Gót chân Achilles của cây bắp trong nước
Số liệu thống kê cho thấy, liên tục trong ba tháng gần đây, lượng bắp nhập khẩu đạt kỷ lục chưa từng có, 472.000 tấn trong tháng 12 năm ngoái và kỷ lục này còn tiếp tục được đẩy lên 580.000 tấn trong tháng 1 và ước 676.000 tấn trong tháng 2 vừa qua. Nếu chỉ tính hai tháng đầu năm nay thì lượng bắp nhập khẩu đã bằng 57,4% tổng lượng nhập khẩu của cả năm 2013.
Nhập... để dành làm thức ăn chăn nuôi
Nguyên nhân của tình trạng tăng đột biến hẳn nhiên là do nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi rất lớn mà sản xuất bắp trong nước từ nhiều năm nay đã không thể đáp ứng được. Tuy nhiên, gần như chắc chắn đây là sự gia tăng quá đà. Bởi lẽ, cho dù có sự mất cân đối về cung-cầu trong nước thì cũng không đến mức phải nhập nhiều đến như vậy, nhất là khi tổng sản lượng bắp trong nước năm 2013 cũng đã đạt kỷ lục chưa từng có với gần 5,2 triệu tấn, tăng 11,8% so với năm 2012. Nguyên nhân của việc tăng quá đà này có vẻ bắt nguồn từ yếu tố động lực kinh tế thúc đẩy nó.
Giá bắp nhập khẩu trong năm 2011 đạt 336 đô la Mỹ/tấn. Năm 2012 giảm nhẹ xuống 310 đô la Mỹ/tấn. Tháng 2-2013 đạt kỷ lục 375 đô la Mỹ/tấn nhưng sau đó đã giảm dần và đến tháng 12 giảm rất mạnh xuống chỉ còn 272 đô la Mỹ/tấn. Diễn biến giá trong năm 2014 vẫn theo xu hướng giảm (tháng 1 giảm xuống 260 đô la Mỹ/tấn và tháng 2 ước đạt 259 đô la Mỹ/tấn). Như vậy, giá bắp hiện nay đã giảm 176 đô la Mỹ, tương ứng 31% so với kỷ lục 375 đô la Mỹ/tấn cách đây đúng một năm.
Cho dù dịch cúm gia cầm đang hoành hành, nhu cầu thức ăn chăn nuôi chắc chắn đang chững lại, nhưng có vẻ như các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn tranh thủ nhập khẩu những khối lượng bắp khổng lồ với giá rất rẻ để chờ tăng tốc sản xuất thức ăn chăn nuôi khi dịch qua đi.
Bài toán năng suất
Các số liệu thống kê và dự báo gần đây nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy nguyên nhân của tình trạng mất giá và xu hướng giá thế giới. Đó là, niên vụ 2012-2013 vừa qua thế giới mất mùa bắp tới hơn 23 triệu tấn, nhưng nhu cầu tiêu dùng bắp để sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn tăng nhẹ, trong khi niên vụ 2013-2014 thế giới được mùa kỷ lục gần 104 triệu tấn, còn tiêu dùng bắp cho sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng tăng kỷ lục gần 58 triệu tấn, nhưng dự trữ bắp thế giới vẫn tăng mạnh. Như vậy, rất có thể giá bắp thế giới trong những tháng tới sẽ còn tiếp tục đứng ở mức thấp như hiện nay, thậm chí có thể còn tiếp tục giảm, trước khi các tổ chức quốc tế có những dự báo mới về triển vọng sản xuất bắp niên vụ sau.
Xét về trung hạn, các dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, giá bắp năm 2015 sắp tới sẽ nhích lên 235 đô la Mỹ/tấn và 10 năm tiếp theo gần như sẽ ổn định ở mức này.
Trong bối cảnh như vậy, đương nhiên ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi và các nhà chăn nuôi nước ta năm nay sẽ “dễ thở hơn”, nhưng những nông dân trồng bắp sẽ phải đối mặt với một năm đầy khó khăn. Các thông tin từ vùng ĐBSCL cho thấy, giá bắp hiện đã “rơi tự do” xuống chỉ còn 3.800 đồng/ki lô gam.
Không những vậy, nếu như những dự báo của WB là đúng, khó khăn này của nông dân trồng bắp nước ta sẽ còn triền miên trong nhiều năm tới, thậm chí diện tích và sản lượng bắp có thể còn giảm.
Sở dĩ như vậy là bởi lẽ, cho dù bắp sản xuất trong nước có chất lượng tốt hơn nhiều, nhưng năng suất hiện vẫn còn quá thấp, cho nên không thể cạnh tranh với bắp nhập khẩu ngay trên “sân nhà”. Hiện năng suất bắp của nước ta năm 2012 chỉ mới đạt gần 4,3 tấn/héc ta, vẫn còn thấp hơn 0,65 tấn so với năng suất bình quân của thế giới.
Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, đây chính là “gót chân Achilles” của ngành trồng bắp nước ta và chỉ khi khắc phục được thì cây bắp mới có chỗ đứng vững chắc để giành lại “sân nhà đã bị xâm lấn” ngày càng mạnh trong 10 năm trở lại đây.
Nguyễn Đình Bích
tbktsg
|