Thứ Ba, 01/04/2014 17:16

Thị trường lao động cần tận dụng giai đoạn dân số vàng

Theo các chuyên gia đánh giá, việc phát triển thị trường lao động Việt Nam một cách hiệu quả, bền vững và đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập lại là điều không dễ dàng, nếu không thận trọng Việt Nam có thể bỏ lỡ giai đoạn dân số vàng hiện nay.

Đây là nhận định được đưa ra tại Hội thảo “Thị trường lao động Việt Nam: Những phát hiện từ tiếp cận vi mô” do Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế-xã hội Quốc gia (NCSEIF) phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh tế xã hội Ailen tổ chức ngày 1/4.

Trong giai đoạn 2002-2010, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng với tốc độ nhanh, trung bình hàng năm trên 7%. Sự ra đời của một số chính sách vĩ mô để thúc đẩy nền kinh tế và nâng cao chất lượng lao động dường như đã có hiệu quả. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo và sự gia tăng số lượng lao động trong các lĩnh vực phi nông nghiệp đã có những thay đổi tích cực.

Kết quả nghiên cứu “Nhìn lại nguồn cung lao động Việt Nam giai đoạn 2002-2012” của NCSEIF cho thấy, Việt Nam có một lực lượng lao động dồi dào, đang phát triển với tốc độ tăng nhanh hơn tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm, do vậy áp lực tạo việc làm mới hiện nay khá cao.

Xét theo khu vực, lực lượng lao động ở khu vực nông thôn đang trong xu hướng giảm dần trong khi ở khu vực thành thị lại trong xu hướng tăng. Đây là hai xu hướng tích cực phản ánh thành quả trong tiến trình phát triển của Việt Nam.

Tuy nhiên, điểm hạn chế của lực lượng lao động Việt Nam là chất lượng còn thấp, ngành nghề được đào tạo chưa đáp ứng được so với yêu cầu của thực tiễn công việc, cũng như đòi hỏi của thị trường lao động.

Theo các chuyên gia, do tỷ lệ lao động qua đào tạo tại Việt Nam rất thấp nên nền kinh tế thiếu những lao động có trình độ tốt, vì vậy mức lương cho những người có trình độ cao có thể vẫn sẽ tăng, thể hiện mức cầu lao động có trình độ vẫn sẽ cao.

Kết quả nghiên cứu về lợi tức giáo dục và cầu lao động ở Việt Nam cho thấy, trong giai đoạn 2002-2010, nam giới đầu tư cho các cấp học càng cao càng tốt vì họ sẽ nhận được mức thù lao tăng dần theo trình độ học vấn. Nữ giới cũng nên đầu tư cho các cấp học cao hơn trung học phổ thông nhưng cũng chỉ nên dừng lại ở tốt nghiệp đại học do mức lương ở các cấp học sau đại học của phụ nữ có xu hướng giảm.

Các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần các giải pháp cụ thể trong cải cách giáo dục đào tạo để thu hút nhiều hơn nữa sự đầu tư cho giáo dục và dạy nghề. Đặc biệt, việc phối hợp thông tin về dự báo về cung cầu lao động giữa các cơ quan chức năng với các cơ sở giáo dục là hết sức cần thiết trong thời gian tới./.

Hồng Kiều

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Tháng 4 sẽ ban hành quy định minh bạch giá điện (01/04/2014)

>   Casino tại Việt Nam: Cuộc đua ngầm đang quyết liệt (01/04/2014)

>   Lỗ lãi của phim Việt (01/04/2014)

>   Giám đốc thuỷ điện Sơn La làm sếp EVN (01/04/2014)

>   Chừng nào mới có khung pháp lý cho các dự án PPP? (01/04/2014)

>   Lãng phí đầu tư công (01/04/2014)

>   Chính thức vận hành hệ thống hải quan điện tử (01/04/2014)

>   Tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư cho doanh nghiệp (31/03/2014)

>   Kết luận của thanh tra về EVN đã được xử lý thế nào? (31/03/2014)

>   Cước vận tải biển tiếp tục tăng (31/03/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật