Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cũng “kêu trời” vì… trạm cân
Doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản đang bị ách tắc trong vận chuyển các container hàng thủy sản đông lạnh vì quy định tải trọng tối đa mà Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho phép thấp hơn quy định giao thương quốc tế. Hệ lụy cuối cùng lại đổ lên đầu người nông dân nuôi cá.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sản phẩm xuất nhập khẩu (XNK) thủy sản chủ yếu là hàng đông lạnh hoặc đóng hộp, đóng chai được chứa trong các container lạnh có dung tích 40’ hoặc 20’, phải chạy giữ đông liên tục 24/24h, nên khi Bộ GTVT triển khai nghiêm về việc kiểm tra trọng tải container, các DN hoạt động trong lĩnh vực này gặp rắc rối lớn.
“Điêu đứng” vì quy định quốc gia lệch pha quốc tế
Quy định trong Thông tư số 03 của Bộ GTVT bắt buộc tất cả các xe kéo container có 3 cầu chỉ được kéo tối đa 21 tấn hàng (26 tấn cả vỏ container). Trong khi hàng thủy sản hầu hết là giao thương XNK với quốc tế (hàng nhập về từ nước ngoài và hàng xuất đi nước ngoài).
Theo các quy định và thông lệ giao thương quốc tế, việc đóng hàng phải theo container 40’ với trọng lượng 28 tấn, phải giữ đông lạnh dưới 18oC. Nếu thực hiện theo quy định mới của Bộ GTVT thì phải giảm tải xuống còn 75% với trọng lượng 21 tấn. Hậu quả, các công ty vận chuyển không dám nhận vận chuyển cho các sản phẩm thủy sản, khách hàng nước ngoài cũng không chấp nhận việc đóng container 40’ chỉ có 21 tấn hàng.
“Chưa kể chi phí vận chuyển (trên bộ, biển) đang có xu hướng tăng lên, việc giảm 25% trọng lượng xuất khẩu thủy sản khiến gia tăng sức nặng chi phí vận chuyển lên đáng kể. Nếu tính cước tàu, chi phí nâng hạ, kéo cont cho mỗi cont là 3.500 USD (khoảng 74 triệu đồng) thì với việc thực hiện theo quy định mới, mỗi tấn hàng thủy sản xuất khẩu các DN phải trả thêm riêng phí vận chuyển là gần 1 triệu đồng. Mỗi năm, các DN thủy sản Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,3 triệu tấn thủy sản, tương đương mỗi năm ngành thủy sản phải gồng mình trả thêm 54,5 triệu USD (khoảng hơn 1.000 tỷ đồng) cho chi phí vận chuyển” - một DN chế biến thủy sản tính toán.
Kể cả trong trường hợp các DN bớt hàng đóng đúng 21 tấn, lên tới cảng đóng thêm cho đủ 28 tấn thì ngoài việc tăng chi phí vận chuyển lên 2-3 lần, việc san đi, bớt lại tại cảng sẽ làm hư hỏng hàng hóa, số hàng không đóng hết sẽ không biết phải xử lý ra sao.
“Quy định mới của Bộ GTVT khiến các DN thủy sản bị mắc kẹt và ách tắc trong vấn đề giao nhận hàng, thiệt hại và ảnh hưởng lớn đến hoạt động của DN với bạn hàng quốc tế dẫn đến nguy cơ mất khách hàng, mất khả năng cạnh tranh” - lãnh đạo VASEP ngán ngẩm.
Gỡ khó bằng biện pháp “đặc thù”
Theo VASEP, tình trạng xe quá tải gấp 2-3 lần trọng tải cho phép hiện nay ảnh hưởng đến chất lượng đường sá là phổ biến, hoàn toàn không nằm ở ngành thủy sản bởi việc đóng container hàng thủy sản đông lạnh luôn theo chuẩn mực của thông lệ quốc tế là 28 tấn hàng.
Ngoài ra, trong điều kiện năng lực vận chuyển bằng xe rơ-moóc, container ở Việt Nam có hạn, quy định kiểm tải trọng xe theo Thông tư số 03 của Bộ GTVT áp dụng cho tất cả các ngành đang làm cho DN thủy sản khó khăn trong cả việc lựa chọn nhà cung cấp xe phù hợp với lô hàng, dễ dẫn đến hiện tượng “làm giá” trong vận chuyển hoặc tiêu cực trong quá trình kiểm soát của các cơ quan chức năng và sẽ làm ùn ứ hàng do lượng xe cung cấp không đủ.
Để giải quyết bức xúc của DN, VASEP đã có nhiều văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho DN. “VASEP và các DN thủy sản luôn ủng hộ chủ trương của Chính phủ về việc tăng cường kiểm tra và xử phạt đối với những trường hợp vận chuyển quá tải, không thực hiện theo đúng quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ. Tuy nhiên, với thực tế khó khăn mà ngành thủy sản đang gặp, Hiệp hội và các DN đề nghị Bộ GTVT có biện pháp đặc thù để không đưa hàng XNK thủy sản bằng container vào kiểm soát tải trọng xe nhằm đảm bảo lưu thông bình thường cho hàng hóa XNK, nhất là hàng đông lạnh, hàng đóng hộp” - ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch VASEP đề xuất.
Phi Hùng
pháp luật Việt Nam
|