Chủ Nhật, 04/05/2014 21:45

Công khai, minh bạch giá điện

Mới đây, đại diện Bộ Công Thương khẳng định là chưa nhận được phương án tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), vì thế trước mắt giá điện sẽ chưa tăng. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay thì xu thế tăng giá điện trong thời gian tới sẽ khó tránh khỏi.

Ngành năng lượng sẽ theo giá thị trường

Đã 9 tháng nay (từ ngày 1-8-2013), giá điện được giữ ổn định. Trong điều kiện giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện đều có xu hướng tăng, ngành điện cũng đang phải nỗ lực để vừa cung ứng đủ điện, vừa giữ giá điện.

Tuy nhiên, ngay trong cuộc họp đầu năm 2014, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đặt mục tiêu toàn tập đoàn sản xuất kinh doanh điện có lãi khi giá bán điện bình quân năm 2014 tăng lên 1.533,09 đồng/kWh. Giá điện bình quân hiện nay đang là 1.508,85 đồng/kWh. Như vậy, theo EVN, giá điện năm 2014 sẽ phải tăng thêm ít nhất 24 đồng/kWh để bảo đảm cho EVN cân đối được tài chính, kinh doanh có lãi. Không chỉ thế, EVN còn đặt mục tiêu năm 2014 sẽ huy động và đầu tư 123.654 tỷ đồng (khoảng 6 tỷ USD), tăng 17,3% so với năm 2013 và dự tính sẽ phải dành ra trả nợ gốc và lãi vay khoảng 32.915 tỷ đồng. Muốn vậy, giá điện phải ở mức mà EVN không phải bù lỗ lớn, giúp cân đối nguồn lực.

Trong các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới việc tăng giá điện trong những năm gần đây, thì giá đầu vào của sản xuất điện và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là hai yếu tố quan trọng hàng đầu.

Theo Tổng cục Năng lượng, đến hết năm 2013, nhiệt điện chiếm khoảng 45,9% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện quốc gia, trong đó, nhiệt điện than chiếm khoảng 22,3% và nhiệt điện khí chiếm khoảng 23,6%. Thế mà, liên tiếp trong tháng 4 vừa qua, giá của nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nhiệt điện đều có xu hướng tăng. Ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam cho biết, nếu như trước đây, than bán cho ngành điện chỉ được tính bằng khoảng 60% đến 70% giá thành sản xuất than thì năm 2013, giá than bán cho ngành điện đã bằng với giá thành sản xuất than. Định hướng trong năm 2014 này, giá than bán cho điện sẽ bằng với giá than bán cho các ngành khác, thực hiện theo giá thị trường. Do giá than tăng, ông Đặng Hoàng An, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay EVN phải mua điện từ các nhà máy nhiệt điện than với giá cao hơn năm 2013.
Còn đối với nhiệt điện chạy khí, theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), PVN cũng đang kiến nghị Chính phủ và Bộ Công Thương sớm phê duyệt cơ chế kinh doanh khí và phương án bán khí theo thị trường, tức là giá khí đốt cho sản xuất điện cũng sẽ tăng.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là một yếu tố rất quan trọng trong việc điều chỉnh giá điện. Chỉ số CPI ở mức thấp sẽ là điều kiện tốt để tăng giá điện nhằm hạn chế các tác động tiêu cực tới sản xuất và đời sống. Theo công bố của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 4 so với tháng 3 năm nay chỉ tăng 0,08% và tăng 0,88% so với tháng 12-2013. Đây là mức tăng thấp nhất trong suốt 13 năm qua. Còn so với tháng 4-2013, CPI tháng 4-2014 tăng 4,45%.

Giá thành đầu vào tăng, chỉ số CPI ở mức thấp là những chỉ dấu cho thấy giá điện có thể sẽ “nhích” lên trong thời gian tới, và từ doanh nghiệp cho đến người dân cần phải chuẩn bị các phương án để thích ứng.

EVN sẽ công khai toàn bộ chi phí giá điện

Trong những năm qua, để kiềm giữ giá điện, cả ngành than và ngành dầu khí đều phải bán than, bán khí cho ngành điện với giá dưới giá thành sản xuất. Thế nhưng, chính sách bao cấp giá điện, giữ giá điện thấp để phục vụ sản xuất, đời sống ngày càng bộc lộ rõ những hệ lụy khiến các ngành điện, than, dầu khí đều chật vật để cân đối tài chính phục vụ nhiệm vụ sản xuất điện. Giá điện thấp cũng khiến cho không mấy nhà đầu tư mặn mà với ngành điện. Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo để bảo đảm cho sự phát triển bền vững, tạo sức hấp dẫn đầu tư cho các ngành sản xuất năng lượng như điện, than, khí, xăng dầu thì giá bán của các sản phẩm này phải theo giá thị trường. Bỏ bao cấp giá điện sẽ buộc cả xã hội phải nâng cao tinh thần tiết kiệm điện, nâng cao hiệu quả sử dụng, loại bỏ các công nghệ lạc hậu tiêu hao điện. Đây cũng là xu hướng chung của thế giới.

Để công khai, minh bạch giá điện, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành khung giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) giai đoạn 2013-2015, theo đó giá sàn sẽ là 1.437 đồng và giá trần 1.835 đồng một kWh. Nghĩa là trong khoảng hơn một năm tới, giá điện bình quân được phép tăng tối đa gần 22% so với hiện nay.

Theo Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg ngày 19-11-2013 Thủ tướng Chính phủ thì giá bán điện bình quân được điều chỉnh trong phạm vi khung giá do Thủ tướng Chính phủ quy định nêu trên và chỉ được điều chỉnh tăng ở mức từ 7% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành. Nhà nước sử dụng Quỹ bình ổn giá điện và các biện pháp khác theo quy định để bình ổn giá bán điện nhằm giảm thiểu tác động bất lợi đến kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.
Trường hợp tăng giá điện bình quân từ 7% đến dưới 10% và vẫn trong khung giá quy định thì EVN phải được Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) xem xét, chấp thuận. Còn nếu muốn tăng giá điện bình quân từ 10% trở lên hoặc ngoài phạm vi khung giá quy định thì Bộ Công Thương phải tổng hợp ý kiến của Bộ Tài chính, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Cũng theo Quyết định 69 thì thời gian tối thiểu để điều chỉnh giá điện giữa hai lần liên tiếp là 6 tháng (thay vì 3 tháng như hiện nay).

Một chuyên gia trong ngành điện phân tích, có thể hiểu cơ quan quản lý nhà nước sẽ sử dụng một số biện pháp, trong đó có Quỹ bình ổn giá điện để điều tiết và ổn định giá điện. Chỉ khi các yếu tố liên quan thay đổi quá lớn, khiến giá điện bình quân phải tăng từ 7% trở lên mới đủ đáp ứng thì mới tính đến chuyện tăng giá điện. Đáng chú ý là về thời điểm, Thông tư 12 của Bộ Công Thương (nhằm cụ thể hóa Quyết định 69 của Thủ tướng Chính phủ) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15-5-2014.

Ngày 22-4 vừa qua, Bộ Công Thương cũng đã ra chỉ thị hướng dẫn việc công khai, minh bạch giá điện để tạo niềm tin trong nhân dân. Ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN cũng cho biết, trong năm 2014, EVN sẽ công khai toàn bộ chi phí giá điện: Từ nguồn điện, giá truyền tải, trích lập và sử dụng các quỹ, đóng góp ngân sách, chi phí quản lý, trả lương…

Quan tâm hộ nghèo, gia đình chính sách

Để thực hiện chính sách an sinh xã hội, Chính phủ sẽ hỗ trợ giá điện trực tiếp cho các hộ nghèo bằng tiền mặt. Hộ nghèo theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt, mức hỗ trợ hằng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt từ 0 đến 50kWh. Hộ chính sách xã hội theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định (không thuộc diện hộ nghèo trên) và có lượng điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt trong tháng không quá 50 kWh cũng được hỗ trợ tiền như các hộ nghèo.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, trong khi nghiên cứu điều chỉnh giá, ngành điện luôn phải tính toán kỹ sức chịu đựng của nền kinh tế và của người dân. Tuy là từng bước để giá điện vận hành theo nguyên tắc thị trường nhưng Bộ Công Thương sẽ không lơ là trong việc kiểm soát giá điện. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương sẽ có văn bản yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam giảm hoặc dừng tăng giá bán điện bình quân. Bộ cũng có thể mời tư vấn độc lập để thẩm tra hồ sơ điều chỉnh giá bán điện bình quân.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ban hành Chỉ thị 11/CT-BCT về việc tăng cường công khai, minh bạch đối với hoạt động kinh doanh điện, xăng, dầu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Cục Điều tiết Điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức triển khai việc công khai, minh bạch đối với hoạt động kinh doanh điện, nhất là công khai về giá, các yếu tố hình thành giá. Thực hiện công bố giá điện theo cơ chế thị trường, bao gồm giá bán điện và giá truyền tải, báo cáo quyết toán tài chính (có kiểm toán) và kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp…

Nguồn: Bộ Công Thương


Hồ Quang Phương

qđnd

Các tin tức khác

>   Thêm một dự án điện gió tại khu kinh tế Nhơn Hội (04/05/2014)

>   Quyết định áp dụng biện pháp bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi (03/05/2014)

>   Nợ nần khiến bệnh viện lao đao (03/05/2014)

>   DN xe máy: Quan ngại khó phát triển (03/05/2014)

>   Luật doanh nghiệp: Sửa đổi để doanh nghiệp phát triển (03/05/2014)

>   Giải pháp ổn định nguồn nguyên liệu của “ông lớn” thủy sản (03/05/2014)

>   Chúng ta vẫn đang do dự đi theo thị trường (03/05/2014)

>   Nhập khẩu ô tô tăng mạnh (02/05/2014)

>   Sao không thể thân thiện với doanh nghiệp? (02/05/2014)

>   Mỹ, Nhật đạt bước tiến quan trọng trong đàm phán TPP (02/05/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật