý nguồn lợi thu được từ xuất khẩu tài nguyên.

An Hào

pháp luật vn

Các tin tức khác

>   4 dự án cảng hàng không kêu gọi đầu tư nước ngoài (12/05/2014)

>   Hàng triệu đô đầu tư sản xuất thức ăn chăn nuôi (12/05/2014)

>   Chuỗi bán lẻ hàng công nghệ: Chọn sàn quyết đấu (11/05/2014)

>   Cargill đầu tư trên 110 triệu USD tại Việt Nam (11/05/2014)

>   Công khai thông tin điện, xăng dầu, người dân hưởng lợi (11/05/2014)

>   Vận tải hàng hóa: Đường bộ thống lĩnh (11/05/2014)

>   Siemens VN tham gia vào công nghiệp hóa dầu VN (11/05/2014)

>   Xuất khẩu khoáng sản giảm (11/05/2014)

>   Dệt may “hút” vốn Trung Quốc, “lo ngay ngáy” cho môi trường (11/05/2014)

>   Xuất khẩu Việt Mỹ có thể đạt hơn 51 tỷ vào 2020 (11/05/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật