Thời của trái phiếu xanh
Giới đầu tư đã quá quen thuộc với các loại trái phiếu như trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp. Nhưng có lẽ trái phiếu xanh (green bond) chưa được nhiều nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư trong nước, biết đến. Nhưng sắp tới, điều này sẽ thay đổi khi việc bảo vệ môi trường trong kinh doanh trở thành một đòi hỏi tất yếu của xã hội.
Giá trị phát hành trái phiếu xanh qua các năm
|
Trái phiếu xanh ra đời vào năm 2008. Tổ chức phát hành là Ngân hàng Thế giới (WB) với mục đích tài trợ vốn cho các dự án môi trường của mình. Tổng giá trị phát hành khá nhỏ, chỉ vài chục triệu USD vì khi đó, sự quan tâm của nhà đầu tư dành cho loại trái phiếu này chưa cao. Thế nhưng, vào tháng 2 năm ngoái, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) của WB đã phát hành được tới 1 tỉ USD trái phiếu xanh, một số tiền đủ lớn để các nhà quản lý vốn chuyên nghiệp phải chú ý.
Đến tháng 11 cùng năm, tập đoàn năng lượng của Pháp EDF đã phát hành được 1,9 tỉ USD trái phiếu xanh. Đây là sự kiện quan trọng cho thấy chủ thể phát hành trái phiếu xanh không chỉ là định chế tài chính quốc tế mà doanh nghiệp cũng đã bắt đầu tham gia. Sau EDF, Toyota đã phát hành thành công 1,75 tỉ USD để tài trợ vốn cho dự án sản xuất xe hơi chạy bằng điện và xe lai điện của mình.
Ngày 19.3 năm nay lại tiếp tục đánh dấu một cột mốc phát triển mới của trái phiếu xanh khi tập đoàn hàng tiêu dùng Unilever phát hành được 415 triệu USD trái phiếu. Đây có thể xem là một cột mốc quan trọng vì trước đó, các đợt phát hành trái phiếu xanh như của EDF và Toyota là để phục vụ các dự án phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường, trong khi mục tiêu phát hành của Unilever là nhằm giảm thiểu tác động môi trường trong các hoạt động thường ngày của mình.
Tờ Economist tin rằng dù vẫn còn một số khó khăn, nhưng nhìn chung thị trường trái phiếu xanh đang cất cánh khi việc phát hành thành công của Unilever đã đưa tổng giá trị phát hành trái phiếu xanh từ đầu năm đến nay lên tới 6 tỉ USD, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Theo Ngân hàng HSBC, giá trị phát hành trái phiếu xanh trong năm nay sẽ tăng gấp hơn 2 lần so với năm trước, có thể đạt đến 25 tỉ USD. Còn Ngân hàng Thụy Điển SEB thì dự báo trái phiếu xanh sẽ chiếm khoảng 10-15% tổng thị trường trái phiếu doanh nghiệp vào năm 2020.
Sự quan tâm của giới đầu tư tài chính chuyên nghiệp đối với trái phiếu xanh cũng ngày càng lớn. Trong các thương vụ bảo lãnh phát hành trái phiếu xanh gần đây do Ngân hàng Citi thực hiện, có tới 55% lượng mua đến từ các công ty quản lý quỹ và 45% còn lại từ các nhà đầu tư khác như công ty bảo hiểm hay quỹ hưu trí.
Hiện tại, các công cụ và chính sách hỗ trợ thị trường giao dịch trái phiếu xanh đang được các định chế tài chính gấp rút thực hiện. Ngày 12.3, chỉ số đầu tiên dành cho trái phiếu xanh đã được Solactive, công ty chuyên xây dựng chỉ số có trụ sở tại Frankfurt (Đức), đưa ra thị trường, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư theo dõi thị trường này.
Gần đây, một nhóm 25 ngân hàng quốc tế, trong đó có Merrill Lynch, Citi, Crédit Agricole Corporate & Investment Bank, JPMorgan Chase đã cùng nhau xây dựng các nguyên tắc xác định tiêu chuẩn đánh giá trái phiếu xanh, quy trình phát hành và yêu cầu các công ty đưa ra kế hoạch chi tiết sử dụng nguồn vốn huy động này.
“Thời đại của trái phiếu xanh đã đến. Chúng tôi đang nhìn thấy xu hướng sử dụng thị trường trái phiếu để huy động vốn cho nền kinh tế sản sinh ít carbon hơn”, HSBC nhận định.
Hướng tới nền kinh tế xanh, phát triển bền vững cũng là điều Việt Nam đang thực hiện. Đại hội Đảng lần thứ 7, khóa 11 đã ban hành Nghị quyết về việc đối phó biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
Tuy vậy, việc triển khai chủ trương này không phải là điều dễ dàng khi vấp phải một trong những hạn chế lớn nhất: thiếu vốn đầu tư. Do đó, trái phiếu xanh có thể trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho Việt Nam để biến các chủ trương này thành hiện thực, giống như trường hợp của thành phố Ontario.
Mùa thu năm ngoái, chính quyền thành phố Ontario đã lên kế hoạch trở thành địa phương đầu tiên ở Canada phát hành trái phiếu xanh để tài trợ các dự án hạ tầng thân thiện với môi trường. Theo dự kiến, kế hoạch này sẽ được thực hiện trong năm nay.
Riêng đối với các doanh nghiệp, trái phiếu xanh sẽ là công cụ tốt để họ có thể thực hiện các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, năng lượng mặt trời hay đầu tư hệ thống xử lý chất thải, giảm thiểu tác động xấu lên môi trường. Hiện tại, Việt Nam đang thực hiện nhiều dự án phát triển năng lượng tái tạo như điện gió tại miền Trung, hay dự án sản xuất pin mặt trời của Công ty Năng lượng Mặt Trời Đỏ ở TP.HCM.
Sơn Thanh
Nhịp cầu đầu tư
|