Thứ Sáu, 25/04/2014 09:23

Một số hệ quả của GDP Trung Quốc tăng trưởng chậm lại

Sự suy yếu của nhịp độ đầu tư và tiêu dùng là nguyên nhân tăng trưởng GDP Trung Quốc chậm lại; sụp đổ tín dụng có thể tác động hệ thống tài chính thế giới

Vừa qua, số liệu của Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) cho thấy nền kinh tế nước này đạt tăng trưởng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý I đạt 12.821 tỷ Nhân dân tệ (NDT) - tương đương 2.080 tỷ USD. Mức tăng trưởng thấp sẽ gây sức ép lớn hơn đối với toàn nền kinh tế Trung Quốc. Tuy tỷ lệ này vẫn nằm trong phạm vi hợp lí.

Bong bóng bất động sản là một trong nguy cơ lớn đối với đổ võ tín dụng tại Trung Quốc: Nhiều công trình nhà ở xây dở và nhiều thành phố ma

Sự suy yếu của nhịp độ đầu tư và tiêu dùng - hai động lực của nền kinh tế Trung Quốc - là nguyên nhân của việc tăng trưởng GDP quý I chậm lại. Ngoài ra, có các vấn đề nảy sinh như các ngành công nghiệp sản xuất hàng cơ bản - cụ thể là ngành luyện kim, viễn cảnh bùng nổ bất động sản suy sụp, và khả năng các vụ dàn xếp tài chính với sự can dự của các ngân hàng và thể chế tài chính quốc tế sắp tới có thể sẽ không còn vững chắc do đồng tiền Trung Quốc mất giá.

Tỷ lệ tăng trưởng 3 tháng đầu năm là thấp nhất trong vòng 18 tháng qua, tạo sức ép lên giới lãnh đạo Trung Quốc hạ giá đồng nhân dân tệ (NDT) để hỗ trợ các nhà xuất khẩu và thúc đẩy tăng trưởng.

Cho đến gần đây, Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ giá trị đồng nhân dân tệ và sử dụng nguồn dự trữ ngoại tệ to lớn để mua vào - bán ra nhằm điều tiết tỷ giá đồng tiền. Trong quý I, dự trữ ngoại tệ đã tăng 129 tỷ USD, đạt 3,95 ngàn tỷ USD dự trữ ngoại tệ.

Theo Wall Street Journal, các quan chức cao cấp Trung Quốc cho rằng chừng nào tăng trưởng GDP không giữ được tỷ lệ từ 7-7,5%, thất nghiệp có thể tăng lên mức không thể chấp nhận được.

Năm nay Mỹ có một đòn bẩy ngắn hạn đó là Trung Quốc sẽ đăng cai hội nghị Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Trung Quốc không muốn ảnh hưởng đến sự kiện quan trọng này, sẵn sàng giải quyết các vấn đề có thể gây bất đồng với Mỹ như thâm hụt cán cân thương mại và định giá thấp tỷ giá NDT.

Tỷ giá đồng NDT cao thấp sẽ có tác động khác nhau tới kinh tế Trung Quốc. Đồng NDT yếu sẽ làm cho xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn tính theo giá trị đồng USD và có lợi cho các nhà sản xuất. Trong khi đó, đồng NDT mạnh sẽ làm cho nhập khẩu rẻ hớn tính theo đồng tiền bản địa và thúc đẩy tiêu dùng ở mức độ nhất định. Nó cũng giúp cho Trung Quốc tiến bộ trong thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế dựa nhiều hơn vào nội nhu và giảm lệ thuộc vào xuất khẩu.

Nhân tố quan trọng hàng đầu chính là vòng cải cách mới được thúc đẩy toàn diện, lấy cải cách thể chế kinh tế làm trọng điểm. Cải cách và mở cửa là hai chiếc cánh mạnh mẽ cho sự tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Cải cách, mở cửa có tác dụng tương hỗ, thúc đẩy lẫn nhau, bổ trợ cho nhau.

Trải qua 35 năm phát triển kinh tế với tốc độ cao, Trung Quốc không chỉ tạo nên những thành tựu lớn chưa từng có, mà hiện đang bước vào thời kỳ khó khăn không những khó có thể tiếp tục phát triển với tốc độ cao mà còn phải đối mặt với nguy cơ và rủi ro. Nếu không điều chỉnh toàn diện kết cấu ngành nghề, không thay đổi căn bản phương thức tăng trưởng kinh tế, không chuyển đổi triệt để mô hình phát triển kinh tế, kinh tế Trung Quốc sẽ hạ cánh cứng, đối mặt với nguy cơ đình trệ lâu dài, rơi vào bẫy thu nhập trung bình

Nguy có sụp đổ tín dụng có thể tác động đến hệ thống tài chính thế giới

Theo tạp chí Mondialisation, trong thời gian gần đây, những lời cảnh báo đối với thực trạng nền tài chính của Trung Quốc và tác động của nó đối với nền kinh tế thế giới ngày càng gay gắt hơn. Hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đối với nền kinh tế Trung Quốc là hơn 23 triệu việc làm bị mất đi chỉ trong vòng vài tháng. Chính phủ nước này đã thực hiện một chương trình kích thích mạnh mẽ với 500 tỷ USD. Các ngân hàng nhà nước phải cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp, các thể chế tài chính và chính quyền địa phương để có tiền đầu tư vào năng lực của ngành công nghiệp, phát triển bất động sản và các dự án hạ tầng. Chỉ trong 5 năm qua, lượng tín dụng được cung cấp ở Trung Quốc đạt mức chưa từng thấy trong lịch sử kinh tế, với khoảng 15.000 tỷ USD, tương đương với toàn bộ số tiền của hệ thống ngân hàng Mỹ. Lượng tín dụng đã nhanh chóng tăng gấp hai lần so với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong quý I năm 2013, tín dụng, hay “tài trợ qua doanh nghiệp”, tương đương 200% GDP so với 125% trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính thế giới.

Hiện nay, việc nền kinh tế Trung Quốc chững lại tác động vào mọi lĩnh vực của ngành công nghiệp sản xuất hàng hóa, cụ thể là luyện kim, làm tăng nợ của toàn bộ 7 nhà máy lớn nhất tổng cộng 226 triệu USD.

Giới tài chính tỏ ra còn lo ngại hơn trước nguy cơ vỡ bong bóng bất động sản sau khi đạt mức tăng trưởng khiến giá trị bất động sản tăng gấp 10 lần trong vòng 10 năm qua. Trong khi bất động sản vẫn tiếp tục bùng nổ ở Bắc Kinh và Thượng Hải, một câu chuyện khác lại diễn ra tại các thành phố nhỏ hơn, nhưng đại diện cho 2/3 số bất động sản được xây dựng năm ngoái. Một số khu nhà ở quy mô lớn hiện không có người ở hay chưa được xây xong. Theo nhà kinh tế trưởng của tổ hợp tài chính khổng lồ Nomura (Nhật Bản), thị trường nhà ở là “nguy cơ chính” đối với nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2014.

Thị trường bất động sản sụp đổ sẽ dẫn đến những hậu quả nhãn tiền đối với thế giới vì các nhà đầu tư nước ngoài trở thành nguồn cung cấp tín dụng quan trọng hơn. Từ năm 2010, họ đã cho các nhà phát triển bất động sản vay ít nhất 48 tỷ USD bằng trái phiếu của Mỹ tính bằng USD.

Một nguồn quan trọng khác gây mất ổn định tài chính là hành động của chính quyền các địa phương thúc đẩy rất mạnh việc phát triển bất động sản và hạ tầng cơ sở. Hơn 80% tổng số chi phí công là của chính quyền địa phương, nhưng họ chỉ nhận được 40% số thu từ thuế. Khi chính quyền trung ương tìm cách hạn chế mở rộng tín dụng, giới lãnh đạo địa phương sử dụng ngày càng nhiều “hệ thống ngân hàng ngầm”, từ đó làm tăng rủi ro tài chính. Có thể hơn 50% số nợ đến mức không ai có thể hỗ trợ được.

Một số nhà bình luận loại trừ viễn cảnh nổ ra khủng hoảng quy mô lớn do lượng dự trữ ngoại hối rất lớn của Trung Quốc và nhà nước nắm quyền kiểm soát nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều trong số các ngân hàng chính trên thế giới nói đến tác động có thể xảy ra nếu Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất.

Món nợ của Trung Quốc ngày càng tăng cho thấy rõ rằng không một mâu thuẫn nào trong số các mâu thuẫn đã dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 được giải quyết, mà các mâu thuẫn đó chỉ thể hiện dưới các hình thức khác. Việc món nợ của Trung Quốc tăng mạnh trong 5 năm trở lại đây là hậu quả trực tiếp của cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra do hệ thống tài chính của Mỹ gần như sụp đổ. Nền kinh tế sau đó được kích thích đã đóng vai trò chủ chốt để giữ cho nền kinh tế thế giới không bị suy sụp. Nhưng tăng trưởng của Trung Quốc lại là hệ quả của bong bóng tín dụng lúc này đang dọa vỡ, với những hậu quả nguy hiểm tiềm tàng đối với toàn bộ hệ thống tài chính thế giới.

Linh Hương

tổ quốc

Các tin tức khác

>   EC: Hy Lạp đã đạt thặng dư ngân sách trong năm 2013 (24/04/2014)

>   Đồng USD suy yếu do Mỹ-Nhật chưa thống nhất về TPP (24/04/2014)

>   Nợ công - Thách thức chung của nhiều quốc gia Caribbean (24/04/2014)

>   Hãng viễn thông di động Ấn Độ muốn vào Việt Nam (24/04/2014)

>   Pháp cải cách tài chính nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (24/04/2014)

>   Eurozone: Thâm hụt ngân sách giảm, nợ công tăng (24/04/2014)

>   Sony kinh doanh bất động sản (24/04/2014)

>   Lợi nhuận Facebook tăng gấp 3 (24/04/2014)

>   Cung kỷ lục khiến dầu rớt giá (24/04/2014)

>   Vàng tăng lần đầu trong 4 phiên và thoát đáy 3 tuần (24/04/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật