Vẫn đề nghị y án tử hình Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc
Sáng 29-4, sau khi kết thúc phần xét hỏi các bị cáo, nhân chứng và người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan, đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa đã kết luận và đề nghị y án tử hình đối với Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc như bản luận tội trước đó.
* Xét xử phúc thẩm vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm: Luật sư cho rằng tài liệu mới xuất hiện không hợp lệ
Theo đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố, qua việc quay trở lại xét hỏi, đại diện VKS thấy rằng những xét hỏi của HĐXX chủ yếu tập trung vào vấn đề xuất trình tài liệu mới tại phiên tòa; HĐXX cũng tiếp nhận kết quả tương trợ tư pháp. Trong phần xét hỏi, đại diện VKS thấy có nhiều vấn đề hỏi lặp đi lặp lại và nội dung không khác trước đó. Trên cơ sở tài liệu chứng cứ vụ án và kết quả xét hỏi tại phiên tòa, đại diện VKS nêu ra 5 vấn đề.
Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc tại phiên tòa chiều 28-4
|
Thứ nhất, đối với vấn đề luật sư Trần Đình Triển xuất trình tại tòa vé máy bay của Dương Chí Dũng lúc 15g ngày 6-7-2008 và hợp đồng lao động của anh Phạm Văn Quỳnh (lái xe cho Trần Hải Sơn) để đánh giá việc Sơn đưa tiền cho Dũng lúc 18g ngày 6-7 là chưa có cơ sở và Sơn gọi điện cho Dũng lúc ở trên máy bay là vô lí. Việc Quỳnh lái xe đón Sơn sau khi đưa tiền cho Dũng là bất hợp lí.
Qua xem xét, đại diện VKS thấy thời gian đưa tiền Sơn chỉ khai là vào khoảng 18g tại khách sạn Victory thì thời gian có thể là hơn hoặc kém, giờ điện thoại cũng vậy. Trong khi đó vé máy bay của Dương Chí Dũng bay vào 15g, tính thời gian bay, khi xuống máy bay và đi đến khách sạn khoảng 18g thì không có gì là mâu thuẫn.
Đối với hợp đồng lao động của lái xe Quỳnh, đại diện VKS cũng cho rằng tại tòa Trần Hải Sơn khai Quỳnh lái xe cho bị cáo từ khi thành lập công ty vào tháng 3-2008 và ký hợp đồng thử việc từng tháng nên có căn cứ bác bỏ ý kiến của luật sư.
Vấn đề thứ hai, luật sư Triển đưa ra văn bản 1968 năm 2008 của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và cho rằng văn bản đồng ý áp dụng chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu để nói rằng việc lựa chọn thầu nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam của các bị cáo là đúng. Đại diện VKS cho rằng văn bản này khi xuất trình không có bản chính, công chứng, chưa được coi là chứng cứ. Tuy nhiên kể cả VKS lấy văn bản này để đánh giá thì văn bản này có sau khi Vinalines đã mua ụ nổi xong xuôi. Do đó, văn bản không có giá trị để chứng minh Vinalines không sai phạm.
Vấn đề thứ ba, luật sư xuất trình văn bản 1995 của Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải nêu việc tài liệu lưu trữ ở ngân hàng là 30 năm và không trả lời giao dịch của Trần Hải Sơn. Hồ sơ vụ án thể hiện cơ quan điều tra đã xác minh và ngân hàng xác định giao dịch của Trần Hải Sơn, phần mềm không tra soát được nên không cung cấp được thông tin giao dịch này.
Vấn đề thứ 4, luật sư đưa ra thư chào giá ngày 3-7-2007 gửi ông Bùi Văn Trung và cho rằng có ai đó liên quan đến việc giới thiệu mà cơ quan điều tra chưa làm rõ. HĐXX đã triệu tập ông Trung và chứng minh ông Trung là trưởng ban đối ngoại nên hàng ngày có rất nhiều văn bản gửi đến nên các phòng nghiệp vụ tiếp nhận và chuyển đến các phòng chức năng nên việc này đã được xác định.
Vấn đề thứ 5, về tuyên thệ của ông Goh, đại diện VKS cho rằng đã đánh giá từ trước và có tranh tụng nên bảo lưu ý kiến tại phần luận tội trước đây. Ngoài ra trong phiên xét hỏi, HĐXX cũng như các luật sư đã tiếp tục hỏi Sơn, Khang, Dương... có trích đọc các lời khai tại cơ quan điều tra và các bị cáo đều thừa nhận nội dung đã khai. Qua đó đã nói lên vai trò chỉ đạo của bị cáo Dũng, Phúc đối với việc mua ụ 83M.
Về kết quả tương trợ tư pháp mà HĐXX có nhận được, VKS cho rằng chu trình của việc chuyển như vậy là đúng theo trình tự pháp luật. Theo đánh giá của VKS đã đưa ra 6 căn cứ để chứng minh các bị cáo tham ô 1,666 triệu USD. Còn kết quả tương trợ tư pháp liên quan đến những vấn đề khác và VKS cho rằng không nhất thiết phải có kết quả tương trợ tư pháp vì nó không ảnh hưởng gì đến kết luận của VKS về hành vi tham ô của các bị cáo. Do đó, VKS thấy việc quay lại xét hỏi không làm thay đổi bản chất vụ án nên giữ nguyên quan điểm ban đầu đối với vụ án này.
Luật sư đề nghị trả hồ sơ, điều tra bổ sung
Bước sang phần tranh luận, nhiều luật sư đề nghị HĐXX tuyên trả hồ sơ vụ án, yêu cầu điều tra bổ sung vì theo quan điểm của luật sư có nhiều nội dung còn mâu thuẫn, chưa được chứng minh trong vụ án này.
Mở đâu phần tranh tụng, bị cáo Mai Văn Phúc tự bào chữa cho mình, bị cáo Phúc cũng đặt ra vấn đề HĐXX cần làm rõ các khoản tiền mà em gái bị cáo Sơn đã chuẩn bị cho Sơn. Bị cáo Phúc cho rằng HĐXX cần làm rõ Sơn lấy đâu ra tiền để đưa cho bị cáo, trong khi Sơn khai không hề vay ai một khoản nào. Theo Mai Văn Phúc thì toàn bộ số tiền 1,666 triệu USD đều vẫn nằm trong tay bị cáo Sơn. “Trong két nhà Sơn còn tồn 6 tỉ đồng”, bị cáo Phúc viện dẫn tài liệu vụ án để nêu vấn đề này.
Luật sư Hoàng Hữu Được, bào chữa cho bị cáo Mai Văn Phúc, cho rằng theo văn bản của Ngân hàng TMCP Hàng hải và theo sự trả lời của vị đại diện ngân hàng này, từ hôm qua đến nay, ngân hàng đã huy động những cán bộ giỏi nhất để tra cứu kết quả giao dịch của Trần Hải Sơn. Kết quả không tra soát được thì phải được khẳng định không có việc giao dịch từ 2008 đến tháng 2-2009 đối với Trần Hải Sơn bằng CMND.
Trong trường hợp cần thiết thì cần có thời gian làm rõ thêm. Luật sư cho rằng vấn đề đặt ra là 95% không có giao dịch và theo nguyên tắc suy đoán vô tội thì phải khẳng định cho bị cáo là không có việc chuyển tiền. Không có đủ căn cứ về việc bị cáo Sơn rút 2 tỉ đồng từ ngân hàng, rõ ràng không đủ cơ sở kết luận việc đưa tiền và Mai Văn Phúc nhận hối lộ. Luật sư cũng nêu ra nhiều tài liệu để chứng minh không đủ cơ sở quy buộc trách nhiệm hình sự Mai Văn Phúc nhận số tiền 10 tỉ đồng. Do đó, luật sư Được đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Phúc không phạm tội tham ô hoặc trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Luật sư: chưa đủ chứng cứ buộc tội chết cho Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc
Tương tự, luật sư Trần Đình Triển cũng giải thích thêm các chứng cứ, tài liệu được mình đưa ra và cho rằng đại diện VKS không xem xét kỹ những tài liệu này. Ví dụ như giờ lên máy bay là 15g và giờ cất cánh là 15g30. Cần xem xét ai ra đón Dương Chí Dũng chứ không phải chứng minh bằng lời khai của Phạm Văn Quỳnh (lái xe cho Trần Hải Sơn). Ông Triển dẫn chứng lời khai của lái xe Quỳnh cũng mới đi làm từ tháng 8-2008, phù hợp với hợp đồng lao động ký ngày 29-8-2008 chứ không phải lái xe cho Sơn từ trước đó. Sau khi dẫn chứng các nội dung mâu thuẫn để đối đáp với VKS, luật sư Triển cũng đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung để đảm bảo công bằng, đúng người, đúng tội.
Trong phần bào chữa của mình, luật sư Ngô Ngọc Thủy cũng cho rằng các tài liệu phía Nga cũng cấp mới chỉ ra được một phần của vụ án. Chúng ta cần làm rõ có sự thỏa thuận giữa công ty GS và công ty AP về việc ăn chia tiền hoa hồng... Cần làm rõ ai là người quyết định việc ăn chia số tiền 1,666 triệu USD từ dự án mua ụ nổi 83M. Bị cáo Sơn trong quá trình xét hỏi, lúc thì khai là không nhớ, lúc thì khai là nhớ không rõ. Như vậy chưa đủ căn cứ để buộc tội chết cho hai bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc. Do đó, luật sư Thủy giữ nguyên quan điểm, đề nghị HĐXX hoàn trả hồ sơ cho cơ quan công an, điều tra lại vụ án này.
M.Quang
tuổi trẻ
|