Thứ Hai, 07/04/2014 06:16

Giải quyết vấn đề sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng

Làm thế nào để giảm sở hữu chéo (SHC) trong đầu tư, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng đang là bài toán đau đầu của các nhà hoạch định chính sách. Vấn đề này dấy lên kể từ thời điểm giữa năm 2012, khi các cơ quan chức năng bảo vệ pháp luật tiến hành một số vụ bắt giữ những cá nhân từng là lãnh đạo cấp cao của một số ngân hàng thương mại (NHTM). Trong số những sai phạm và là nguyên nhân dẫn tới sự việc trên, nhiều chuyên gia cho rằng có liên quan đến tình trạng SHC giữa các doanh nghiệp (DN) và các NHTM.

Nhận diện sở hữu chéo

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI), lịch sử phát triển của nước nào cũng có SHC và đây là một xu thế tất yếu của giai đoạn đầu mới phát triển của những nước đang phát triển. Và Việt Nam không phải ngoại lệ. Thời kỳ đó khó có DN nào đủ sức để tạo lập một định chế tài chính lớn, trong khi số lượng DN lớn lại không nhiều. Vì vậy, họ thường phải huy động lẫn nhau để tạo thành một định chế tài chính ngân hàng có mức vốn đủ theo quy định của pháp luật. Hiện tượng này tồn tại ở mọi nền kinh tế và cũng có rất nhiều ưu điểm như tạo nguồn tài chính dồi dào, bền vững cho các bên hay giảm nguy cơ thâu tóm thù địch lẫn nhau. SHC không hề xấu như mọi người nghĩ, ngược lại, do người ta lợi dụng SHC để tìm kiếm lợi nhuận các nguồn vốn không phải là vốn tích lũy của ngân hàng, từ đó khuếch trương tiêu cực của SHC.

Tính đến nay, tám trong chín ngân hàng yếu kém về cơ bản đã được xử lý hoặc có phương án tái cơ cấu. Trong đó, phần lớn các phương án xử lý đến từ việc cho phép một hoặc nhóm nhà đầu tư mới có tiềm lực tài chính tham gia sâu để bơm vốn vào NHTM yếu kém. Tuy nhiên, vấn đề SHC vẫn chưa được khắc phục khi nhìn vào cơ cấu sở hữu trước và sau khi thực hiện tái cấu trúc của một số NHTM yếu kém có thể dễ dàng nhận thấy tình trạng "bình mới rượu cũ". Biểu hiện qua việc dù đã được tái cấu trúc nhưng cơ cấu sở hữu của NHTM vẫn không thay đổi. Cụ thể: Các nhóm cổ đông chiến lược đã nắm quyền kiểm soát và chi phối hoạt động của một NHTM nhưng khi được sáp nhập với NHTM khác thì nhóm cổ đông trên vẫn tiếp tục nắm quyền kiểm soát của ngân hàng đó. Như vậy, tình trạng SHC không thay đổi nhiều sau tái cấu trúc.

Các chuyên gia đều cho rằng, không quá khó để nhận diện SHC.Trước đây, hoạt động này diễn ra dưới nhiều hình thức, trong đó một hiện tượng khá phổ biến là các công ty con của ông chủ phát hành trái phiếu rồi ngân hàng mẹ mua. Sau đó chuyển cho ông chủ ngân hàng để góp vốn vào ngân hàng mẹ. Đây là vấn đề nhức nhối nhất. Chính điều này tạo ra những tiêu cực khác. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa các NHTM cổ phần với các tập đoàn tư nhân ngày càng trở nên phức tạp. Nhiều NHTM có thể được sở hữu bởi nhiều công ty gia đình hoặc các thành viên gia đình. Các mối quan hệ SHC càng phức tạp bao nhiêu thì rủi ro hệ thống càng tăng lên bấy nhiêu.

Chặn rủi ro từ sở hữu chéo

Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng thừa nhận, SHC, đầu tư chéo trong hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đang có xu hướng diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro và ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của từng TCTD nói riêng, cũng như toàn hệ thống TCTD nói chung, cản trở nhất định đến quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD.Để hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng SHC trong hệ thống các TCTD, NHNN đã xác định mục tiêu xử lý SHC là góp phần bảo đảm cho hoạt động của các TCTD an toàn, lành mạnh và minh bạch; phản ánh đúng thực chất năng lực tài chính của TCTD và hệ thống các TCTD.Tuy nhiên, SHC trong hệ thống các TCTD Việt Nam là vấn đề có tính lịch sử không thể giải quyết ngày một, ngày hai.

Giải pháp then chốt để có thể ngăn chặn rủi ro từ SHC được TS Lê Xuân Nghĩa đưa ra, đó là việc đưa cấu trúc sở hữu về một cấu trúc theo đúng quy định của Luật các TCTD.Đây là việc làm cần thiết nhưng phải có thời gian. Trước mắt, NHNN duy trì kiểm tra liên tục, chặt chẽ, bảo đảm các ông chủ rút dần vốn của mình về đúng mức quy định của pháp luật mà không gây khó khăn, đổ bể cho hệ thống ngân hàng. Sẽ có nhiều cách để thực hiện việc này, nhưng ông Nghĩa nhận thấy, cách làm tốt nhất thời điểm hiện nay là nên cho phép các ông chủ ngân hàng công khai sở hữu của họ và NHNN ra thời hạn để họ thoái vốn một cách tự nguyện như bán cổ phần cho cổ đông khác. Trong trường hợp họ không tự làm được, NHNN sẽ tìm kiếm khách hàng giúp họ thoái vốn hoặc có biện pháp cứng rắn hơn đối với những ông chủ này. Nhưng quan trọng là hệ thống giám sát phải sắc sảo, nghiêm khắc để không ai có cơ hội lợi dụng SHC, tạo ra rủi ro lớn cho hệ thống tài chính.

Đồng quan điểm, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, chẳng có cách nào khác là phải tăng cường thanh tra và NHNN phải có hệ thống thông tin chuẩn để chặn đứng hiện tượng cho vay sân sau của các NHTM.Kinh nghiệm ở nước ngoài cho thấy, để hạn chế rủi ro phát sinh của SHC, cần xử lý từng bước với các giải pháp đồng bộ. Đó là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan nhằm hạn chế tình trạng SHC.Cơ chế, chính sách buộc các TCTD công khai, minh bạch danh sách cổ đông, xử lý nghiêm việc mượn danh, mạo danh cổ đông cũng cần được thực hiện rốt ráo. Ngoài ra, cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát, nhất là đối với hoạt động góp vốn, mua cổ phần; giám sát chặt chẽ quan hệ tín dụng của những cổ đông và người có liên quan tại các TCTD; theo dõi, giám sát chặt chẽ việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần trên thị trường chứng khoán...

Việt Phong

Nhân dân

Các tin tức khác

>   Ngân hàng dự báo lợi nhuận 2014 tăng trên 5% (06/04/2014)

>   DNVVN khu vực châu Á cần nguồn vốn phi ngân hàng (06/04/2014)

>   Nợ xấu thấp vì vắng bất động sản, chứng khoán và... đại gia (06/04/2014)

>   Hạn chế nợ xấu: Trở về nguyên tắc cho vay (06/04/2014)

>   VAMC thiếu "bảo kiếm", ngân hàng run rẩy lo nợ xấu "quay vòng" (06/04/2014)

>   Ngân hàng “đau đầu” với nợ xấu (05/04/2014)

>   Ông Trương Văn Phước: Không nhanh chóng bơm tiền sẽ mất cơ hội (05/04/2014)

>   Lãi suất liên ngân hàng VNĐ tăng ở hầu hết các kỳ hạn (04/04/2014)

>   Năm 2014, NHNN sẽ cấp phép thành lập 2-3 tổ chức tài chính vi mô (04/04/2014)

>   Sửa đổi Thông tư 13: Loại trừ vốn ảo khỏi ngân hàng (04/04/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật