Thứ Năm, 08/05/2014 15:27

Bị hạn chế tải trọng, DN thủy sản thêm điêu đứng

Nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản đang gặp trở ngại trong giao-nhận hàng và bị ảnh hưởng, thiệt hại lớn bởi quy định mới về tải trọng xe.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, mới đây nhận được nhiều phản ánh của các doanh nghiệp (DN) hội viên về những vướng mắc trong việc vận chuyển container hàng thủy sản đông lạnh, đồ hộp... do quy định xe kéo container chỉ được vận chuyển container (3 trục) tối đa 26 tấn (kể cả vỏ container), hay tối đa chỉ được 21 tấn hàng. Quy định này được thể hiện tại Thông tư số 06/VBHN-BGTVT của Bộ GTVT (gọi tắt: Thông tư 06), có hiệu lực từ cuối tháng 3.

Phát sinh chi phí

Theo Vasep, hàng thủy sản đông lạnh, đồ hộp... khi xuất nhập khẩu đều thực hiện theo thông lệ quốc tế là đóng hàng trong container 40 feet, tương đương 28 tấn hàng. Khách hàng nước ngoài không chấp nhận việc đóng container 40 feet nhưng chỉ có 21 tấn (giảm 25% trọng lượng).

Việc phải giảm 25% trọng lương trong mỗi container hàng thủy sản xuất khẩu làm gia tăng đáng kể chi phí vận chuyển. Nếu tính cước tàu, chi phí nâng hạ, kéo… cho mỗi container là 73,82 triệu đồng, thì theo quy định mới, mỗi tấn hàng thủy sản xuất khẩu, các DN phải trả thêm 880.000 đồng phí vận chuyển. Với lượng thủy sản xuất khẩu khoảng 1,2 - 1,3 triệu tấn/năm như hiện nay, mỗi năm, các DN thủy sản Việt Nam phải trả thêm 1.056 - 1.144 tỷ đồng (50,3 - 54,5 triệu USD) phí vận chuyển.

Do quy định mới, tại nơi sản xuất, các DN chỉ đóng hàng vào container tối đa 21 tấn. Sau khi vận chuyển hàng đến cảng, DN phải mở container để đóng hàng bổ sung cho đúng chuẩn quốc tế (28 tấn/container). Ngoài tăng chi phí (cước vận chuyển, chi phí bốc dỡ, lưu xe tại cảng, nâng hạ container...) lên 2-3 lần, công đoạn này còn ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm bởi hàng đông lạnh nếu sang qua sớt lại tại cảng, nơi nhiệt độ và môi trường không thích hợp, sẽ gây hư hỏng. DN thậm chí phải điều chỉnh phiếu đóng gói nếu không đóng cho hết lượng hàng đem đến cảng, rồi phải gửi kho hoặc chở về.... rất nhiêu khê.

Theo Vasep, dù có giảm số lượng hàng/container thì khách hàng cũng không đồng ý vì chi phí cước vận chuyển được phân bổ vào giá thành sẽ tăng lên.

Phí vận chuyển đang tăng

Vasep cho biết, tháng 3 và 4, các hãng tàu nước ngoài đồng loạt tăng giá vận tải bằng container đi các tuyến hàng hải quan trọng như châu Mỹ, Trung Đông và châu Âu, với mức tăng tương ứng 300, 500 và 700 USD/TEU.

Một lãnh đạo của Cty Chế biến Xuất nhập khẩu Thủy sản Bà Rịa -Vũng Tàu (Baseafood) phân tích, với mức cước vận chuyển tăng khoảng 30% như gần đây, một DN trung bình xuất khẩu 200 container hàng/tháng thì giá cước vận tải sẽ phải tăng thêm 4 tỷ đồng/tháng. Theo vị lãnh đạo này, giá cước vận tải biển tại Việt Nam hiện vẫn cao hơn các nước trong khu vực 10-15%/container 20 feet, trong khi giá xuất khẩu không tăng.

Bộ GTVT khẳng định áp dụng đúng tiêu chuẩn quốc tế

Trả lời Tiền Phong về những phản ánh và kiến nghị của Vasep, ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vận tải - Bộ GTVT, cho biết, trọng lượng của container tuân thủ Thông tư 35/2013/TT-BGTVT Quy định về xếp hàng hóa trên xe ô tô khi tham gia giao thông trên đường bộ, không phải theo Thông tư 06/VBHN-BGTVT (thông tư này chỉ có phần quy định về chiều cao của xe chở container - PV) như Vasep đề cập.

Thông tư 35/2013/TT-BGTVT quy định kích thước, trọng lượng container tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế ISO 668 về phân loại, trọng lượng và định danh container. Trong tiêu chuẩn ISO này, container 40 feet có tổng trọng lượng là 30,48 tấn, trừ đi trọng lượng của vỏ container (thông thường là 4,48 tấn), số hàng tối đa được xếp là 26 tấn.

Ông Hùng khẳng định: “Quy định tối đa xếp 26 tấn/container 40 feet là theo tiêu chuẩn ISO phổ biến nhất thế giới, không thể nói Bộ GTVT đưa ra quy định trái thông lệ quốc tế được. Nếu Vasep dẫn chứng ra một tiêu chuẩn quốc tế cụ thể, có uy tín, chúng tôi mới có thể xem xét”.

Ông Hùng cho biết, liên quan việc này, Bộ GTVT vừa cử ông đại diện làm việc với Vasep. Tại cuộc làm việc này, ông Hùng dẫn ra các quy định cụ thể nêu trên. Sau đó, đại diện Vasep cho rằng, các đơn hàng với trọng lượng 28 tấn/container 40 feet đã được ký cho năm 2014, không thể thay đổi.

Trước tình hình đó, Bộ GTVT đã có công văn đề nghị Chính phủ xem xét không xử phạt tạm thời với các xe chở container loại này trong năm 2014 để tháo gỡ khó khăn. Đề nghị này đang đợi Chính phủ xem xét, quyết định.

Đại Dương - Sỹ Lực

Tiền phong

Các tin tức khác

>   Đại gia siêu thị đua bán hàng qua mạng (08/05/2014)

>   Mất thuộc tính “sáng tạo”, Trung Nguyên tái cơ cấu hay chấp nhận “hít khói“? (08/05/2014)

>   Thức ăn nhanh và câu chuyện "người tiên phong" (08/05/2014)

>   Thu hút đầu tư vào TPHCM tiếp tục tăng (08/05/2014)

>   Ngành bia giảm sản lượng tiêu thụ (08/05/2014)

>   Ngân hàng Đức tăng tài trợ vốn cho Việt Nam (07/05/2014)

>   Việt Nam đẩy mạnh liên kết xuất nhập khẩu trước thềm ASEAN + (07/05/2014)

>   Tháng 5/2014: VietnamPost đưa vào hoạt động thêm một đơn vị mới (07/05/2014)

>   Thống nhất quy chuẩn ghi nhãn xuất khẩu hàng sang EU (07/05/2014)

>   Vụ trưởng Vụ Pháp chế: Đủ điều kiện để áp trần giá sữa (07/05/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật