Thứ Năm, 17/04/2014 09:46

Quản lý hàng gia công: Thông tư mới, bất cập vẫn còn

Ngày 10/3/2014, Thông tư 13/2014/TT-BTC quy định thủ tục hải quan đối với hàng gia công với thương nhân mước ngoài có hiệu lực phần nào đã khắc phục những hạn chế của Thông tư 117/2011/TT-BTC. Tuy nhiên, qua hơn 1 tháng triển khai vẫn tồn tại những bất cập...

Theo đánh giá của hải quan và DN, các quy định của Thông tư 13 có phần cởi mở hơn so với Thông tư 117. Cụ thể như cho phép DN được điều chỉnh định mức sau khi XK sản phẩm; bỏ quy định lấy mẫu hàng gây phiền hà cho DN. Bên cạnh đó, Thông tư quy định mở rộng về địa điểm làm thủ tục hải quan nhằm tạo thuận lợi cho DN. Cụ thể, ngoài việc quy định DN phải thực hiện hợp đồng gia công tại nơi có cơ sở sản xuất, DN còn được làm thủ tục hải quan tại cơ sở sản xuất nơi gia công lại trong trường hợp thuê gia công nội địa và trường hợp tại nơi thương nhân có cơ sở sản xuất không có tổ chức hải quan thì thương nhân được lựa chọn một chi cục hải quan thuận tiện thuộc cục hải quan tỉnh, thành phố để đăng ký làm thủ tục.

Vẫn còn bất cập

Theo quy định của Thông tư 13, trường hợp thương nhân đã bị xử phạt gian lận định mức trong thời hạn 365 ngày kể từ ngày ra quyết định xử phạt, quá thời gian này DN sẽ bị kiểm tra định mức. Tuy nhiên, Thông tư lại không quy định cụ thể là kiểm tra như thế nào, theo tỷ lệ hay phải kiểm tra tất cả các mã sản phẩm XK. Nếu kiểm tra tất cả các mã sản phẩm XK của DN trong 365 ngày, cơ quan Hải quan sẽ không đủ người và thời gian để kiểm tra đối với những trường hợp DN có khối lượng mã sản phẩm XK lớn, thường xuyên.

Bên cạnh đó, về thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK tại chỗ, DN sẽ thực hiện thủ tục XK tại chỗ và áp dụng quản lý rủi ro trước; thủ tục NK tại chỗ sau. Nếu có dấu hiệu nghi vấn thương nhân giao, nhận hàng hóa không đúng với khai trên tờ khai hải quan sẽ tiến hành kiểm tra thực tế. Tuy nhiên, cách này sẽ không thực hiện được đối với thủ tục hải quan điện tử vì hệ thống thực hiện phân luồng tự động ngay khi tờ khai được cấp số. Lúc này chỉ có thể dùng biện pháp can thiệp dừng thông quan để kiểm tra. Tuy nhiên đối với hệ thống VNACCS/VCIS mới triển khai từ tháng 4/2014, việc can thiệp này cũng không thực hiện được.

Ngoài ra, Thông tư quy định về thanh khoản hợp đồng gia công, thời hạn nộp hồ sơ thanh khoản là chậm nhất 15 ngày làm việc, kể từ ngày hợp đồng gia công kết thúc hoặc hết hiệu lực, thương nhân có văn bản để nghị Chi cục hải quan quản lý hợp đồng gia công phương án giải quyết nguyên liệu, vật tư dư thừa; máy móc, thiết bị thuê, mượn; phế liệu, phế phẩm, phế thải và được Chi cục hải quan nơi quản lý hơp đồng gia công xem xét, chấp thuận theo đề nghị của thương nhân. Quy định này được cho là không sát với thực tế vì vào thời điểm này, DN chưa nộp hồ sơ thanh khoản nên cơ quan hải quan không thể xác định được số liệu để chấp thuận phương án xử lý của DN.

Về phía DN, do hợp đồng gia công được thực hiện 1 năm với số lượng tờ khai NK, XK lên đến hàng ngàn tờ khai, nên trong thực tế quy định trong 15 ngày xác định được cụ thể số lượng là rất khó. DN sẽ chỉ đưa ra phương án xử lý chung chung (như chuyển sang hợp đồng gia công khác), không chi tiết và chính xác. Như vậy, cơ quan hải quan khó có cơ sở xem xét chấp thuận, do thông tư cũng quy định một số nguyên liệu không được chuyển tiếp hợp đồng khác.

Kiến nghị của DN

Tại cuộc họp giữa đại diện các hiệp hội và DN: dệt may, da giày, thuỷ sản, điện tử với Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, các DN cho rằng chỉ nên thông báo định mức nguyên liệu chính, khi thanh khoản thì thanh khoản theo định mức thực tế sử dụng. Nên điều chỉnh định mức sau khi XK thay vì chỉ cho phép điều chỉnh định mức trước khi XK lô hàng.

Nên bỏ quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với các DN thực hiện nộp hồ sơ hoàn thuế không đúng 45 ngày cho từng tờ khai XK. Đại diện Hiệp hội Thuỷ sản cho rằng, việc DN bị phạt sẽ gây ảnh hưởng lớn tới uy tín của DN, mặt khác làm phát sinh thêm chi phí và tốn kém thời gian cho việc hoàn tất các thủ tục thanh khoản đúng thời gian quy định.

Trên thực tế, DN phải tự biết bộ hồ sơ hoàn thuế. Khi những tờ khai XK đã đủ chứng từ thanh toán thì mới được hoàn thuế, còn những tờ khai XK chưa đủ chứng từ thanh toán thì nộp hồ sơ hoàn thuế kèm theo bản cam kết xin nợ chứng từ thanh toán theo quy định và thực hiện nộp hồ sơ hoàn thuế chậm nhất trong vòng 45 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai XK cuối cùng…

Phía hải quan thì cho rằng, khi DN có dấu hiệu gian lận, phía hải quan sẽ tiến hành kiểm tra theo nguyên tắc xác suất rủi ro. Khi có dấu hiệu nghi vấn thương nhân giao, nhận hàng hóa không đúng với khai trên tờ khai hải quan, Chi cục Hải quan cung cấp thông tin cho Đội Kiểm soát Hải quan để áp dụng các biện pháp kiểm tra phù hợp.

Mai Linh

Diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Phá sản mục tiêu nội địa hóa (17/04/2014)

>   DN sản xuất phân bón: Gặp khó trong tiêu thụ (17/04/2014)

>   DN lại “đau đầu” với phí vận chuyển (17/04/2014)

>   Báo cáo kết quả thanh tra giá sữa lên Thủ tướng (17/04/2014)

>   Nâng tỉ lệ nội địa hóa ngành dệt may lên 55% (17/04/2014)

>   Nhật đầu tư vào logistics (17/04/2014)

>   TP.HCM đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế (16/04/2014)

>   Sản phẩm cơ khí, cao su cần hỗ trợ nâng cao giá trị gia tăng (16/04/2014)

>   Nghề cá Việt Nam: ngổn ngang và manh mún (16/04/2014)

>   Sẽ giám sát chặt hoạt động đầu tư của DNNN (16/04/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật