Thứ Hai, 12/05/2014 16:03

Dệt may đón đầu TPP: cuộc đua không cân sức!

Tiềm lực tài chính mạnh, khả năng liên kết linh hoạt và tạo được chuỗi khép kín trong tiêu thụ từ nguyên liệu đến thành phẩm khiến các doanh nghiệp dệt may nước ngoài thắng thế so với doanh nghiệp trong nước trong cuộc đua đón đầu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm hưởng thuế suất ưu đãi.

Thời gian gần đây, hàng loạt doanh nghiệp dệt may Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông ồ ạt vào Việt Nam xây nhà máy sợi, dệt, nhuộm đón đầu TPP để được hưởng thuế suất nhập khẩu 0%. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước tỏ ra yếu thế, bị động hơn trong cuộc đua này.

Tại TPHCM mới đây có hai công ty lớn là Forever Glorious thuộc tập đoàn Sheico (Đài Loan) cam kết rót 50 triệu đô la Mỹ đầu tư dự án hoàn chỉnh từ dệt vải đến thành phẩm may mặc chuyên dụng cao cấp cho thể thao dưới nước hoặc Công ty Gain Lucky Limited thuộc tập đoàn Shenzhou International (Trung Quốc) cũng sẽ đầu tư đến 140 triệu đô la Mỹ để phát triển dự án trung tâm thiết kế thời trang và sản xuất các sản phẩm may mặc cao cấp.

Tại Nam Định, tập đoàn Dệt may Yulun Giang Tô (Trung Quốc) cũng được cấp phép xây nhà máy khép kín từ sản xuất sợi, dệt, nhuộm với tổng vốn đầu tư 68 triệu đô la Mỹ. Ngoài ra, hàng loạt doanh nghiệp dệt may lớn từ Hàn Quốc, Nhật Bản hoặc thậm chí từ Mỹ cũng đang có dự định mở rộng các dự án sản xuất dệt may tại Việt Nam để tận dụng cơ hội từ TPP mang lại.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn đầu tuần này, ông Nguyễn Anh Kiệt, Phân viện trưởng Phân viện Dệt may tại TPHCM, cho rằng các dự án sản xuất sợi, dệt, nhuộm thường có chi phí đầu tư rất cao, một dây chuyền sản xuất sợi có chi phí đầu tư cao gấp hàng chục lần so với dây chuyền may, một máy kéo sợi có giá gần 2 triệu đô la Mỹ và một dây chuyền kéo sợi có rất nhiều máy. Chưa kể các công đoạn sau kéo sợi như dệt, nhuộm đòi hỏi đầu tư hàng chục triệu đô la cho hệ thống xử lý nước thải, xử lý khí thải nên các nhà đầu tư nước ngoài vốn dĩ mạnh về tiềm lực tài chính thường có lợi thế hơn doanh nghiệp trong nước.

Cũng theo ông Kiệt, trong khi vừa mạnh về vốn, các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài thường có sẵn hệ thống tiêu thụ sản phẩm thông qua sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong hệ thống chuỗi cung ứng có sẵn. Trong khi đó, liên kết nội khối của doanh nghiệp trong nước còn quá yếu, thậm chí đến thời điểm này (khi TPP cận kề có hiệu lực) các doanh nghiệp còn chưa muốn liên kết với nhau.

Theo quy định xuất xứ “từ sợi” (yarn forward) của TPP, các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu sản phẩm sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi khi sử dụng nguyên liệu sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước thành viên TPP khác.

Ông Lê Quốc Ân, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết đối với các nước đang đàm phán TPP thì chẳng có nước nào sản xuất sợi, vải với giá vừa phải, nên doanh nghiệp trong nước khó sử dụng. Vì vậy, quan trọng nhất vẫn là sợi và vải của Việt Nam tự sản xuất, tức là định hướng phát triển của ngành dệt may chính là phát triển chuỗi giá trị theo ngành dọc, cụ thể là phát triển từ vùng nguyên liệu đến thành phẩm.

Điều này có nghĩa là doanh nghiệp dệt may trong nước muốn chủ động được nguyên liệu phải tạo sự liên kết giữa các doanh nghiệp từ sản xuất sợi, dệt, nhuộm rồi cuối cùng là may ra thành phẩm theo chuỗi khép kín. Sản phẩm cuối cùng muốn đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu nước ngoài thì chất lượng của từng công đoạn ban đầu phải đảm bảo chất lượng tốt.

Theo đánh giá của Phân viện trưởng Phân viện Dệt may tại TPHCM Nguyễn Anh Kiệt, đối với các doanh nghiệp vốn nước ngoài, khi họ vào Việt Nam đầu tư nhà máy sản xuất sợi, dệt hay nhuộm họ đã có sẵn đầu ra cho sản phẩm bằng sự liên kết với các doanh nghiệp khác. Ở khâu tạo sự liên kết này, doanh nghiệp dệt may trong nước đang vẫn còn khá yếu. Hiệp định TPP đang được đàm phán giai đoạn nước rút và thời gian có hiệu lực đang cận kề nên xem ra việc tạo sự liên kết càng khó thành công.

Có thể nói, tại Việt Nam hiện nay, tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) là một trong số những doanh nghiệp lớn hiếm hoi đang ráo riết tăng cường đầu tư các dự án sợi, dệt và sản xuất vải để đón đầu cơ hội xuất khẩu.

Hiện Vinatex đang triển khai dự án chuỗi nhà máy dệt - nhuộm - may tại khu công nghiệp Xuyên Á (tỉnh Long An) công suất giai đoạn 1 là 6 triệu mét vải mỗi năm và giai đoạn 2 nâng lên thành 10 triệu mét mỗi năm, dự kiến dự án này sẽ có sản phẩm vào tháng 8-2015. Tổng cộng, Vinatex đang có 12 dự án sợi, 9 dự án dệt được khởi động đầu tư trong năm 2013. Trong năm 2014, Vinatex tiếp tục đầu tư thêm khoảng 5.000 tỉ đồng cho các dự án phát triển nguyên phụ liệu, trong đó tập trung đến các dự án sợi, dệt nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.

Tuy nhiên, khi nói về khả năng đầu tư đón đầu TPP thì ông Đặng Vũ Hùng, Phó tổng giám đốc Vinatex, cũng phải thừa nhận nguồn lực tài chính của doanh nghiệp trong nước vẫn chưa đủ mạnh, không thể so sánh với doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt khi xây dựng các dự án nguyên liệu lớn cần rất nhiều vốn.

Ngoài ra, ông Hùng còn cho rằng trong khi muốn xây dựng một dự án từ sợi đến thành phẩm thì đòi hỏi phải qua các bước đào tạo đội ngũ chuyên gia, lựa chọn công nghệ và kỹ thuật sản xuất công phu và tốn kém hơn rất nhiều so với chỉ đầu tư công đoạn may thành phẩm.

Và trong khi doanh nghiệp trong nước còn loay hoay tìm kiếm những yếu tố quan trọng này thì doanh nghiệp nước ngoài hầu như có sẵn mọi thứ, từ nguồn nhân lực, công nghệ đến vốn liếng, chỉ cần xin cấp phép đầu tư xong là họ có thể huy động đủ nguồn lực bắt tay vào sản xuất ngay.

Có thể thấy TPP khá quan trọng đối với sự phát triển của ngành dệt may Việt Nam bởi trong 12 quốc gia tham gia TPP (trong đó có cả Việt Nam) thì đã có tới hai thị trường lớn của ngành dệt may là Mỹ và Nhật Bản với 43% kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào Mỹ, 12% vào Nhật và 4% vào các nước TPP còn lại.

Một chuyên gia kinh tế tỏ ra lo ngại nếu tạo được lợi thế cạnh tranh và tăng giá trị cho các sản phẩm dệt may xuất khẩu, rất có thể Việt Nam sẽ trở thành cứ điểm sản xuất hàng hóa của những nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong nước vẫn tiếp tục làm gia công cho họ như trong thời gian qua.

Văn Nam

tbktsg

Các tin tức khác

>   Cái bẫy tăng vốn ở các dự án sử dụng “tiền chùa”! (12/05/2014)

>   Khai mạc đàm phán Hiệp định TPP tại Việt Nam (12/05/2014)

>   Bộ trưởng Công Thương: Người dân sẽ được lựa chọn giá điện (12/05/2014)

>   Năng suất lao động Việt Nam thấp hơn 15 lần so với Singapore (12/05/2014)

>   Xuất khẩu thủy sản: Mừng lo song hành (12/05/2014)

>   Cách nào hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc? (12/05/2014)

>   4 dự án cảng hàng không kêu gọi đầu tư nước ngoài (12/05/2014)

>   Hàng triệu đô đầu tư sản xuất thức ăn chăn nuôi (12/05/2014)

>   Chuỗi bán lẻ hàng công nghệ: Chọn sàn quyết đấu (11/05/2014)

>   Cargill đầu tư trên 110 triệu USD tại Việt Nam (11/05/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật