Xu thế dòng tiền: Đầu cơ rủi ro đang là “mốt”
Tuần giao dịch vừa qua chứng kiến nhiều bất ngờ, mà nổi bật là cú sụt mạnh ngày 3/3, tiếp đến là trạng thái bán ròng lớn của nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên các chuyên gia trong toạ đàm hàng tuần “Xu thế dòng tiền” mà VnEconomy phỏng vấn vẫn tỏ thái độ tích cực, duy trì mức phân bổ danh mục tương tự tuần trước, bất chấp xuất hiện những quan ngại về dấu hiệu xấu đi của thị trường từ góc độ kỹ thuật.
Tuần qua cũng xác nhận dấu hiệu dịch chuyển dòng tiền một cách rõ ràng hơn sang các cổ phiếu nhỏ, nhưng 4/5 chuyên gia đánh giá rằng đó chỉ là trào lưu đầu cơ ngắn hạn trong thời điểm thị trường chững lại, các blue-chips suy yếu.
Hưng phấn đạt đỉnh, dòng tiền suy giảm
VN-Index đã không thể chinh phục đỉnh cao mới trong tuần này, thậm chí 4 phiên nỗ lực tăng điểm cũng không lấy lại được hết mức giảm của phiên ngày 3/3. Đóng cửa tuần VN-Index vẫn giảm 6,73 điểm, khoảng 1,1% so với cuối tuần trước. Quy mô giao dịch khớp lệnh cũng giảm chỉ còn hơn 13.300 tỷ đồng cả tuần. Theo anh chị đâu là nguyên nhân khiến quy mô giao dịch có xu hướng giảm như vậy, mặc dù không có thêm các thông tin tiêu cực?
Theo tôi chính phiên điều chỉnh thanh khoản lớn vào ngày 27/2 đã chấm dứt nỗ lực tăng điểm tăng điểm trong ngắn hạn của toàn thị trường.
Bên ngoài thông tin chính trị bất ổn trên thế giới thì việc điều chỉnh cũng đã được dự báo trước kể từ đầu tuần mặc dù việc test quay trở lại ngưỡng 595 điểm đã không xảy ra. Thị trường trước khi vượt tới các mốc kháng cự cao hơn cần có những phiên điều chỉnh đi xuống tạo đà để thu hút lực cầu từ các nhà đầu tư.
Việc điều chỉnh này hoàn toàn mang yếu tố kỹ thuật phản ánh tâm lý nhà đầu tư. Cụ thể khi việc điều chỉnh tạo đáy kép ngược lên thanh khoản phải thấp còn nếu thanh khoản lớn thì sẽ diễn ra sự bán mạnh thì rõ rằng xu hướng tăng trở lại ngắn hạn sẽ bị nghi ngờ.
Như vậy, thanh khoản sụt giảm trong hiện tại thứ nhất là phản ánh việc nhà đầu tư gia tăng việc nắm giữ cổ phiếu, không bán ra. Thứ hai là sự chuyển dịch của dòng tiền ngắn hạn chạy sang các cổ phiếu nhỏ chứ không phải cổ phiếu blue-chips hay mid cap nên thanh khoản của thị trường đạt mức thấp hơn là đương nhiên.
Tôi lấy mốc cho đợt tăng trưởng này là ngày 2/1/2014. Nhìn lại có thể thấy rõ vai trò dẫn sóng của nhóm cổ phiếu cơ đầu ngành như PVS, TCM, SSI… những cổ phiếu đã bứt phá trước ngày 2/1 kể trên khoảng 3 tuần. Sau phiên phân phối vào ngày 20/2, các chỉ số thị trường vẫn tiếp tục đi lên nhưng thanh khoản thị trường dần giảm xuống, và đáng chú ý là các cổ phiếu dẫn sóng nói trên cũng gần như tạo đỉnh đúng vào ngày 20/2 kể trên.
Đó chính là hiện tượng dòng tiền đang có xu hướng đi ra. Không có một thông tin cụ thể nào tác động tiêu cực để gây ra hiện tượng này. Điều tiêu cực nhất chính là sự hưng phấn của “đám đông”, trong đó trào lưu đầu cơ rủi ro của các phiên gần đây là kết quả mới nhất từ sự hưng phấn này.
Tôi tin rằng thị trường chứng khoán sẽ tốt dần lên trong 2-3 năm tới, nhưng ngắn hạn, khi niềm tin và sự hưng phấn dâng lên quá cao, một sự rũ bỏ tất yếu sẽ diễn ra.
Theo tôi điều khác biệt của phiên 3/3 so với 2 lần giảm mạnh khối lượng lớn trước đó là giá vốn bình quân của toàn thị trường ở mặt bằng cao. Người mua lần đầu tiên đối mặt với thua lỗ, còn người bán hầu như đã đạt được kỳ vọng và đang tìm một lý do mới để mua trở lại, vì vậy lực cầu giai đoạn này đã phần nào chững lại.
Bên cạnh đó, một lực lượng không nhỏ nhà đầu tư đang kỳ vọng một sự điều chỉnh rõ ràng hơn nên chưa vội vàng mua trở lại.
Quy mô dòng tiền đã tăng liên tục trong các tuần trước đó, do vậy kỳ vọng giá trị giao dịch thiết lập đỉnh cao mới rất khó xảy ra ngay trong ngắn hạn.
Tôi cho rằng, cùng với phiên sụt giảm mạnh ngày 3/3, động thái khối ngoại liên tiếp bán ròng đã khiến một số nhà đầu tư giữ quan điểm thận trọng trong quyết định giải ngân.
Tâm lý thận trọng khiến vòng quay tiền trong thị trường giảm, và đây có thể là nguyên nhân chính khiến quy mô giao dịch thấp hơn các tuần trước.
Trạng thái đi ngang của chỉ số đã được dự báo từ tuần trước và thị trường cần có thời gian tích lũy cần thiết ở độ cao quanh 570-590 điểm trước khi có diễn biến mới.
Sự điều chỉnh ngắn hạn sẽ giúp cho thị trường bớt nóng và giảm bớt lượng hàng dùng đến margin của các công ty chứng khoán. Chính vì vậy, quy mô giao dịch đã giảm xuống đáng kể trong tuần vừa qua trong sự thận trọng trở lại của cả bên mua và bán.
Rủi ro trào lưu đầu cơ ngắn hạn
Xu thế chuyển hướng của dòng tiền sang các cổ phiếu nhỏ đã trở nên rõ nét hơn nhiều trong tuần này. Các cổ phiếu này đạt mức sinh lời vượt xa các blue-chips. Nhiều cổ phiếu nhỏ đã xuất hiện thanh khoản đột biến mạnh. Liệu đây có phải chỉ là một xu thế ngắn hạn của dòng vốn đầu cơ, khi mà thực tế các cổ phiếu dạng này không có yếu tố hỗ trợ cụ thể nào?
Thực tế, các cổ phiếu vừa và nhỏ đạt mức sinh lời hơn nhóm bluechips trong cả nhịp sóng vừa qua. Cảm giác về sự chênh lệch đó càng rõ khi tuần vừa rồi những cổ phiếu được cho là cơ bản đi xuống, nhiều mã “new low” (tạo đáy sâu mới), trong khi nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ lại tăng.
Quan điểm của tôi rất đơn giản: “Khi nhà đầu tư vẫn kiếm được tiền từ nhóm cổ phiếu nào thì sự thu hút dòng tiền vào nhóm đó vẫn còn”, tôi không phân biệt đó là xu thế đầu cơ hay đầu tư.
Đầu cơ rủi ro đang là “mốt”. Nhận thấy điều này từ sớm nên ngay từ 2 kỳ trước, tôi đã có nêu về việc “điều vốn” sang nhóm cổ phiếu có tính rủi ro cao này.
Các cổ phiếu có tính đầu cơ cao đang có thanh khoản gấp 2-3 lần so với tháng trước đó, và đây chính là câu trả lời rõ nhất cho xu thế ngắn hạn này của thị trường.
Trong bối cảnh hai quỹ lớn ETF là VNM và FTSE bán ròng các cổ phiếu bluechips là chủ yếu, dòng tiền đầu cơ đã không chọn phương án trú ẩn vào các cổ phiếu này và hệ quả là có sự chuyển dịch từ các bluechips đang ở mặt bằng giá cao sang các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có mức giá còn khá thấp.
Các thông tin về doanh thu và lợi nhuận của các cổ phiếu này cần được kiểm chứng sau khi Quý I khép lại, vì vậy theo tôi sự hào hứng của dòng tiền vào các cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn chỉ là ngắn hạn.
Việc dịch chuyển dòng tiền sang các cổ phiếu nhỏ phản ánh sự phân hóa tạm thời của dòng tiền khi các cổ phiếu blue chips và mid cap đi vào giai đoạn điều chỉnh.
Diễn biến của dòng tiền chỉ là ngắn hạn và nhà đầu tư cũng nên thận trọng với việc tăng nhanh của các cổ phiếu nhỏ. Việc trading ngắn hạn những cổ phiếu này chỉ dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp và có kinh nghiệm khi mà kiểm soát tốt điểm ra điểm vào dựa trên phân tích kỹ thuật.
Theo tôi trong kỳ cơ cấu các quỹ ETF sắp tới, áp lực bán tại nhiều các blue-chips sẽ xuất hiện, đây có thể là lý do khiến nhiều nhà đầu tư tạm thời đứng ngoài, chờ đợi cơ hội mua vào ở vùng giá hấp dẫn hơn.
Bên cạnh đó, một số mã cố phiếu thị giá nhỏ hiện đang được định giá thấp so với mặt bằng chung thị trường, nên một phần dòng tiền đã có sự chuyển dịch và tìm kiếm lợi nhuận ở nhóm cổ phiếu này.
Quỹ ETF sẽ bán ròng bao nhiêu?
Quỹ FTSE cuối ngày thứ 6 đã công bố thay đổi danh mục và sắp tới sẽ thêm quỹ VNM. Anh chị đánh giá tác động của việc thay đổi này tới thị trường như thế nào? Thay đổi này liệu có liên quan đến việc khối ngoại quay sang bán ròng lớn trong tuần?
Trong tuần qua tôi quan sát thấy sự chủ động của dòng tiền ở những cổ phiếu không thuộc tầm ngắm của ETF. Vì vậy tôi cho rằng tác động của ETF giai đoạn hiện tại không còn nhiều như các kỳ review trước.
Thị trường hiện tại có nhiều cơ hội hơn, việc đi theo động thái ETF chỉ là một trong số những chiến lược mà nhà đầu tư có thể lựa chọn.
Hiện tượng bán ròng của ETF có thể tiếp tục trong tuần, nhưng đó chỉ là sự cơ cấu danh mục, dòng tiền này sẽ sớm tìm cách quay trở lại thị trường.
Quỹ FTSE đã công bố thay đổi danh mục, theo đó chỉ có trường hợp SBT bị loại ra và không thêm vào, có thể nói quỹ này sẽ không tạo ra quá nhiều ảnh hưởng đến thị trường trong kỳ cơ cấu này.
Với quỹ VNM, quỹ này sẽ công bố danh mục cơ cấu mới vào khoảng 4h sáng thứ Bảy ngày 15/2. Tôi tính toán rằng quỹ này cũng không thêm vào hay loại ra cổ phiếu nào. Trường hợp HPG đang thiếu điều kiện về room ngoại nhưng VNM nhiều khả năng vẫn giữ mã này trong danh mục do chưa thấy ứng viên tiềm năng thay thế (trong khi quỹ phải có tối thiểu 25 cổ phiếu – tương đương con số hiện tại).
Nhưng đáng chú ý hơn, tỷ trọng các cổ phiếu “trong nước” của VNM đang nhiều hơn so với mức chặn chuẩn. Tôi dự kiến kỳ cơ cấu này VNM sẽ bán ròng khoảng trên 200 tỷ đồng với nhóm cổ phiếu trong nước, bị bán nhiều nhất có thể là PVS, và mua vào chỉ có trường hợp HAG đáng chú ý.
Việc thay đổi tỷ trọng một số cổ phiếu và cùng với việc bán ròng của các quỹ ETFs dự báo tầm 300 – 400 tỷ VND cũng sẽ ảnh hưởng đôi chút đến diễn biến của thị trường. Một số cổ phiếu blue chips nằm trong danh mục bị giảm tỷ trọng sẽ có biến động giảm giá và điều này sẽ khiến chỉ số VN-Index điều chỉnh ít nhiều vào tuần tới.
Những kỳ cơ cấu danh mục gần đây của các quỹ ETF đều được nhà đầu tư nội đánh giá khá sát, do vậy tác động của các kỳ cơ cấu không còn mạnh và bất ngờ như giai đoạn 2011-2012.
Việc bán ròng của khối ngoại trong tuần vừa qua, theo tôi một phần đến từ quỹ DB FTSE ETF, nhưng bên cạnh đó cũng đã xuất hiện động thái cơ cấu lại danh mục của các quỹ khác. Điều này có thể nhận thấy thông qua diễn biến bán ròng liên tục với giá trị lớn tại HAG, hay động mua ròng tại một số cổ phiếu ngân hàng.
Hai tuần sắp tới là thời điểm hai Quỹ ETF sẽ tiến hành cơ cấu lại danh mục và theo như dự báo của tôi, xu hướng chung vẫn là bán ròng.
Tuy nhiên, việc bán ra của các quỹ ETF có thể là thước đo chuẩn xác giúp nhà đầu tư kiểm chứng dòng tiền nội và các nhà đầu tư ngoại khác có thể hấp thụ hết lượng cổ phiếu bán ra ở mặt bằng giá cao mới hay không.
Cơ cấu danh mục không đổi
Thị trường đã có chuyển biến khá bất ngờ tuần này và mặc dù có 4 phiên tăng giá, nhiều cổ phiếu, nhất là các blue-chips vẫn đang lỗ trong ngắn hạn. Hoạt động giao dịch của anh chị làm thay đổi cơ cấu danh mục như thế nào?
Tuần trước tôi giữ 80% cổ phiếu và nhận định nhóm chứng khoán có khả năng tăng mạnh. Tôi bảo lưu trạng thái này và tạm dừng mua mới.
Việc nắm giữ một số cổ phiếu blue chips triển vọng vẫn được ưu tiên cũng như vài cổ phiếu mid cap tiềm năng nhất thì tôi sẽ mạo hiểm đầu cơ vào 1, 2 mã cổ phiếu nhỏ cơ bản ổn để lướt sóng ngắn hạn tăng hiệu suất “ghi bàn” cho tổng danh mục chung. Tỷ trọng cổ phiếu biến động giữa 60 – 70%.
Các cổ phiếu bluechips vẫn có sự hấp dẫn về việc chia thưởng tiền mặt và cổ phiếu khi mùa đại hội cổ đông đang đến gần. Vì vậy, tôi vẫn duy trì tỷ trọng bluechips/midcap/tiền mặt là 50/30/20 trong điều kiện giao dịch như hiện tại.
Như hai tuần gần nhất, tôi tiếp tục giành một phần nhỏ vốn để phiêu lưu với cuộc chơi đầu cơ thị giá thấp. Sau thành công ở nhóm cổ phiếu “đầu P” ở 2 tuần trước và nhóm chứng khoán nhỏ ở tuần gần nhất , tôi đang chú ý nhiều tới các trường hợp khác như DLG, MCG,HAR… Phần lớn dòng vốn ngắn hạn còn lại, để đảm bảo an toàn, tôi vẫn để ngoài thị trường.
Tôi sẽ tận dụng kỳ cơ cấu lại danh mục của các quỹ ETF để gia tăng tỷ trọng danh mục. Tuy nhiên tuần này tôi vẫn duy trì tỷ trọng cổ phiếu đầu tư ngắn hạn ở mức 20%.
Mô hình kỹ thuật điều chỉnh: Không quá lo
Trong 2 phiên cuối tuần, VN-Index đã không thể trụ lại trên mức 580 điểm mặc dù đã có lúc vượt qua ngưỡng này. Anh chị đánh giá thế nào về quan ngại chỉ số này đang hình thành mô hình giảm giá trong ngắn hạn?
Tôi cho rằng tuần tới chỉ số VN-Index sẽ tạo đáy nhỏ thứ 2 với việc điều chỉnh ở 2 phiên đầu tuần và kỳ vọng vào việc hồi phục trở lại với giao dịch sôi động ở các phiên cuối tuần. Chỉ số VN-Index sẽ biến động quanh ngưỡng 580 điểm (+/- 5 điểm). Thị trường Gấu sẽ chiếm ưu thế trong tuần tới.
Với những nhìn nhận xuyên suốt thời gian 1-2 tuần qua, tôi vẫn tiếp tục cho rằng khả năng thị trường đã tạo một vùng đỉnh ngắn hạn, xác suất bứt phá tiếp của thị trường khá thấp.
Những mẫu hình giảm giá kinh điển (vai-đầu-vai với VN-Index, 2 đỉnh với HNX-Index) có thể sẽ được hình thành và cảnh báo giai đoạn khó khăn trong tháng 3 này.
Tuy nhiên, ở một kịch bản khác, nếu những hỗ trợ 565 của VN-Index và 79 của HNX-Index không bị phá vỡ, có thể thị trường sẽ hình thành một dải dao động hẹp với những sự phân hóa mạnh giữa các nhóm cổ phiếu.
Kể từ đầu năm, VN-Index đã tăng khoảng 15% còn HNX-Index tăng trên 20%, với tốc độ tăng nhanh như vậy thì diễn biến điểu chỉnh giảm của các chỉ số là cần thiết và không cần quá lo ngại.
Tôi cho rằng, giai đoạn điều chỉnh luôn là cơ hội tốt để nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục, lựa chọn các cổ phiếu phù hợp cho chu kỳ tăng trưởng mới.
Hiện tại trạng thái các cổ phiếu trên thị trường rất phân hóa, có những nhóm vượt đỉnh, nhóm chạm đỉnh cũ và một nhóm giảm mạnh. Khi vẫn còn sự phân hóa như vậy thì dòng tiền vẫn được nuôi dưỡng.
Vì thế mặc dù đồ thị VN-Indexcó vẻ như đang ở đỉnh vai phải, gây lo ngại về xu hướng giảm giá trong ngắn hạn, tôi đánh giá thị trường vẫn có thể tăng thêm 1 nhịp nữa. Tuy nhiên, tuần tới sẽ là tuần giao dịch nhiều hấp dẫn và như nhiều cạm bẫy, đòi hỏi nhà đầu tư phải hết sức tỉnh táo.
Tôi vẫn giữ quan điểm thị trường sẽ đi ngang tích lũy nhiều hơn việc biến động tăng giảm mạnh trong ngắn hạn. Sự biến động mạnh nếu có dường như chỉ xảy ra sau tuần cơ cấu lại danh mục của các quỹ ETF.
Nguyễn Hoàng
Vneconomy
|