Làm thôi, đừng bàn nữa
Việc "bàn" về xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ đã bắt đầu cách đây gần 20 năm. Rồi năm nào, vấn đề này cũng được đưa ra thảo luận nhưng vẫn không tiến triển là bao. Tuy nhiên đến lúc này, nếu không thực sự bắt tay vào làm, chúng ta sẽ đánh mất lợi thế, cơ hội khi tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Đơn cử như ngành dệt may, được đánh giá sẽ có mức tăng trưởng cực mạnh khi Việt Nam tham gia TPP vì có thể xuất khẩu sang Mỹ với thuế xuất bằng 0, bao năm nay vẫn phụ thuộc nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc không tham gia TPP, nên nếu chúng ta tiếp tục nhập khẩu từ nước này thì không được hưởng mức thuế bằng 0 như nói trên. Vì vậy với dệt may, chúng ta phải bắt tay vào làm ngay và làm thật quyết liệt. Đó là chuyển đổi sang nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ những nước là thành viên của TPP song song với xây dựng ngành phụ trợ trong nước để dần tự chủ và tăng giá trị cho xuất khẩu. Tình trạng của ngành da giày còn "nguy kịch" hơn khi tới nay ngành này vẫn gia công 100%. Đây cũng là vấn đề của hầu hết các ngành xuất khẩu hàng đầu của VN hiện nay như gỗ, thời trang, hàng hóa tiêu dùng, cơ khí...
Không chỉ TPP, việc thiếu ngành công nghiệp phụ trợ trong ngành điện tử, công nghệ thông tin khiến cho chúng ta "lỡ" cả cơ hội ngay tại thị trường nội địa. Trước đây, việc ưu đãi mạnh để thu hút các "ông lớn" như Samsung, Intel... Khi đó, Chính phủ kỳ vọng nhiều doanh nghiệp trong nước sẽ tranh thủ được cơ hội làm "vệ tinh" cho các tập đoàn này để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Nhưng sau hàng chục năm có mặt, tăng vốn, mở rộng quy mô tại VN, các "ông lớn" này vẫn gần như nhập khẩu hoàn toàn linh kiện. Năm 2013, Samsung xuất khẩu trên 23,9 tỉ USD điện thoại di động và linh kiện nhưng nhập khẩu cũng lên đến trên 21 tỉ USD. Vì thế, dù ngành điện tử "soán ngôi" dệt may, vươn lên dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu nhưng giá trị gia tăng mang lại cho nền kinh tế hết sức khiêm tốn. Xuất khẩu hàng điện thoại và linh kiện chắc chắn sẽ tiếp tục dẫn đầu và tăng trưởng mạnh trong thời gian tới nhưng như phân tích trên, chúng ta sẽ không hưởng lợi bao nhiêu nếu không trở thành nhà cung cấp, không nâng được tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm của họ. Trả lời Thanh Niên gần đây, lãnh đạo Samsung Việt Nam khẳng định công ty sẵn sàng mở cửa đối với các doanh nghiệp trong nước nếu họ có thể đáp ứng được các yêu cầu của tập đoàn mẹ. Như vậy, vấn đề còn lại phụ thuộc vào chính chúng ta.
Ngoài ra, ngành công nghiệp hỗ trợ yếu và thiếu còn ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Như vậy, tầm quan trọng, nguyên nhân, sự chậm trễ, hậu quả của việc không có ngành công nghiệp phụ trợ... đều đã được mổ xẻ kỹ lưỡng, được nói đi nói lại rất nhiều, được bàn ở hầu hết các cấp, ngành... Vì thế, đừng bàn nữa mà hãy làm thôi.
Nguyên Khanh
thanh niên
|