Cựu lãnh đạo ACB: Bầu Kiên "lệnh" cho làm trái
Trong phần thẩm vấn của TAND TP Hà Nội chiều 23-5 để làm rõ hành vi làm trái, mua bán cổ phiếu trái quy định, các cựu lãnh đạo Ngân hàng ACB đều đổ cho Bầu Kiên là người "lệnh" cho họ làm việc này.
Trả lời thẩm vấn tại tòa, các bị cáo nguyên là lãnh đạo ACB đã khai rõ các “chiêu thức” làm trái, lách luật trong việc đầu tư cổ phiếu. Tuy nhiên, không bị cáo nào nhận trách nhiệm trong việc chủ trương này làm ACB thất thoát hơn 687 tỉ đồng.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên
|
Ký hợp đồng đầu tư để lách luật
Cáo trạng các định năm 2009, Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB ra thông báo về việc giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán đang diễn biến thuận lợi cho việc đầu tư sinh lợi. Thường trực HĐQT chấp thuận cấp hạn mức 700 tỉ đồng cho Hội đồng đầu tư để mua một số cổ phiếu có giá tốt và tính thanh khoản cao. Ông Nguyễn Đức Kiên được HĐQT chỉ đạo trực tiếp thực hiện việc đầu tư này.
Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Công ty ACBS tiến hành đầu tư cổ phiếu Ngân hàng ACB và một số mã chứng khoán khác. ACBS là công ty chứng khoán do ACB sở hữu 100% vốn điều lệ.
Biết pháp luật không cho phép ACBS mua cổ phiếu của ACB, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo ACBS ký hợp đồng hợp tác đầu tư với công ty cổ phần Đầu tư Á Châu (ACI) và công ty TNHH Đầu tư Tài chính Á châu Hà Nội (ACI-HN) để đầu tư mua cổ phiếu của ACB. Hai công ty này đều do Nguyễn Đức Kiên sáng lập. Hành vi nêu trên của Nguyễn Đức Kiên và các thành viên trong Thường trực HĐQT ACB làm cho ACB thiệt hại hơn 687 tỉ đồng.
Trả lời tòa, bị cáo Lê Vũ Kỳ (nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB) khai biết rõ theo quy định thì công ty ACBS không được mua cổ phiếu của ACB.
Bị cáo Kỳ khai: “Ngày 2-11-2009, tôi có tham gia họp thường trực HĐQT, bàn nội dung đầu tư cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Khi đó thường trực HĐQT cho là giá đã xuống tương đối thấp, thích hợp mua vào để sinh lời, sau đó có bàn lựa chọn một số cổ phiếu tốt, thanh khoản cao.
HĐQT giao ủy quyền cho ông Kiên trực tiếp đầu tư. Sau đó ông Kiên chỉ đạo triển khai tại ACBS vì đây là công ty con của ACB. Cụ thể tôi không biết vì ông Kiên chỉ đạo và ông Kiên không bàn với tôi. Tôi chỉ biết tổng giám đốc ACBS gửi cho tôi và tôi ký Nghị quyết của Hội đồng đầu tư ACBS cùng với ông Trung, ông Toàn đề nghị Hội đồng đầu tư cho phép hợp tác giữa ACBS và ACI Hà Nội, ACI để hợp tác đầu tư”.
Trả lời tòa về trách nhiệm của mình, bị cáo Lê Vũ Kỳ cho rằng đã đề xuất ACB phê chuẩn đối tác kinh doanh vì đây là khoản đầu tư lớn, bị cáo chỉ ký văn bản đề xuất rồi không tham gia gì thêm: “Hợp đồng hợp tác thì do Tổng giám đốc ký. Tôi không biết gì về những hoạt động mua bán, thanh toán cụ thể. Tôi nhận thức là mua trực tiếp thì là sai, mua qua ACI thì pháp chế giải thích là không sai vì ACBS không sở hữu cổ phiếu ACB mà chỉ được hưởng quyền lợi, lỗ lãi từ khoản đầu tư này”.
“Nguyễn Đức Kiên ra lệnh phải làm”
Có mặt tại tòa, ông Nguyễn Ngọc Chung, nguyên Tổng giám đốc ACBS khai khi biết chủ trương của HĐQT ACB, ông có báo cáo lên cấp trên là ACBS không mua cổ phiếu ACB được vì có quy định cấm. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Kiên nói: “Đây là lệnh phải làm, khi mua thì ACI đứng tên chứ ACBS không đứng tên, cứ làm đi”.
Ông Chung khai việc mua cổ phiếu này trong thời khá dài, đặt lệnh nhiều lần, bị cáo Lê Vũ Kỳ không trực tiếp chỉ đạo hàng ngày. Về việc phát hành trái phiếu thì ông Kiên chỉ đạo phát hành để tăng vốn lấy nguồn tài chính hoạt động.
Bị cáo Trịnh Kim Quang (nguyên phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB) khai sau khi HĐQT ACB có Nghị quyết đồng ý đầu tư và giao cho ông Kiên vì ông Kiên là Chủ tịch Hội đồng đầu tư của ACB. Hạn mức 700 tỉ đồng là để đầu tư cho một số cổ phiếu, nhưng cụ thể đều do ông Kiên quyết định.
Tòa công bố lời khai tại cơ quan điều tra của bị cáo Lê Vũ Kỳ, thừa nhận thực chất các khoản đầu tư này là do sức ép giá cổ phiếu. Lý do Thường trực HĐQT giao ông Kiên làm là đảm bảo bí mật kinh doanh, nếu ACB hay ACBS đặt lệnh thì cả thị trường đều biết, như vậy là không đạt được mục đích kinh doanh.
Kể cả mua các loại cổ phiếu khác cũng vậy vì ACB và ACBS là đơn vị lớn, mỗi động thái đều được thị trường theo dõi.
Bị cáo Phạm Trung Cang (nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB) thừa nhận có việc họp HĐQT và thống nhất chủ trương một số loại cổ phiếu nhưng không chỉ rõ cụ thể là mua cổ phiếu ACB. Bị cáo Cang thừa nhận nếu ACBS tự mua cổ phiếu ACB là không đúng luật. Nếu ACBS muốn mua thì phải công bố thông tin và xin phép Uỷ ban Chứng khoán xem xét rất lâu nên để bí mật kinh doanh thì phải thông qua ACI mua.
Ông Cang cho rằng: “Nghị quyết HĐQT không đề cập việc mua cổ phiếu ACB, về chủ trương không vi phạm pháp luật. HĐQT đã giao cho anh Kiên thì anh Kiên phải làm đúng pháp luật, anh Kiên làm sai anh Kiên chịu trách nhiệm”.
Ngoài ra, ông Cang còn cho rằng một số bản cung của ông có một số chi tiết ông không khai nhưng cán bộ điều tra viết thêm vào. Trước ý kiến này, tòa đề nghị ông Cang và các bị cáo khác khai cho thành khẩn, chuẩn xác vì nếu không sẽ làm mất thời gian của HĐXX phải lục và công bố lại các bản khai.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên khi được thẩm vấn đã bác bỏ lời khai của ông Nguyễn Ngọc Chung, nguyên Giám đốc ACBS, lý do là không có văn bản nào thể hiện ông Kiên đã chỉ đạo ông Chung làm như vậy. Bầu Kiên cũng phủ nhận không có việc đã bảo ông Chung: "Đây là lệnh, cứ làm đi".
8g sáng mai (24-5), phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn.
Bầu Kiên nộp đơn tố cáo tới HĐXX
Cuối giờ làm việc chiều ngày 23-5, bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã nạp đơn tố cáo tới HĐXX TAND TP.Hà Nội. Nội dung tố cáo một số quyết định của VKSND tối cao và cơ quan điều tra đối với bị cáo Kiên.
Trong các phiên tòa trước đó, ông Kiên đề nghị HĐXX cho ông được chuyển đơn tố cáo này đến Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Ngoài ra, ông Kiên còn xin được trình bày các nội dung này tại phiên tòa.
|
Tâm Lụa
tuổi trẻ
|