Thị trường lao động: Giải bài toán nghịch lý cung-cầu
Năm 2013, tỷ lệ thất nghiệp ở nước ta thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Thế nhưng, trên thị trường lao động đang diễn ra nghịch lý nơi thừa lao động phổ thông, nơi thiếu lao động tay nghề cao, đã qua đào tạo...
Công nhân Nhà máy Z117 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) sản xuất hàng cơ khí xuất khẩu. Ảnh: Lê Thiết Hùng
|
Xảy ra nghịch lý nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc người lao động (NLĐ) ở Việt Nam chủ yếu tập trung ở vùng nông thôn, làm nông nghiệp là chính nên vẫn giữ phong cách làm ăn nhỏ lẻ, chỉ 20% đã qua đào tạo, có chứng chỉ, bằng cấp. Hạn chế cố hữu của người lao động Việt Nam là lối nghĩ “đứng núi này, trông núi nọ”, thiếu tác phong công nghiệp dẫn đến tình trạng "nhảy việc", tạo sự mất cân đối lớn. Với người sử dụng lao động (doanh nghiệp) thì các chế độ chưa phù hợp với yêu cầu của NLĐ (như: Nhà ở, sinh hoạt văn hóa, chế độ đãi ngộ về lương, thưởng...) nên chưa thu hút được lao động. Bên cạnh đó, chính sách về thị trường chưa được đồng bộ, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội chưa gắn với quy hoạch nguồn nhân lực, dẫn đến NLĐ chưa được đào tạo để chuyển đổi nghề. Ngoài ra, phải kể đến những thông tin thị trường lao động chưa đầy đủ, chưa đến được kịp thời với NLĐ.
Để khắc phục tình trạng trên, theo bà Nguyễn Thị Hải Vân, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), cần phải nâng cao chất lượng đào tạo nghề ở các trường dạy nghề, đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề để nhiều trường nghề đào tạo đa dạng; khuyến khích doanh nghiệp đào tạo lao động để sử dụng ngay trong doanh nghiệp; cải cách chế độ tiền lương phù hợp với nhu cầu tối thiểu của NLĐ; tuyên truyền pháp luật về lao động để NLĐ nắm được pháp luật, tránh bị doanh nghiệp sa thải để né tránh lương, thưởng. Cùng với đó, phải hoàn thiện dần chính sách thị trường lao động, đáp ứng được sự phát triển thị trường; khi xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội phải đồng bộ với chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Ngoài ra, cần phải hoàn thiện thông tin hệ thống thị trường lao động thông suốt từ Trung ương đến địa phương để tăng cường kết nối các vùng, miền và kết nối giữa NLĐ với thị trường.
Lực lượng của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn thi công Đường tuần tra biên giới, đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Quang Thái
|
Bình Dương hiện đang là một trong những tỉnh thu hút nhiều lao động nhất cả nước. Năm 2013, Bình Dương có hơn 18.000 doanh nghiệp hoạt động với gần 30 khu công nghiệp và hơn 826.000 lao động. Tuy nhiên, Bình Dương cũng đang gặp phải vấn đề mất cân bằng cung-cầu lao động. Trong khi mỗi năm có khoảng 25.000 người được bổ sung vào thị trường lao động, thì nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn cần tới khoảng 45.000 lao động. Để khắc phục một phần tình trạng này, ông Nguyễn Phùng Trung, Phó giám đốc Sở Lao LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết: "Nhiều năm qua, chúng tôi đã làm khá tốt việc liên kết với các tỉnh, thành phố khác trong việc cung ứng lao động. Điều này vừa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động trong tỉnh, vừa giải quyết được việc làm cho lao động các tỉnh khác. Bình quân mỗi năm có khoảng 10.000 lao động ở các tỉnh, thành phố khác về Bình Dương làm việc".
Cả nước hiện có 130 trung tâm dịch vụ giới thiệu việc làm. Các sàn giao dịch đều đang hoạt động hiệu quả, tần suất tăng qua các năm, nhiều sàn hoạt động định kỳ hằng tuần như ở Hà Nội, Bắc Ninh, Cần Thơ… Theo ước tính, khoảng 20% số việc làm được tạo ra từ sàn giao dịch việc làm, đóng góp tương đối nhiều trong kết nối cung-cầu lao động… Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo các địa phương, các trung tâm phải tổ chức thường xuyên hơn các phiên giao dịch việc làm, tạo điều kiện để kết nối cung-cầu. Các cơ sở đào tạo cũng phải nắm bắt được nhu cầu đề định hướng đào tạo theo nhu cầu của thị trường…
Cũng theo bà Nguyễn Thị Hải Vân, một trong những khó khăn không nhỏ trong việc kết nối cung-cầu thị trường lao động đó là công tác dự báo chưa thực sự bám sát thực tế. Một số Bộ được giao nhiệm vụ dự báo nhu cầu lao động, thế nhưng đầu vào chưa được cập nhật. Cục Việc làm đã phối hợp với các địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu trên toàn quốc về nhu cầu lao động, xây dựng đầu ra dự báo. Bên cạnh đó, có định hướng hướng nghiệp để học sinh, sinh viên theo học những nghề thiếu lao động như: Vận hành máy móc, sửa chữa xe có động cơ, chế biến thực phẩm, khai khoáng, ăn uống, quản lý doanh nghiệp…
Luật Việc làm 2013 có nhiều điểm mới liên quan trực tiếp đến NLĐ như: Chính sách tạo việc làm mới đối với việc làm công (là việc làm tạm thời nhưng có thu nhập), sử dụng vốn Nhà nước thông qua phát triển kinh tế-xã hội ở cấp xã; công nhận cấp độ theo kỹ năng, trình độ của người lao động... Ngoài ra, chính sách bảo hiểm thất nghiệp cũng đang tạo điều kiện tối đa để tham gia trở lại vào thị trường lao động như: Hưởng trợ cấp thất nhiệp, hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm...
Giải bài toán nghịch lý cung-cầu thị trường lao động đòi hỏi cần có thời gian dài cũng như sự chủ động của các cơ quan, địa phương. Với tỷ lệ thất nghiệp giảm trong thời gian qua cùng những cơ chế, chính sách ưu tiên cao nhất để người lao động sớm tiếp cận việc làm, được xem là những dấu hiệu tích cực, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người lao động trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới còn rất khó khăn.
Minh Mạnh
Quân đội nhân dân
|