Hạn chế nợ xấu: Trở về nguyên tắc cho vay
Ở các tiệm cầm đồ, khách hàng khi đến giao dịch, chủ tiệm cầm đồ chỉ quan tâm đến tài sản bảo đảm (TSBĐ) có đủ giá trị cho nhu cầu vay của khách hàng hay không chứ không quan tâm đến khách hàng vay để làm gì, nguồn trả nợ từ đâu, thậm chí còn mong khách hàng không đến trả nợ để lấy luôn TSBĐ. Vì chủ tiệm hầu hết chỉ cho vay khoảng 30-40% giá trị TSBĐ, lấy được TSBĐ của khách hàng coi như quá hời.
Ngân hàng khác tiệm cầm đồ ở chỗ: trong việc cấp tín dụng, có hai nguyên tắc cho vay cơ bản đó là mục đích sử dụng vốn vay và nguồn trả nợ. Với lợi thế về quy mô, hệ thống, trình độ nguồn nhân lực nên ngân hàng có khả năng thẩm định được mục đích sử dụng vốn vay và nguồn trả nợ mà chủ tiệm cầm đồ không thể làm được dù có muốn. Vì thế, nguồn vốn của ngân hàng cho khách hàng vay được sử dụng hợp lý hơn, hiệu quả hơn tiệm cầm đồ.
Hiệu quả của việc sử dụng vốn lại dẫn đến hiệu quả của nền kinh tế. Đương nhiên, ngân hàng cũng phải yêu cầu về TSBĐ để khi xảy ra rủi ro khách hàng không trả được nợ thì TSBĐ cũng được xem là nguồn trả nợ. Nhưng nguồn trả nợ từ việc xử lý TSBĐ chỉ là thứ yếu, nguồn trả nợ từ dòng tiền của dự án đầu tư, thu nhập của khách hàng mới là chính yếu.
Tiếc thay, với sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa mấy chục ngân hàng thương mại cổ phần, với sự tăng tốc mạnh mẽ của nền kinh tế giai đoạn 2005-2007, và gói kích cầu năm 2009, hai nguyên tắc cho vay này đã bị xem nhẹ nhường chỗ cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng, tối đa lợi nhuận. Thế nên mới có chuyện, nhân viên tín dụng để làm hồ sơ nhanh cứ hỏi khách hàng câu TSBĐ trị giá bao nhiêu, cấp quản lý để xét duyệt nhanh cũng tập trung vào TSBĐ. Nếu chỉ hoạt động như thế thì khác gì tiệm cầm đồ, cần gì đến quá trình đào tạo nghiệp vụ để có năng lực thẩm định dự án kinh doanh.
Để hạn chế nợ xấu, các ngân hàng phải trở về với các nguyên tắc cho vay, đó mới là giải pháp căn bản nhất.
Nguyễn Đức Toàn
TBKTSG
|