Thứ Hai, 26/05/2014 06:15

Âm thầm nới dần nợ xấu?

Các ngân hàng đã lần lượt công bố tình hình tài chính quý I/2014, điều đáng chú ý là nợ xấu lại đang có xu hướng tăng lên. Điều này có vẻ đi ngược lại những nỗ lực xử lý thời gian qua?

Tăng dần?

Theo nhận định của giới tài chính, nợ xấu có xu hướng tăng lên, có nguyên nhân chính là do số lượng các DN tạm ngừng hoạt động, giải thể vẫn tăng cao.

Báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch Đầu tư) cho thấy, số DN gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động trong quý I năm nay vẫn ở mức gần 17.000, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Khi số lượng DN tiếp tục phải giải thể, các khoản vay của họ tại ngân hàng sẽ không thể thanh toán đúng hạn và đương nhiên sẽ trở thành nợ xấu.

Trong khi đó, cách xử lý nợ xấu hiện nay quá chậm. Theo công bố, hiện tại đã có 106.000 tỉ đồng nợ xấu được xử lý, nhưng về bản chất chỉ là hạch toán, không phải xử lý bằng nguồn tài chính thực để có tác động vào nền kinh tế. Công ty Quản lý nợ và tài sản tồn đọng (VAMC) thực chất chỉ là một nơi cất giấu nợ tạm thời cho các tổ chức tín dụng. Tính đến nay VAMC đã mua vào khoảng 42.829 tỉ đồng nợ xấu, trong khi mới chỉ xử lý khoảng 300 tỉ đồng, chiếm chưa đến 1% tổng giá trị mua.

Chính vì không dùng tiền thật để xử lý nợ xấu nên các ngân hàng không dám cho DN đang gặp khó khăn vay tiền. DN không thể tiếp cận được nguồn vốn, phải giải thể khiến nợ xấu tăng lên, nó giống như một vòng xoáy liên tục và khó có thể thoát ra, các phân tích cho thấy.

Theo nhận định của giới tài chính, nợ xấu có xu hướng tăng lên

Với những phân tích theo chiều hướng này thì thời gian tới, dự báo nợ xấu sẽ còn xu hướng gia tăng cùng với số lượng DN giải thể, tạm ngừng hoạt động không thể giảm.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nợ xấu tăng còn có nguyên nhân là do các tổ chức tín dụng đang nới dần ra. Con số từ Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, nợ xấu của toàn hệ thống vào khoảng 122.000 tỷ đồng, ứng với tỷ lệ 3,86%, nhưng nếu tính cả các khoản nợ được cơ cấu theo Quyết định 780, nợ xấu của toàn hệ thống lên tới gần 308.000 tỷ đồng (chiếm 9,71% dư nợ) vào thời điểm tháng 2/2014.

Chuyên gia tài chính Phạm Nam Kim phân tích: cuối năm 2012, khi Nhà nước ban hành Quyết định 780, ngoài mặt là để hỗ trợ DN bằng cách cho phép ngân hàng gia hạn những khoản vay đã đến hạn mà chưa có tiền trả, để thoát khỏi tình hình khó khăn, nhưng bên trong đó là một biện pháp để giúp những ngân hàng nhỏ lẻ đang bị "kẹp chặt" trong thế "gọng kìm" giữa thanh khoản và nợ xấu. Biện pháp này cũng giúp Ngân hàng Nhà nước giữ được cho toàn hệ thống một mức nợ xấu tương đối chấp nhận được.

Tuy nhiên tới nay, tình hình kinh tế không khả quan hơn, những khoản vay đã được tái cơ cấu, không chuyển biến theo hướng tích cực và lộ ra đích thực là những khoản nợ xấu. Trước tình trạng đó các ngân hàng đang phải điều chỉnh lại, nới dần con số nợ xấu.

Ngoài ra, đến nay hầu hết các ngân hàng đã tiến hành đại hội cổ đông xong. Nếu trước đó mà công bố con số nợ xấu tăng, chắc chắn sẽ bị các cổ đông chất vấn, nay đại hội đã xong cũng là lúc có thể nới con số nợ xấu, bởi trên thực tế, con số nợ xấu cao hơn nhiều so với con số công bố.

Những lo ngại

Ông Phạm Nam Kim cho biết, theo thông lệ quốc tế, ngân hàng phải có ít nhất vốn điều lệ bằng 8% tổng dư nợ, tức là khi cho vay 100 đồng, ngân hàng phải có 8 đồng vốn để bảo đảm rủi ro tín dụng. Nguy cơ lớn nhất cho hệ thống ngân hàng Việt Nam là ở những ngân hàng có trên 8% nợ xấu, vì một khi gói nợ xấu này trở thành nợ không thể đòi được, mất luôn, thì ngân hàng này sẽ không còn vốn điều lệ và trên nguyên tắc sẽ phải giải thể.

Đặc trưng của ngân hàng Việt Nam là "phép biến hóa" những khoản vay thành những khoản đầu tư, trái phiếu của các công ty sân sau. Đặc biệt là những khoản vay của chính ông chủ ngân hàng thì "phép biến hóa" này còn tài tình hơn. Khi ta nói đến nợ xấu, phải tính luôn những khoản "biến hóa" này. Nhìn lại cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2008, các ngân hàng bị phá sản không phải vì nợ xấu mà vì những "phép biến hóa" từ khoản vay thành những khoản đầu tư trên sản phẩm phái sinh.

Với ma trận sở hữu chéo và những canh bài "đi đêm" giữa các ngân hàng hiện nay thì sớm, muộn nguy cơ này sẽ lan rộng. Nếu sự thể này xẩy ra thì ta khó đo lường được hậu quả cho nền kinh tế quốc gia, ông Kim nhận định.

Nợ xấu là gì, nếu không phải là ngân hàng đã lấy tiền thật cho vay khách hàng và hiện khách hàng không trả được, vậy là ngân hàng đang có một lỗ hổng trong dòng tiền thật, vì tiền cho vay 92% là tiền tiết kiệm dân cư, khi họ đòi thì tất nhiên ngân hàng phải trả bằng tiền thật. Chính vì vậy, tất cả các phương án có tính cách hạch toán chỉ là những trò ảo và không giúp gì được ngân hàng, các ý kiến cho biết.

Trần Thủy

Diễn đàn kinh tế Việt Nam

Các tin tức khác

>   NHNN sẵn sàng và có đủ lượng vàng bán can thiệp thị trường (25/05/2014)

>   Lãi suất cho vay giảm nhỏ giọt (24/05/2014)

>   Cựu lãnh đạo ACB: Bầu Kiên "lệnh" cho làm trái (23/05/2014)

>   Xác định quỹ bình ổn tỷ giá và quản lý thị trường vàng (23/05/2014)

>   Huyền Như khai chiếm đoạt tiền của ACB một cách đơn giản (23/05/2014)

>   Giao dịch không dùng tiền mặt đang tăng nhanh (23/05/2014)

>   Tâm lý làm vàng, USD tăng giá (23/05/2014)

>   10.000 tỷ đồng cho vay xuất, nhập khẩu với lãi suất thấp (22/05/2014)

>   NHNN: Thị trường tài chính chỉ rung lắc nhẹ (22/05/2014)

>   Bị cáo Lý Xuân Hải: Chờ có hướng dẫn thì hệ thống ngân hàng đã nguy kịch (22/05/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật