Định hạng tín nhiệm của Nga về gần mức nguy hiểm
Tổ chức đánh giá tín nhiệm Standard & Poor’s (S&P) ngày 25/4 cắt giảm định hạng tín nhiệm của Nga, trong bối cảnh các dòng vốn tiếp tục tháo chạy khỏi nước này và căng thẳng giữa Moscow với phương Tây gia tăng, đe dọa triển vọng tăng trưởng kinh tế Nga.
Một nhóm vũ trang thân Nga ở Crimea hồi đầu tháng 3
|
Theo đó, định hạng tín nhiệm nợ ngoại tệ của Nga giảm về 'BBB-/A-3' từ mức 'BBB/A-2' trước đó. Định hạng này chỉ còn cao hơn một bậc so với định hạng không khuyến nghị đầu tư (junk). Ngoài ra, định hạng tín nhiệm nợ nội tệ dài hạn của Moscow bị S&P giảm về ‘BBB’ từ ‘BBB+’.
“Theo quan điểm của chúng tôi, tình hình địa chính trị căng thẳng giữa Nga và Ukraine có thể dẫn tới việc các dòng vốn trong và ngoài nước tiếp tục chảy khỏi nền kinh tế Nga, và do đó xói mòn thêm triển vọng tăng trưởng vốn dĩ đã yếu của nước này”, báo cáo của S&P có đoạn viết.
Hãng tin CNBC cho biết, trong một diễn biến khác cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Nga nâng lãi suất cơ bản từ 7% lên 7,5% với lý do đồng Rúp yếu và nguy cơ lạm phát gia tăng. Trước đó, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất từ 5,5% lên 7% trong tháng 3, ngay sau khi Moscow đưa quân vào Crimea - một động thái đẩy thị trường chứng khoán Nga và đồng Rúp đồng loạt giảm mạnh.
Thị trường chứng khoán Nga và đồng Rúp tiếp tục giảm trong phiên giao dịch ngày 25/4 sau động thái của S&P. Trong đó, chỉ số MICEX giảm hơn 1,6, còn đồng Rúp giảm 0,3% so với đồng USD.
Phản ứng trước động thái của S&P, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Nga nói rằng, việc cắt giảm điểm tín nhiệm của tổ chức này mang “động cơ chính trị”.
Tháng trước, cũng S&P đã giảm triển vọng tín nhiệm của Nga từ “ổn định” xuống “tiêu cực” khi Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đồng loạt tung đòn trừng phạt nhằm vào Nga sau khi Nga sáp nhập Crimea.
Theo dự báo của giới phân tích, hai tổ chức còn lại trong nhóm 3 tổ chức đánh giá tín nhiệm lớn nhất thế giới là Moody’s và Fitch sẽ sớm có động thái cắt giảm định hạng tín nhiệm của Nga.
Trong báo cáo hạ điểm tín nhiệm của Nga, S&P nói rằng, tăng trưởng kinh tế Nga sẽ giảm xuống mức 1,3% trong năm nay, mức thấp nhất kể từ năm 1999 ngoại trừ đợt suy thoái năm 2009.
Tổ chức này cũng nói rằng, nếu căng thẳng chính trị không giảm nhiệt, rất có khả năng tăng trưởng kinh tế Nga sẽ giảm dưới 1%.
Theo S&P, mức độ phụ thuộc của ngân sách Chính phủ Nga vào các loại hàng hóa cơ bản đã gia tăng, và giá dầu phải ở mức gần 110 USD/thùng mới đủ để Moscow cân bằng ngân sách.
Cũng trong ngày 25/4, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ có cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo châu ÂU ngay trong ngày về vấn đề Ukraine và có thể sẽ sẵn sàng cho việc áp thêm lệnh trừng phạt vào Nga nếu Moscow có hành động đẩy căng thẳng leo thang.
Theo một số nguồn tin, ông Obama, hiện đang trong chuyến thăm Hàn Quốc, muốn thúc đẩy châu Âu cùng Mỹ áp lệnh trừng phạt mới đối với Nga về vấn đề Ukraine.
Diệp Vũ
vneconomy
|