Lỗ lãi của phim Việt
Câu chuyện của diễn viên Nguyễn Chánh Tín và việc kêu gọi từ tâm từ phía công chúng, dù chẳng hay ho gì, nhưng vô tình hé lộ một sự thật: doanh thu phim Việt hoàn toàn không nhiều như những lời tô vẽ hoành tráng mà các nhà sản xuất đưa ra!
Trừ các phim lấy kinh phí từ ngân sách vẫn hoạt động theo tiêu chí làm đến đâu bù lỗ đến đấy, phim do tư nhân đầu tư luôn mờ mờ ảo ảo về số tiền bỏ ra lẫn số tiền thu vào. “Ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Có thể vì bức xúc nhất thời hoặc vì suy tư sâu xa, Nguyễn Chánh Tín lấy danh nghĩa một người đã hùn vốn làm phim “Dòng máu anh hùng” để “lật ngửa” một “ván bài” doanh thu: Chi ồ ạt tổng cộng hơn 30 tỷ đồng, kiếm lại lần hồi được hơn 3 tỷ đồng! Bộ phim “Dòng máu anh hùng” từng tạo ra hiện tượng ầm ĩ, mà doanh thu chỉ chừng ấy, thì những bộ phim khác ai dám chắc không lấy tâm trạng “ngậm bồ hồn làm ngọt” để an ủi chính mình!
Nếu so với những nền điện ảnh phát triển, thì đầu tư cho phim Việt không có gì đáng kể. Những siêu phẩm của Hollywood có kinh phí hàng trăm triệu USD, và ngay cả những bộ phim của các đạo diễn Trung Quốc tầm cỡ như Trương Nghệ Mưu, Lý An hay Trần Khải Ca… nếu tính tiền Việt thì đều ở mức ngàn tỷ đồng. Thế nhưng, cái khó của phim Việt không phải ở đồng vốn mà ở trình độ và thị trường. Phim Việt chủ yếu bán vé trong nước, còn mang đi quốc tế thì trình chiếu vài buổi miễn phí cho vui.
Cơ sở nào để xác minh doanh thu phim Việt? Lẽ ra phải do đơn vị phát hành phim độc lập công bố, thì các nhà sản xuất lại nhanh miệng tung tin. Thậm chí, nhiều vị đạo diễn lẽ ra giới hạn phát ngôn về chuyên môn cũng háo hức khẳng định phim mình đã đắt hàng như thế nào. Không tiện nêu danh sách rõ ràng, nhưng các bộ phim Việt sau vài ba ngày công chiếu đã hô lên doanh thu hàng chục tỷ đồng, liệu có đáng tin cậy không? Tính đến nay, chưa có bộ phim Việt nào trụ nổi ở rạp thời gian đủ một tháng, thì lấy đâu ra những con số lãi ròng hớn hở như những nhà làm phim từng rêu rao với dư luận?
Ngoài chia lợi nhuận 50-50 với nhà phát hành, phim Việt không chịu thuế vì chính sách ưu đãi cho sản phẩm văn hóa. Do đó, nhà sản xuất tha hồ thổi phồng doanh thu để đánh bóng cho bộ phim và cũng để kích thích hiệu ứng xã hội. Nếu căn cứ vào doanh thu trên phương tiện truyền thông để thu thuế, thì chắc chắc phim Việt đều báo cáo thua lỗ!
hải quan
|