An toàn đường cao tốc - mất bò mới lo chuồng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 32/2014/NĐ-CP ngày 22-4-2014 hướng dẫn về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc. Trong đó có quy định “Mọi hoạt động bảo trì đường cao tốc làm hạn chế điều kiện sử dụng bình thường của đường cao tốc phải được thông báo trên các phương tiện thông tin đến người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Đơn vị bảo trì phải bố trí đầy đủ nhân lực, thiết bị để cảnh báo nguy cơ mất an toàn giao thông…”.
Nhớ lại tai nạn giao thông thảm khốc xe khách tông vào xe bồn tưới cây phía trước vừa mới xảy ra trên đường cao tốc TPHCM-Trung Lương. Dù kết luận chính thức của cơ quan công an tỉnh Tiền Giang cho rằng lỗi chính là ở tài xế xe khách, khi chạy với tốc độ cao trên 80 ki lô mét/giờ đã không giữ đúng khoảng cách quy định, thiếu quan sát để gây ra tai nạn, nhưng dư luận không khỏi bức xúc, băn khoăn về trách nhiệm của cơ quan quản lý đường cao tốc và những người điều khiển chiếc xe bồn. Chiếc xe này chỉ chạy hơn 10 ki lô mét/giờ nhưng lại ở trên đường cao tốc, nơi phương tiện theo quy định phải di chuyển với tốc độ cao hơn rất nhiều.
Trước đây, Bộ Giao thông Vận tải có Quyết định 195/2010 quy định về quản lý, khai thác tạm thời đường cao tốc, trong đó quy định “Người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc trong giai đoạn khai thác tạm thời có phù hiệu hoặc biểu tượng riêng thì được đi lại trên đường cao tốc, nhưng không gây ảnh hưởng và cản trở giao thông trên đường”. Quyết định này không quy định về tốc độ. Điều này trái với Thông tư 13/2009 trước đó do chính bộ này ban hành về tốc độ và khoảng cách của xe cơ giới trên đường bộ. Theo đó, “Khi tham gia giao thông trên đường cao tốc... thì người điều khiển xe cơ giới, xe máy chuyên dùng phải tuân thủ tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu đường bộ. Tức là không có quy định nào ngoại lệ về chuyện này. Vậy nhưng nó vẫn xảy ra và đã gây ra những thiệt hại khôn lường cho xã hội.
Đúng là nước ta mới tiếp cận hệ thống đường cao tốc khoảng hơn chục năm trở lại đây, mới chỉ có vỏn vẹn vài trăm ki lô mét đã được xây dựng và đưa vào sử dụng. Thế nhưng, thế giới đã có chuẩn mực về đảm bảo an toàn giao thông trên đường cao tốc, việc đơn giản chúng ta có thể làm là sớm tham khảo và vận dụng. Vậy mà, chỉ đến khi xảy ra vụ tai nạn đáng tiếc này thì cơ quan quản lý mới giật mình về “khoảng trống” trách nhiệm?
Đỗ Hào
tbktsg
|