Thứ Năm, 13/03/2014 22:29

Mùa tôm mới trĩu nặng khó khăn

Nông dân các tỉnh ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tất bật bước vào vụ thả nuôi tôm mới.

Chăm sóc tôm nuôi. Ảnh minh họa, nguồn: internet.

Tuy nhiên, ngay từ đầu năm do thời tiết bất lợi, nên trên nhiều diện tích tôm nuôi, dịch bệnh đã có dấu hiệu diễn biến phức tạp. Thêm vào đó, thiếu con giống chất lượng, nguy cơ dịch bệnh và giá cả vật tư đầu vào tăng cao vẫn đang làm “khó” cho các hộ nuôi.

Khó khăn vẫn chồng chất

Theo kế hoạch, năm 2014 diện tích nuôi tôm nước lợ khoảng 680.000 ha, với sản lượng ước đạt 570.000 tấn. Mặc dù, mới bước vào đầu vụ nuôi nhưng dịch bệnh tôm đã bắt đầu xuất hiện ở một số vùng, ông Bùi Đức Quý, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng Thủy sản (Tổng Cục Thủy sản) cho biết, với diễn biến thời tiết thất thường như hiện nay, các hộ nuôi tôm sẽ còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Trần Văn Tiến, một hộ nuôi tôm ở Khánh Hòa cho biết, mới bước vào vụ tôm 2014, gia đình ông thả nuôi 400.000 con giống, nhưng mới được 25 ngày tuổi thì tôm bị dịch bệnh chết sạch, thiệt hại hơn 50 triệu đồng.

Trước nguy cơ về dịch bệnh, các hộ nuôi tôm còn đang phải đối mặt với tình trạng thiếu tôm giống chất lượng. Hiện nay, ở ĐBSCL duy nhất chỉ có tỉnh Bạc Liêu là có nhiều cơ sở sản xuất tôm giống có quy mô lớn, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu thả nuôi của nông dân. Còn lại hầu hết các tỉnh như Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh… đều thiếu con giống trầm trọng, phải trông chờ vào nguồn giống nhập từ nơi khác về, đặc biệt là các tỉnh miền Trung. Chính nhu cầu tăng cao như vậy đã khiến nguồn giống trôi nổi tìm cách len lỏi vào các vùng nuôi tôm theo cả đường bộ lẫn đường thủy mà cơ quan chức năng khó có thể kiểm soát chất lượng.

Ngoài vấn đề chất lượng con giống, nông dân ở ĐBSCL còn phải đối mặt với với hàng loạt khó khăn đã tồn tại nhiều năm nay như: hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, chưa có hệ thống kênh cấp, thoát nước riêng biệt… Chính vì vậy mà chỉ cần một hộ nuôi bị dịch bệnh, xả thải chưa xử lý ra môi trường là cả vùng có nguy cơ bị lây nhiễm.

Không những thế, ông Huỳnh Tấn Minh, một hộ nuôi tôm ở Phú Yên cho biết: "Bước vào vụ nuôi tôm năm nay, người nuôi tôm chúng tôi rất khó khăn vì thiếu vốn đầu tư cải tạo ao hồ và mua tôm giống chất lượng cao. Với diện tích 1 ha, lẽ ra tôi phải đầu tư hơn 60 triệu đồng để cải tạo hồ, sửa chữa bờ, mua tôm giống, nhưng tôi chưa biết tìm đâu ra vốn".

"Các năm trước, nhiều đại lý kinh doanh thức ăn nuôi tôm ở địa phương sẵn sàng ứng vốn trước để giúp người nuôi tôm sản xuất, nhưng năm nay do khó khăn nguồn vốn nên các đại lý không còn mặn mà. Do vậy, nhiều hộ nuôi tôm ở địa phương phải cắt giảm chi phí đầu tư cải tạo hồ... ", ông Minh cho hay.

Tăng cường hỗ trợ

Để đảm bảo kế hoạch nuôi tôm nước lợ năm 2014 và hạn chế rủi ro thiệt hại do dịch bệnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Huy Điền đã lưu ý các cơ quan quản lý thủy sản địa phương cần căn cứ hướng dẫn khung mùa vụ của Tổng cục Thủy sản và điều kiện thực tế tại địa phương để xây dựng lịch mùa vụ cụ thể cho từng vùng, quản lý lịch thả giống ngay từ đầu vụ. Không thả giống vào thời điểm nhiệt độ còn thấp là điều kiện phát sinh bệnh đốm trắng.

Nhiều Hội nuôi tôm cũng đã kiến nghị tới Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam và Tổng cục Thủy sản giữ ổn định giá bán thức ăn nuôi tôm tại các nhà máy chế biến, phân phối, giúp người nuôi được tiếp cận mức hợp lý. Bởi, hiện nay hơn 90% các nhà máy chế biến thức ăn tại Việt Nam do công ty nước ngoài nắm giữ nên giá thức ăn hoàn toàn bị lệ thuộc nước ngoài, người nuôi "gánh chịu".

Thời gian tới, Tổng cục Thủy sản cũng sẽ tiếp tục quản lý, giám sát chặt chẽ công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ. Đồng thời, tăng cường biện pháp quản lý giống, nhất là kiểm tra nguồn gốc xuất xứ giống tôm bố mẹ nhập khẩu ở các nước như Singapore, Thái Lan, Indonesia…, kết hợp kiểm soát chặt chẽ việc gia hóa tôm bố mẹ tôm thẻ chân trắng trong nước.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Huy Điền cũng cho rằng, hệ thống ngân hàng cần sớm hỗ trợ vốn cho người nuôi thủy sản theo chu trình dài hơn, đảm bảo từ khi thả nuôi tới khi sản phẩm thủy sản được mua. Hơn nữa, việc liên kết giữa nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học, người nuôi phải sớm được thực hiện để đảm bảo người nuôi có lãi, tạo chuỗi liên kết chặt chẽ giữa "bốn nhà". /.

Thúy Hiền

hải quan

Các tin tức khác

>   Nghịch lý và đắng cay (13/03/2014)

>   Sản lượng hồ tiêu 2014 dự kiến đạt khoảng 125.000 tấn (12/03/2014)

>   Giá tăng, nông dân bán 55% sản lượng vụ mùa cà phê (12/03/2014)

>   Việt Nam trở thành nước sản xuất cao su thứ ba thế giới (11/03/2014)

>   ĐBSCL phấn đấu XK tôm đạt 2,55 tỷ USD (11/03/2014)

>   Xuất khẩu cao su: Thiếu quy chuẩn chất lượng (10/03/2014)

>   Nhiều loại cây trồng chịu sức ép từ TPP (10/03/2014)

>   Kiến nghị giảm lãi suất cho vay tái canh cà phê (09/03/2014)

>   Xuất khẩu cà phê vẫn tràn trề hy vọng (08/03/2014)

>   Bộ Tài chính tăng giá lúa thu mua tạm trữ (08/03/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật