Thứ Bảy, 31/05/2014 12:17

CPI tháng 5 tăng thấp: Không bất ngờ!

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước tiếp tục có mức tăng thấp trong tháng 5. Về tổng thể, CPI năm nay nhiều khả năng sẽ có diễn biến giống năm 2013 và có thể thấp hơn nhiều mức mục tiêu dưới 7% mà Chính phủ đặt ra.

Nếu như các năm trước đây khi nền kinh tế ở vào giai đoạn tăng trưởng nóng, kiểm soát lạm phát hàng tháng ở mức thấp luôn được coi là thành tích nổi bật thì trong bối cảnh hiện nay, CPI tăng thấp đang mang đến nhiều sự lo ngại hơn lạc quan.

Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố, CPI cả nước trong tháng 5 chỉ tăng 0,2% so với tháng 4. Như vậy, hiện lạm phát đã xuống mức rất thấp. CPI đến cuối tháng 5 chỉ tăng 1,08% so với cuối tháng 12-2013 và tăng 4,72% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây đều là những mức tăng thấp nhất trong vòng tám năm trở lại đây.

Trên thực tế, quí 2 luôn là thời điểm “trũng nhất” của diễn biến lạm phát các năm gần đây. So sánh mức tăng CPI của tháng 4 và tháng 5 năm nay với mức tăng cùng kỳ năm 2012 và năm 2013 (là hai năm có bối cảnh kinh tế tương đối giống năm 2014) thì thấy mức tăng thấp như hai tháng vừa qua không có gì là bất thường.

Điểm mấu chốt khiến lạm phát năm tháng đầu năm nay có mức tăng thấp hơn hẳn là do giá cả trong tháng 1 và 2 (tháng có Tết Nguyên đán) đã được kiểm soát tốt (tổng mức tăng CPI hai tháng đầu năm 2014 chỉ là 1,24% so với mức 2,57% năm 2013 và 2,37% năm 2012).

Không nhiều áp lực đối với CPI

Trong thời điểm hiện tại, nếu nhìn từ yếu tố tổng cung và tổng cầu thì chưa có nhiều nhân tố có thể gây áp lực lên lạm phát. Tổng cung vẫn khá dồi dào, đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho thị trường khi cần thiết. Điển hình như giá nhóm hàng lương thực chính là lúa gạo nhiều khả năng sẽ tiếp tục ổn định do tình trạng cung vượt cầu, dự trữ gạo thế giới tăng trong khi sản xuất công nghiệp tiếp tục trên đà khởi sắc (chỉ số sản xuất công nghiệp IIP bốn tháng đầu năm tăng 5,4%, cao hơn mức 4,8% của cùng kỳ năm ngoái). Ngoài ra, hàng tồn kho của các doanh nghiệp chế biến đã bắt đầu xu hướng tăng trở lại, đạt mức 13,9% vào thời điểm cuối tháng 4.

Các cấu thành khác của tổng cầu như đầu tư tư nhân và đầu tư công có tốc độ tăng trưởng rất chậm. Tất cả cho thấy sức cầu nội địa vẫn chỉ đang trong quá trình phục hồi yếu nên khó có khả năng gây áp lực lên lạm phát trong ngắn hạn.

Về phía tổng cầu, doanh số bán lẻ đang có xu hướng hồi phục khá tốt trong thời gian gần đây khi đạt mức tăng 5,5% trong bốn tháng đầu năm (cao hơn mức 4,7% của cùng kỳ năm ngoái). Tuy vậy, điểm cần lưu ý là doanh số bán lẻ chỉ có xu hướng tăng lên ở các mức giá thấp khi có các chương trình kích cầu, khuyến mãi mua sắm của nhà sản xuất vào các dịp lễ. Các cấu thành khác của tổng cầu như đầu tư tư nhân và đầu tư công có tốc độ tăng trưởng rất chậm. Tất cả cho thấy sức cầu nội địa vẫn chỉ đang trong quá trình phục hồi yếu nên khó có khả năng gây áp lực lên lạm phát trong ngắn hạn.

Sẽ tăng đột biến do nhóm hàng y tế và giáo dục?

Mặc dù xét về cung - cầu các mặt hàng cơ bản, lạm phát trong ngắn hạn sẽ không chịu nhiều sức ép, tuy vậy, chỉ số CPI sẽ có thời điểm tăng cao đột biến do tác động của việc điều chỉnh giá nhóm hàng y tế và giáo dục. Đến hẹn lại lên, kể từ năm 2012 trở lại đây, giá hai nhóm hàng này luôn tăng cao bất thường vào tháng 8 và tháng 9 khi các tỉnh thành, địa phương điều chỉnh giá theo lộ trình tăng đã được Chính phủ phê duyệt. Năm nay có sự thay đổi khi ngay từ tháng 6, TPHCM sẽ chính thức áp dụng mức viện phí mới. Các dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe, giá giường bệnh, xét nghiệm... sẽ thu đến 75% so với khung giá quy định trong khi các dịch vụ kỹ thuật trong nhóm phẫu thuật sẽ thu 65%. Đến tháng 6-2015, các mức này được tăng lên lần lượt 85% và 75% và đến tháng 6-2016 sẽ thực hiện 100% so với khung giá quy định. Mặc dù mức tăng trung bình qua từng năm là hơn 10% nhưng tỷ trọng nhóm hàng y tế trong rổ tính CPI chỉ khoảng 6% và TPHCM cũng là địa phương cuối cùng thực hiện điều chỉnh giá nên tác động của việc tăng giá nhóm hàng y tế tại TPHCM trong tháng 6 đến lạm phát chung của cả nước dự kiến sẽ không lớn như mức tác động trong năm 2013 (khiến CPI tăng thêm 0,4% ) và năm 2012 (khiến CPI tăng thêm 1,5%).

Đối với nhóm hàng giáo dục, theo lộ trình điều chỉnh học phí của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2014-2015, học phí các cấp học phổ thông, cao đẳng đại học và trường dạy nghề sẽ được điều chỉnh tăng thêm khoảng 10-15%. Điều này cũng có thể khiến giá cả nhóm hàng giáo dục tăng mạnh vào tháng 9 (thời điểm bắt đầu năm học mới). Với tỷ trọng khoảng 5,7% trong rổ tính CPI, dự kiến nếu loại trừ tác động của các nhóm hàng khác thì chỉ riêng nhóm hàng giáo dục sẽ khiến chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 9 có thể tăng thêm khoảng 0,6-0,8% so với tháng 8.

Về cơ bản, nhiều khả năng diễn biến lạm phát trong năm nay sẽ giống với năm 2013 khi giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có mức tăng thấp, còn nhóm hàng y tế và giáo dục sẽ tiếp tục khiến cho CPI một vài tháng có mức tăng cao đột biến. Tuy nhiên, xét tổng thể, sẽ không có nhiều rủi ro đối với chỉ số CPI trong năm 2014 và lạm phát cho cả năm thậm chí còn có thể thấp hơn nhiều mức mục tiêu dưới 7% mà Chính phủ đặt ra từ đầu năm.

Linh Trang

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6/2014 (31/05/2014)

>   Triển vọng xếp hạng tín dụng của Việt Nam vẫn ổn định (30/05/2014)

>   Việt Nam chịu đựng được đến đâu? (30/05/2014)

>   Kinh tế tiếp tục đà hồi phục bất chấp căng thẳng Biển Đông (29/05/2014)

>   CPI tháng 6 - Sẽ tăng nhẹ (29/05/2014)

>   Tháo gỡ vướng mắc, tận dụng thế mạnh vùng (28/05/2014)

>   Vụ trưởng Vụ Thống kê giá: CPI tăng thấp là điều cần xem xét (27/05/2014)

>   Kinh tế và biển Đông: Đủ nội lực vượt qua thách thức (26/05/2014)

>   Nỗi lo trả nợ công (26/05/2014)

>   Chỉ số giá tiêu dùng toàn quốc tháng 5 tăng 0,2% (24/05/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật