Thu hút đầu tư vào TPHCM tiếp tục tăng
Những tháng đầu năm, tình hình thu hút đầu tư vào TPHCM tăng mạnh kể cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài. Nhiều ý kiến cho rằng, thu hút đầu tư của TPHCM đang khởi sắc sau những năm chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu.
Thu hút đầu tư vào TPHCM đang khởi sắc. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Unika Việt Nam thuộc KCX Tân Thuận.
|
Tăng vốn
Theo đánh giá của UBND TPHCM, tình hình đầu tư của DN trong nước và thu hút vốn FDI tiếp tục có chuyển biến tốt, số lượng DN đăng ký thành lập mới và vốn tiếp tục tăng so với cùng kỳ, số dự án FDI đăng ký cấp mới tiếp tục tăng mạnh. Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm, về đầu tư trong nước, có 7.622 doanh nghiệp (DN) được cấp phép thành lập mới với tổng vốn đăng ký 42.553 tỷ đồng. Ngoài ra, có 12.529 DN đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh với vốn bổ sung 35.782 tỷ đồng. Tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung là 78.336 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, có 98 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư 701,4 triệu USD. Ngoài ra, có 30 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư 64 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh tăng vốn 765,4 triệu USD, tăng 120% so cùng kỳ.
Còn Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM (HEPZA) cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2014, tình hình thu hút đầu tư vào HEPZA tăng nhiều so với cùng kỳ 2013 cả về số lượng dự án cấp mới và vốn đầu tư. Sở dĩ lượng vốn thu hút đầu tư vào HEPZA trong những tháng đầu năm tăng là do nền kinh tế vĩ mô trong nước khá ổn định nên nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội kinh doanh. Một số nhà đầu tư đón đầu cơ hội Việt Nam ký kết Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) như các dự án có vốn đầu tư lớn tập trung vào lĩnh vực thiết kế và sản xuất hàng may mặc hoàn chỉnh. Ngoài ra, môi trường đầu tư của TP ngày càng thông thoáng, cơ sở hạ tầng được cải thiện.
Ưu tiên ngành có hàm lượng chất xám cao
Theo dự báo của cơ quan chức năng, trong những tháng còn lại của năm, tình hình đầu tư vào TPHCM sẽ tiếp tục tăng, nhất là làn sóng đầu tư từ Nhật Bản. Đề cập đến kế hoạch thu hút đầu tư trong thời gian tới, HEPZA cho biết, sẽ tập trung thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp theo định hướng những ngành công nghiệp trọng điểm của TP, ưu tiên những ngành có hàm lượng chất xám cao, công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn, tận dụng cơ hội Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại mà Việt Nam là thành viên. Cụ thể, quỹ đất đã có hạ tầng sẵn sàng khai thác là khoảng 332ha tại các KCN Tân Phú Trung (106,4ha), Đông Nam (45ha), An Hạ (66,68ha), Hiệp Phước - giai đoạn 1 (21,27ha), Hiệp Phước - giai đoạn 2 (22,22ha), KCX Tân Thuận (5,65ha)… Hỗ trợ triển khai xây dựng Khu kỹ nghệ Việt - Nhật tại KCN Hiệp Phước, cũng như xúc tiến thu hút đầu tư, tiếp đón các nhà đầu tư Nhật Bản tìm hiểu về dự án.
Còn Ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM cho biết, trước yêu cầu của thực tế hiện nay với các nhà đầu tư, ban quản lý quyết định chọn lĩnh vực vi mạch - bán dẫn là lĩnh vực thu hút công nghiệp hỗ trợ từ nguồn vốn đầu tư FDI và trong nước; đồng thời đề xuất điều chỉnh quy hoạch thêm khoảng 20ha cho công nghiệp hỗ trợ các sản phẩm điện tử, vi mạch - bán dẫn, các sản phẩm vi điện tử. Kết nối giữa các nhà đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao với chuỗi cung ứng nội địa...
Liên quan đến vấn đề thu hút đầu tư, tại cuộc họp với các sở, ban ngành mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân yêu cầu tranh thủ cơ hội để thu hút đầu tư. Đồng thời cũng lưu ý các cơ quan chức năng khi thẩm định các dự án đầu tư cần ưu tiên thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường. Hạn chế tiếp nhận các dự án đầu tư vào khu vực phi sản xuất, tiêu tốn năng lượng, khai thác không gắn với chế biến. Tạo điều kiện cho nhà đầu tư mở rộng, đổi mới trang thiết bị theo hướng công nghệ cao, kỹ thuật cao. Đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư thông qua việc kết nối với tham tán thương mại các nước.
Tạo bước chuyển mạnh về thu hút đầu tư nước ngoài
Theo Th.S Trần Kim Anh (Ban Kinh tế Trung ương), trong thời gian tới cần tạo bước chuyển mạnh về thu hút đầu tư nước ngoài từ chạy theo số lượng sang chọn lọc các dự án có chất lượng, công nghệ cao, thân thiện với môi trường và phù hợp với định hướng tái cấu trúc nền kinh tế của từng vùng, từng ngành và quốc gia. Đặc biệt quan tâm thu hút các dự án quy mô lớn, sản phẩm cạnh tranh cao tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia, từ đó xây dựng, phát triển hệ thống các ngành, các doanh nghiệp phụ trợ. Quy hoạch thu hút đầu tư nước ngoài theo ngành, lĩnh vực, đối tác phù hợp...
|
Đình Lý
sài gòn giải phóng
|