Thái Lan không thể bán tháo gạo
Nếu bán tháo gạo dự trữ, Thái Lan sẽ bị thua lỗ nặng.
Mấy ngày gần đây rộ lên thông tin Thái Lan bán tháo hàng chục triệu tấn gạo với giá rẻ cho Trung Quốc, Philippines… Ngay lập tức các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo Việt Nam lo ngại và dự báo tình hình thị trường sẽ khó khăn, xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Gạo Thái khó bán tháo
tình hình chính trị bất ổn ở Thái lan đã thu hút sự quan tâm của thế giới từ nhiều tháng nay nhưng việc bán tháo kho gạo dự trữ khổng lồ (là nguyên nhân sâu xa rất quan trọng dẫn đến sự bất ổn này) chỉ mới rộ lên gần đây. Tuy nhiên, khả năng kịch bản rất xấu này sẽ không xảy ra.
Theo logic thông thường, bán tháo có nghĩa là đẩy ra thị trường một lượng hàng hóa lớn hơn nhiều so với trước đó và giá bán cũng phải rẻ bất ngờ. Thế nhưng cho tới thời điểm này vẫn chưa đủ chứng cứ xác đáng để khẳng định điều đó.
Thứ nhất, giữa lời nói và việc làm vẫn đang còn khoảng cách. Trước hết, điều mà có thể mọi người đều rõ là nhà chức trách Thái Lan đã từng tuyên bố: Trong quý I-2014 này sẽ bán 1 triệu tấn gạo mỗi tháng. Tuy nhiên, trên thực tế tính đến ngày 10-3 này mới có 1,36 triệu tấn gạo được chào bán. Như vậy nếu tính cả gần 500.000 tấn gạo dự kiến sẽ tiếp tục được chào bán cùng trong tháng 3 này thì tổng lượng cũng chỉ là 1,86 triệu tấn, tức là vẫn thấp hơn một trời một vực so với mục tiêu.
Nếu giả định rằng toàn bộ lượng gạo này đều được bán hết và đều được đẩy ra thị trường thế giới thì với nhịp độ này, cả năm nay Thái lan cũng chỉ xuất khẩu được 7,4 triệu tấn gạo. Tuy nhiên, giả định này chắc chắn không đúng bởi hiện chỉ mới có 1 triệu tấn trong 1,36 triệu tấn gạo chào bán được chỉ định xuất khẩu.
Bên cạnh đó, một thông tin khác cũng của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy tính đến tháng 3-2014 này, tổng lượng gạo trắng xuất khẩu của Thái lan chỉ mới đạt 611.000 tấn, vẫn còn giảm 27,9%.
Thứ hai, vấn đề mấu chốt là liệu Thái lan có bán tháo gạo trong những tháng tới?
Có nhiều lý do để cho rằng kịch bản này không xảy ra. Trước hết xét trên tổng thể, giảm mạnh giá đối với gạo cùng loại của các đối thủ cạnh tranh chưa bao giờ là ưu thế của Thái lan, cho nên việc bảo đảm chất lượng để giữ giá cao hơn như lâu nay và đẩy ra thị trường thế giới từ từ mới là thượng sách. Phải kiểm chứng thông tin nói Thái Lan bán gạo giá dưới 400 USD/tấn, vì đây là giá xuất kho, còn chi phí bốc lên phương tiện, vận chuyển ra cảng, bốc hàng lên cảng cộng lợi nhuận của nhà xuất khẩu Thái Lan, cũng không ngoại trừ khả năng đây là gạo cũ tồn kho lâu ngày, chắc chắn còn chi phí chế biến lại, lau bóng lại nên giá sẽ còn lên cao hơn. Bởi lẽ cho dù là chính phủ nào lên cầm quyền tới đây thì lợi ích quốc gia vẫn là tối thượng cho nên sau khi giảm giá là giải pháp chẳng đặng đừng để xoay xở bằng được khoản tiền trả nợ nông dân thì giai đoạn ổn định và đẩy giá gạo lên sẽ được khởi động. Rất có thể vì những lý do như vậy mà một DN xuất khẩu gạo có tiếng của Thái Lan cho rằng Thái lan sẽ phải mất khoảng năm năm để giải quyết kho gạo hiện nay.
Xin đừng phán… để tư lợi
Nói tóm lại, bán tháo kho gạo dự trữ khổng lồ không khác gì “tự bắn vào chân mình” vì rất có thể sẽ khiến thị trường gạo thế giới sụp đổ và chính Thái Lan sẽ bị thua lỗ nhiều nhất nên kịch bản từ từ sẽ được người Thái ưu tiên lựa chọn.
Một số DN xuất khẩu gạo nước ta có ý kiến rằng Trung Quốc sẽ yêu cầu phía Việt Nam phải giảm giá do áp lực từ việc bán gạo của Thái Lan.
Đồng ý xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ gặp khó khăn vì lâu nay Việt Nam xuất khẩu gạo phụ thuộc vào các thị trường truyền thống ở châu Á và khả năng xuất khẩu năm nay sang những thị trường này tiếp tục khó. Tuy nhiên, việc Thái Lan sẽ xả kho gạo tạm trữ nhưng họ bán thế nào mới là vấn đề. Nói thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam ảnh hưởng bởi việc Thái Lan xả kho tạm trữ ở thời điểm này là làm hại nông dân, ảnh hưởng đến giá lúa vì lúa đã trồng rồi và sắp thu hoạch.
Thu mua tạm trữ chỉ có lợi cho doanh nghiệp
Thông tin lúa gạo Thái Lan bán tháo có thể ảnh hưởng lớn đến giá gạo và nông dân, đặc biệt là với chính sách thu mua tạm trữ thì DN càng được hưởng lợi. Theo GS Võ Tòng Xuân, việc mua tạm trữ lúa gạo tiếp tục được thực hiện chỉ là giúp nông dân bán được lúa nhưng với giá thấp. Trong khi đó DN nhận tiền được hưởng ưu đãi lãi suất, còn việc thu mua phần lớn để cho thương lái làm, giá thấp hay mua chậm thế nào không quan tâm. Đến khi mua xong rồi chờ giá lên để bán kiếm lời. Vì thế chính sách này nhiều năm vẫn thế, không mang cái lợi nào cho nông dân. Chính phủ phải bắt buộc DN mua lúa cho nông dân theo hướng có lãi 30% và nếu DN lỗ thì Chính phủ cũng phải gánh khoản này.
QUANG HUY
|
Nguyễn Đình Bích
pháp luật tphcm
|