Có thể cuối 2014 lại lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội
Mỗi nhiệm kỳ chỉ lấy phiếu tín nhiệm một lần nhưng vẫn giữ nguyên ba mức tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.
Đây là quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung nghị quyết của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (Nghị quyết 35) vừa được gửi xin ý kiến đại biểu.
Sau lần lấy phiếu tín nhiệm thứ nhất tại Quốc hội và hội đồng nhân dân, nhiều ý kiến của cả đại biểu và cử tri đều đề nghị chỉ nên để hai mức tín nhiệm và không tín nhiệm, hoặc tín nhiệm cao và tín nhiệm thấp
|
Mấy lần trong một nhiệm kỳ?
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị việc sửa đổi, bổ sung nghị quyết số 35 tập trung chủ yếu vào đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, thời điểm lấy phiếu tín nhiệm. Đồng thời bổ sung, làm rõ một số điểm về quy trình, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để thống nhất trong thực hiện.
Qua nhiều phân tích, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị ở Trung ương, đối tượng lấy phiếu tín nhiệm giữ như hiện nay. Còn ở địa phương bổ sung thêm thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân.
Với thời hạn và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, tờ trình thể hiện hai phương án. Một là như quy định của nghị quyết 35, tổ chức định kỳ hằng năm từ năm thứ hai của nhiệm kỳ.
Phương án hai: mỗi nhiệm kỳ của Quốc hội, hội đồng nhân dân tiến hành lấy phiếu một lần vào giữa nhiệm kỳ (kỳ họp cuối năm thứ 3).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chọn phương án 2 vì có ưu điểm là gắn với việc xem xét, đánh giá cán bộ giữa nhiệm kỳ, không gây áp lực, để cán bộ mạnh dạn “dám nghĩ, dám làm”, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Đồng thời, người được lấy phiếu tín nhiệm cũng có thời gian, điều kiện để tự soi mình, khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong công tác.
Theo phương án này thì nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 và nhiệm kỳ hội đồng nhân dân 2011-2016 có thể tổ chức một kỳ lấy phiếu tín nhiệm (dự kiến vào cuối năm 2014).
Thẩm tra dự thảo nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi), về cơ bản Ủy ban Pháp luật nhất trí với việc trình Quốc hội hai phương án nêu trên.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung phương án tổ chức lấy phiếu tín nhiệm hai lần trong một nhiệm kỳ (vào thời điểm đầu năm thứ ba và cuối năm thứ tư của nhiệm kỳ) để Quốc hội thảo luận, quyết định.
Ba mức tín nhiệm là “quá an toàn”
Sau lần lấy phiếu tín nhiệm thứ nhất tại Quốc hội và hội đồng nhân dân, nhiều ý kiến của cả đại biểu và cử tri đều đề nghị chỉ nên để hai mức tín nhiệm và không tín nhiệm, hoặc tín nhiệm cao và tín nhiệm thấp.
Quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc xác định 3 mức tín nhiệm như quy định của Nghị quyết 35 là phù hợp, bảo đảm sự thận trọng trong xem xét, đánh giá cán bộ. Nếu chỉ quy định 2 mức là “tín nhiệm” và “không tín nhiệm” thì trùng với mức phiếu ở bước bỏ phiếu tín nhiệm khi xem xét trách nhiệm của cán bộ.
Nghị quyết 35 đã xác định mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm là bước thăm dò mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, giúp người đó tiếp tục phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, thiếu sót. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng là một cơ sở cho việc bỏ phiếu tín nhiệm và giúp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, tờ trình nêu rõ.
Báo cáo thẩm tra cho biết , một số ý kiến đề nghị chỉ nên quy định 2 mức độ “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp” (hoặc “không tín nhiệm”) đối với quy trình lấy phiếu tín nhiệm bởi cho rằng việc quy định 3 mức độ đánh giá tín nhiệm khó dẫn đến việc xử lý được cán bộ chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ, quá an toàn cho cán bộ, chưa đáp ứng được nguyện vọng của cử tri.
Ý kiến khác đề nghị đổi mức độ “tín nhiệm thấp” hiện nay thành “không tín nhiệm” vì mức độ thế nào là tín nhiệm cao, thế nào là tín nhiệm thấp là rất tương đối, khó xác định.
Miễn nhiệm ngay khi 2/3 đại biểu tín nhiệm thấp
Hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm trong trường hợp lấy phiếu tín nhiệm một lần trong một nhiệm kỳ cũng được tính đến.
Cụ thể, đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, khi có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, thường trực hội đồng nhân dân trình hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp tiếp theo.
Nếu có trên hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, thường trực hội đồng nhân dân trình hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm ngay tại kỳ họp đó.
Đối với thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân không do hội đồng nhân dân bầu khi có quá nửa tổng số đại biểu hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức.
Nếu có quá nửa tổng số đại biểu hội đồng nhân dân đánh giá "tín nhiệm thấp” thì thường trực hội đồng nhân dân yêu cầu chủ tịch ủy ban nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định theo thẩm quyền và báo cáo hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất.
Đề nghị cân nhắc đơn giản bớt thủ tục, một số ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng đối với người có trên 2/3 tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp”, thì không cần bỏ phiếu tín nhiệm mà chuyển ngay sang thủ tục xem xét miễn nhiệm.
Nguyễn Lê
vneconomy
|