Thứ Hai, 28/04/2014 15:41

Vụ án Dương Chí Dũng: Bất ngờ công bố tài liệu mới do Nga cung cấp

Sau khi nghỉ giải lao, Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án Dương Chí Dũng cùng đồng phạm đã cho công bố tài liệu mới do phía Nga cung cấp mà tòa vừa nhận được.

Theo biên bản bàn giao của VKSND Tối cao, HĐXX mới nhận được một tài liệu do phía Nga cung cấp. Tài liệu này đã được VKSND Tối cao làm thủ tục hợp thức hoá lãnh sự. Trong đó, có những tài liệu quan trọng là việc xác minh tại Nakhodka của Nga, biên bản thẩm vấn nhân chứng của Nga, hợp đồng 0108 giữa Nakhodka và công ty AP, các tài liệu liên quan đến thuế, tài liệu chứng minh giao dịch ụ với giá 2,3 triệu USD...

Theo tòa, đây là những tài liệu mà HĐXX mới nhận được, nếu các luật sư cần thì sẽ cung cấp cho các luật sư để trên cơ sở đó tiếp tục nghiên cứu. Cũng vì xuất hiện các tài liệu mới tại phiên toà hôm nay nên HĐXX chuyển tài liệu để các luật sư tiếp tục nghiên cứu.

Tòa đã quyết định nghỉ, 8g sáng mai (29-4) phiên tòa tiếp tục phần xét hỏi.

50 cọc 500 nghìn đút được vào cặp? - "Thừa sức đút được!"

Chiều 28-4, Tòa phúc thẩm đã triệu tập thêm đại diện Ngân hàng MSB và một số người liên quan để làm rõ lời khai của Trần Hải Sơn về các lần đưa tiền cho Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc.

Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc tại phiên tòa chiều 28-4

* Trần Hải Sơn: Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc mỗi người 10 tỉ

Toà triệu tập đại diện Ngân hàng hàng hải Việt Nam để làm rõ về lời khai của bị cáo Trần Hải Sơn về việc rút tiền tại ngân hàng này để đưa cho Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc. Tại phiên tòa, ông Nguyễn Tuấn Khang, được ông Nguyễn Phi Hùng, Phó tổng giám đốc uỷ quyền đại diện tham dự.

Tòa hỏi, đại diện ngân hàng cho biết quy định của ngân hàng về việc rút tiền theo chứng minh nhân dân (CMND) là không hạn chế số tiền, thời gian lưu giữ giao dịch là 30 năm.

Tòa hỏi vì sao ngân hàng có văn bản trả lời việc xác minh của cơ quan điều tra: “Đối với giao dịch của ông Trần Hải Sơn tại MSB thì phần mềm của ngân hàng không tra soát được”. Vì sao không tra soát được?

Ông Nguyễn Tuấn Khang nói không nắm được vì sao không tra soát được: "Chúng tôi phải xem xem thông tin cung cấp có đủ để tra soát không? Quá trình làm việc không nắm được rõ CQĐT tra soát đã cung cấp thông tin nào".

Tòa hỏi lại ông Khang rằng nếu trong khoảng thời gian giao dịch như của bị cáo Trần Hải Sơn thì có tra soát được không, ông Khang đáp nếu thông tin đúng thì tra soát được. Ông Khang cũng cho rằng ngoài việc lưu trữ các giao dịch bằng phần mềm thì ngân hàng vẫn có lưu trữ bằng chứng từ nhưng do nhiều giao dịch nên phải tra soát bằng phần mềm rồi mới tìm được chứng từ.

Tòa hỏi ông Hùng: Nếu bây giờ tòa cung cấp thông tin thì ngân hàng có trả lời được là có hoặc không có giao dịch, chỉ yêu cầu trong 1 năm? Ông Hùng đáp: Có làm được.

Mai Văn Phúc: Sơn khai gian dối!

Trả lời câu hỏi của luật sư rằng vì sao khai chỉ có anh hoặc anh Dũng mới chỉ đạo được việc chia tiền, cơ sở nào để anh suy nghĩ như vậy? Bị cáo Mai Văn Phúc (nguyên tổng giám đốc Vinalines trả lời: "Nói như vậy cũng là hơi lạm dụng vì TGĐ chỉ có bổn phận thực hiện quyết định của HĐQT và TGĐ cũng chỉ là thành viên được tham gia vào đó. Điều bị cáo khẳng định như vậy là ý nói bị cáo sẵn sàng đối mặt với những chuyện đó".

Mai Văn Phúc cũng mô tả cụ thể nhà mình ở quê, cho rằng không có việc nhà mình kê bàn uống nước ở gian giữa như Trần Hải Sơn khai đến nhà Phúc đưa tiền. Theo Phúc, bị cáo Sơn gian dối về lời khai này, nhà bị cáo là nhà cấp 4 ba gian, ở giữa có 1 bàn thờ nên không thể kê bàn ghế ngồi được. Mai Văn Phúc nói cũng không thể có việc sau khi nhận tiền của Trần Hải Sơn bị cáo đi vào trong cất tiền như Sơn khai bởi theo Phúc, nhà bị cáo không có buồng nên không thể có chuyện nhận tiền rồi mang cất đi và trả lại cặp.

Luật sư đề nghị cho Trần Hải Sơn thực nghiệm việc đút tiền vào túi

Trong khi đó, bị cáo Trần Hải Sơn vẫn khẳng định lúc đến nhà Mai Văn Phúc để đưa tiền, bị cáo thấy nhà có đông người nên nghĩ là nhà "có việc". Luật sư chất vấn Hải Sơn về lời khai cho rằng tiền "lại quả" từ việc mua ụ nổi là của các sếp là chính, nhưng bị cáo lại nói bận công việc mà không đưa ngay cho các sếp liệu có phù hợp? Bị cáo Sơn khẳng định chỉ có lần thứ 3 đưa tiền cho Phúc là chậm, còn lại các lần khác và đưa cho Dương Chí Dũng đều sớm.

Giải thích lí do vì sao phải chuyển tiền cho Dũng, Phúc làm nhiều lần mà không phải 1 lần, bị cáo Trần Hải Sơn nói do số tiền quá lớn nên lúc chuẩn bị và chuyển đưa mà đưa 1 lần thì rất khó khăn cho việc chuẩn bị, mang đi...

Trần Hải Sơn cũng khai không nhớ rõ mỗi lần chia tiền vậy thì đưa cho Phúc trước hay Dũng trước, thuận tiện đưa cho anh nào thì đưa. Hồ sơ chứng từ có ở đấy.

Tại tòa, luật sư Trần Huy Thiệp (bào chữa cho Mai Văn Phúc) đưa một cái túi ra làm ví dụ để Sơn áng chừng cái túi đựng tiền đã đem về quê giao cho Mai Văn Phúc thế nào, bị cáo Sơn khai dùng cái túi còn "lớn gấp mấy lần cái túi đó". Túi chỉ có 1 ngăn.

Luật sư hỏi, bị cáo Trần Hải Sơn trả lời:

- Khi nhận tiền của Huyền thì anh sắp xếp hay bỏ luôn vào cặp?

- Tôi không nhớ được làm thế nào để đưa vào.

- Anh có khai tiền đựng trong túi nilon màu đen và anh bỏ túi tiền đó vào cặp để mang đi. Vậy 2,5 tỉ tiền 500 nghìn là 50 cọc, vậy số tiền trong túi nilon đó có đút được vào cặp không?

- Thừa sức đút được!

Luật sư đề nghị HĐXX thực nghiệm xem có đút từng ấy tiền vào túi được không!

Chiều nay (28/04) tòa cũng triệu tập ông Bùi Văn Trung (nguyên PTGĐ), hiện là Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH vận tải hàng công nghệ cao, đây là liên doanh Vinalines và một số đối tác nước ngoài.

Trả lời thẩm vấn của HĐXX, ông Bùi Văn Trung cho biết ông và bị cáo Trần Văn Chiều được bổ nhiệm Phó TGĐ Vinalines. Ông Trung phụ trách mảng kinh doanh đối ngoại.

Ông Trung cho rằng việc đầu tư ụ nổi 83M là dự án được rất nhiều người tham gia thời gian đầu. Dự án này là dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển, trong đó có ụ nổi. Trong dự án lớn đó thì ông Trung phụ trách tìm kiếm đối tác nước ngoài có tiềm lực tài chính, thị trường để tham gia xây dựng nhà máy.

Theo ông Trung, ông không biết việc công ty AP chào hàng ụ nổi 83M nhưng có tham gia thẩm định.

Tòa hỏi: có tài liệu xác định ông nhận được thư chào hàng của ông Goh vào 3-7-2007, thư gửi cho ông đúng không? "Tôi phụ trách đối ngoại nên hàng ngày nhận được rất nhiều giao dịch và tôi có yêu cầu là tuỳ các giao dịch cụ thể phân công cho các cá nhân liên quan để xử lý kịp thời. Khi tôi được công an mời lên cũng trả lời như vậy rồi", ông Trung đáp.


MINH QUANG

Tuổi Trẻ

Các tin tức khác

>   Tìm MH370 sang giai đoạn mới, tiêu tốn 60 triệu đô (28/04/2014)

>   Trần Hải Sơn: Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc mỗi người 10 tỉ (28/04/2014)

>   Để người dân tới công đường không cần qua bảo vệ (28/04/2014)

>   Gần 300.000 doanh nghiệp chỉ còn trên giấy (28/04/2014)

>   Dương Chí Dũng: Bị cáo không phải là người tham tiền! (28/04/2014)

>   Đăng cai Asiad: bản hợp đồng và sự trung thực (28/04/2014)

>   Dấu hiệu lạm quyền vụ khám xét, giữ 559 lượng vàng? (28/04/2014)

>   Xuất hiện nhiều "cáo buộc" chủ tịch HĐQT công ty Trung Đô (27/04/2014)

>   Việt Nam lọt top 25 nước mạnh nhất thế giới về quân sự (27/04/2014)

>   Thủ tướng Hàn Quốc xin từ chức vì vụ chìm phà (27/04/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật