Ngân hàng Đức tăng tài trợ vốn cho Việt Nam
Ngân hàng Tái thiết Đức (German Development Bank – KfW) có thể sẽ tăng mức tài trợ vốn cho các dự án tại Việt Nam lên 500 triệu euro mỗi năm, gấp đôi so với khoản vốn mà KfW đã cam kết hỗ trợ cho các dự án tại Việt Nam khoảng 200 – 300 triệu euro mỗi năm trong thời gian hai năm gần đây.
Ông Ulrich Schroder, CEO Ngân hàng Tái thiết Đức trong buổi trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online tối nay (7-50 tại TPHCM - Ảnh: Văn Nam
|
Lĩnh vực được KfW quan tâm hỗ trợ phát triển tại Việt Nam là năng lượng và hạ tầng giao thông vốn là những lĩnh vực cần nguồn vốn hỗ trợ dài hạn.
Đây là những thông tin được ông Ulrich Schroder, Tổng giám đốc của KfW, cho biết qua trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online tối nay (7-5) nhân chuyến thăm của ông này tại TPHCM.
Theo ông Ulrich Schroder, bên cạnh những dự án được KfW cam kết tài trợ vốn tại Việt Nam thời gian qua như phát triển trạm biến áp, dây tải điện, xử lý nước thải và chất thải rắn, y tế, đào tạo nghề, hạ tầng giao thông …, ngân hàng này cũng sẽ sẵn sàng cung cấp vốn cho các dự án đang được Việt Nam tập trung phát triển như công nghệ thông tin, phát triển phần mềm, đặc biệt những dự án có sự tham gia của doanh nghiệp Đức tại Việt Nam.
Hiện Việt Nam là nước được KfW cam kết tài trợ vốn lớn thứ 3 tại khu vực Châu Á sau Trung Quốc và Ấn Độ. Tổng số vốn được ngân hàng này cam kết hỗ trợ cho Việt Nam tính đến nay khoảng 1,2 tỉ euro với số lượng dự án là 71 dự án, trong đó đã giải ngân được 594 triệu euro.
Cụ thể, trong lĩnh vực trồng rừng, từ năm 1995 đến nay KfW đã cam kết tài trợ gần 120 triệu euro cho 13 dự án trồng rừng và bảo tồn đa dạng sinh học tại 17 tỉnh thành trên cả nước. Trong đó có dự án trồng 35.000 héc ta rừng tại Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh; dự án trồng 22.000 rừng tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị …
KfW đã cam kết tài trợ vốn gần 190 triệu euro cho các dự án cấp nước sạch, quản lý chất thải rắn và nước thải. Bên cạnh đó, ngân hàng này đã cam kết tài trợ 48,3 triệu euro cho 5 dự án đào tạo nghề và hơn 120 triệu euro cho 13 dự án trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam. KfW còn tham gia tài trợ vốn cho các dự án giao thông (tuyến metro số 2 tại TPHCM được KfW cam kết tài trợ gần 313 triệu đô la Mỹ), dự án điện, năng lượng tái tạo.
Phân tích về tính hiệu quả của những dự án được KfW hỗ trợ vốn tại Việt Nam trong gần 20 năm qua, ông Ulrich Schroder cho rằng với những dự án trồng rừng ở phía Bắc, KfW quan sát thấy thu nhập của những nông dân tham gia dự án cải thiện đáng kể, những phụ nữ nông thôn được cấp vốn nhỏ để lập nghiệp cũng thoát nghèo nhanh chóng, thông qua các chương trình đào tạo, người nông dân dần biết cách trồng, sản xuất thực phẩm sạch cung cấp cho thị trường …
Ông Ulrich Schroder cũng nhấn mạnh rằng trong lĩnh vực phát triển dự án điện, thông qua vốn được KfW và các ngân hàng khác tài trợ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã cải thiện đáng kể khả năng cung cấp điện trên hệ thống, phát triển dự án điện gió, xây trạm biến áp, lắp đặt thêm đường dây tải điện để có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng.
Tuy nhiên, ông Ulrich Schroder cũng phân tích có những dự án được KfW tài trợ vốn có tiến độ triển khai chậm do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như dự án metro số 2 bị chậm do thủ tục hành chính nặng nề, một số dự án điện cũng bị chậm do yếu tố giá điện thấp chưa đủ khuyến khích nhà đầu tư rót vốn vào Việt Nam. Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực từ bậc đại học trở lên còn hạn chế.
Ông Ulrich Schroder cho rằng Việt Nam cần nhanh chóng đơn giản thủ tục hành chính trong kêu gọi đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, ngăn chặn tham nhũng, tạo điều kiện hơn nữa cho khối doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các dự án trong lĩnh vực y tế, năng lượng …
Văn Nam
thời báo kinh tế sài gòn
|