Ngành hồ tiêu: Nông dân có thật sự điều tiết giá?
Nếu đúng sự thật, đây là một trong những ngành nông nghiệp hiếm hoi, nếu không nói là duy nhất mà nông dân có thể điều tiết, làm chủ được giá bán.
Tại Hội nghị Thường niên Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam năm 2013 và Đại hội nhiệm kỳ V (2014 – 2017) vừa diễn ra tại TP.HCM ngày 22/5, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, sản lượng ngành hồ tiêu Việt Nam năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước và luôn luôn ở trong tình trạng được mùa.
Ngành được ví nhỏ như “hạt tiêu” đang đứng trước thời cơ gia nhập vào nhóm ngành xuất khẩu trên 1 tỷ USD
|
Nông dân quyết định giá?
“Dù được mùa, sản lượng tăng nhưng chúng ta vẫn đảm bảo giá năm sau cao hơn năm trước”, ông Đỗ Hà Nam khẳng định.
Theo ông Nam, để đảm bảo giá năm sau cao hơn năm trước thì nhu cầu của thị trường phải cao hơn so với lượng cung cấp, trong khi sản lượng của chúng ta không phải thiếu. Điều này có vẻ nghịch lý và khó tin hơn khi Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho rằng, thị trường hồ tiêu thế giới phải “đi theo” hồ tiêu Việt Nam.
Giải thích về điều này, ông Đỗ Hà Nam cho biết, dù được mùa nhưng tồn kho trong dân không cao và người nông dân coi hồ tiêu như là một loại tiền tệ, khi nào họ có nhu cầu mới tiêu dùng (bán ra). “Còn nếu không thì họ cất giữ vì cho rằng có lợi hơn thay cho đồng tiền làm cho loại hàng hóa đó tự điều tiết với thị trường đó”.
“Khi mà cung không đủ cầu thì đương nhiên giá bao giờ cũng tăng lên. Và khi chúng ta chiếm 50% thị phần xuất khẩu toàn cầu thì bắt buộc thế giới phải đi theo giá đó”, ông Nam cho biết thêm.
Trước câu hỏi rằng liệu nông dân điều tiết giá hay chính doanh nghiệp thu mua quyết định, ông Nam cho biết, doanh nghiệp cũng không có tiền để làm điều đó, trong khi giá hồ tiêu hiện rất cao.
Để điều tiết được giá, theo ông Nam, nó thể hiện sự thống nhất cao của người nông dân. Người nông dân theo dõi, căn cứ các thông tin trên thị trường nên họ đưa ra chuẩn mực của giá bình quân mà nên bán hay không nên bán.
Người nông dân cũng nhận ra rằng, đến cuối năm bao giờ giá hồ tiêu cũng cao hơn, lời hơn thay vì bán trước. Từ đó, nông dân tạo nên sự đồng lòng. Suốt 7 năm liên tục thị trường luôn đi theo hướng này đã tạo ra sự tự giác và đoàn kết của người nông dân mà không ai có thể làm thay được.
Ngành được ví nhỏ như “hạt tiêu” đang đứng trước thời cơ gia nhập vào nhóm ngành xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu, ngành hồ tiêu Việt Nam đã xây dựng được thị trường mang tính toàn cầu. Sản phẩm hồ tiêu của chúng ta đã có mặt tại hầu hết các nước trên thế giới.
“Nếu một số nước ở châu Âu hay Trung Quốc ép giá chúng ta thì chúng ta sẵn sàng bỏ thị trường đó để bán cho các thị trường khác. Dẫn đến việc chính thị trường ép chúng ta đó bị hụt hàng hóa cuối cùng họ cũng quay trở lại. Mà khi họ quay trở lại thì buộc họ phải mua với giá cao hơn”, ông Nam đặt vấn đề.
Nói về lợi nhuận thực tế của người nông dân, ông Nam cho biết, theo cách tính của Hiệp hội, chi phí đầu vào cho 1 kg hồ tiêu khoảng từ 1 – 1,5 USD. “Với giá bán hiện nay của chúng ta khoảng từ 6 – 7 USD/kg. Như ngày hôm nay nông dân bán được 150.000 đồng/kg, thì có thể biết được lợi nhuận của họ là bao nhiêu”, ông Nam dẫn chứng.
Hiện mức giá mà nông dân bán cho doanh nghiệp khoảng 7.000 USD/ tấn đối với tiêu đen. Trong khi doanh nghiệp xuất ra thị trường thế giới khoảng 7.200 USD/tấn. Doanh nghiệp chỉ lời 200 USD/tấn.
Phát triển “vỡ” kế hoạch
Hiện hồ tiêu Việt Nam đã có mặt trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việt Nam tiếp tục giữ vững kỷ lục là quốc gia sản xuất và xuất khẩu tiêu số một thế giới 14 năm liền.
Theo dự báo của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, đến cuối tháng 5/2014, sản lượng hồ tiêu xuất khẩu của chúng ta đạt khoảng 90.000 tấn, giá trị kim ngạch trên 600 triệu USD, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu cả năm 2014, ngành hồ tiêu Việt Nam lần đầu tiên xuất khẩu chạm ngưỡng 1 tỷ USD.
Có thể nói, ngành hồ tiêu Việt Nam phát triển quá nóng trong thời gian vừa qua, đặc biệt là giai đoạn 2011 – 2014. Đây được xem là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử của ngành.
Theo quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 của Bộ NN&PTNT, diện tích hồ tiêu khoảng 50.000 ha, sản lượng khoảng 125.000 tấn vào năm 2015 và 135.000 tấn vào năm 2020.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, diện tích trồng hồ tiêu đã lên tới 62.000 ha, sản lượng ước đạt từ 125.000 – 130.000 tấn. Hồ tiêu là một trong những ngành đã phá vỡ tất cả những chỉ tiêu kế hoạch mà nhà nước đề ra trước đó.
Điều này nên mừng hay lo?
Có thể thấy rằng, thiên tai, sâu bệnh, chi phí sản xuất gia tăng đang là thách thức lớn đối với ngành hồ tiêu Việt Nam. Trong khi đó, hiện tại, nhiều vườn tiêu già cỗi, nhiễm bệnh, năng suất thấp, cây chết lây lan trên diện rộng ở nhiều nơi cộng với tập quán canh tác cũ khó thay đổi trong một thời gian ngắn.
Yêu cầu về đảm bảo VSATTP của các nhà nhập khẩu, người tiêu dùng ngày càng khắt khe đối với sản phẩm hồ tiêu. Cụ thể, thị trường châu Âu đã từng tuyên bố ngưng nhập khẩu hồ tiêu Việt Nam vì dư lượng thuốc trừ sâu. Điều này có nguy cơ lan sang thị trường Mỹ và các thị trường khác.
Theo các chuyên gia, để phát triển ngành hồ tiêu một cách bền vững, chúng ta không nên thấy lợi mà “nhắm mắt” chạy theo số lượng. Để điều tiết được thị trường thế giới không phải đơn giản do chúng ta chiếm sản lượng lớn, quan trọng vẫn là chất lượng và những định hướng, chiến lược lâu dài.
Lê Nguyễn
tổ quốc
|