Thứ Bảy, 08/03/2014 10:23

Xuất khẩu cà phê vẫn tràn trề hy vọng

Sau khi chạm 40.000 đồng/kg, là mức cao nhất trong vòng hơn nửa năm nay, giá cà phê nội địa quay đầu giảm. Giá kỳ hạn arabica trồi lên sụp xuống thất thường, nhưng rồi có lúc tăng lên mức cao nhất trong vòng hai năm nay, đem lại nhiều hy vọng cho giá robusta của nước ta.

Biểu đồ 1: Diễn biến giá đóng cửa sàn kỳ hạn arabica Ice New York (nguồn Tradingchart.com)

Đầu cơ khuynh loát giá arabica?

Mấy hôm nay sàn kỳ hạn arabica Ice tại New York dao động dữ dội, tăng/giảm trong ngày hàng trăm đô la, như chỉ riêng trong ngày 5-3 mức cao nhất và thấp nhât chênh nhau đến 22,5 xu/cân Anh (cts/lb) hay gần 500 đô la/tấn.

Ngay ngày hôm ấy, giá kỳ hạn arabica vượt qua mức 200 cts/lb, là mức cao nhất tính từ hai năm nay (xin xem biểu đồ 1 phía trên).

Những động thái trên sàn arabica không làm giới kinh doanh cà phê nước ta bất ngờ vì hiện tượng đó đã từng xảy ra trên sàn kỳ hạn robusta lúc mà sàn London mở rộng cửa, nới lỏng chất lượng chuẩn bị cho hàng robusta Việt Nam được quyền đấu giá. Bấy giờ, giá kỳ hạn London nhảy nhót liên hồi, có ngày tăng giảm hàng trăm đô la y hệt như sàn Ice đón hàng Brazil như hiện nay.

Nhìn từ khía cạnh ấy, người kinh nghiệm cho rằng cách làm này chủ yếu do giới đầu cơ tài chính kết hợp với một vài hãng kinh doanh cà phê đa quốc gia quyết khống chế thị trường, loại bớt cạnh tranh và các nhà xuất khẩu bản địa để làm chủ giá cả trên sàn và trên thị trường hàng thực.

Nhớ qua đợt nhảy múa của giá robusta mấy năm trước, nhiều nhà xuất khẩu cà phê của Việt Nam bị thua lỗ trầm trọng, thậm chí nhiều doanh nghiệp giải thể do không kham nổi rủi ro. Liệu các nhà xuất khẩu Brazil hiện nay có phải suy vi như đồng nghiệp của họ tại Việt Nam cách đây chừng bốn, năm năm? Tin mới nhất cho biết các đại lý cung ứng cà phê xuất khẩu Colombia đang xù hợp đồng và đòi “trợ giá” để giảm thua lỗ, y hệt tình hình tại nước ta khi giới đầu cơ quyết định khống chế giá kỳ hạn và giá nội địa năm xưa?

Hạn hán khốc liệt đang xảy ra tại Brazil. Vin vào cớ này, từ đầu tháng 2-2014 đến nay, có thể nói thẳng đầu cơ đang “làm giá” vì họ đang có trong tay trên 150 ngàn tấn cà phê đã được sàn arabica chấp nhận để đấu giá (certs). Tính thời giá hiện tại, chừng ấy tồn kho có giá trị trên 600 triệu đô la Mỹ, túc số lý tưởng để khuấy động thị trường.

Người trồng robusta được hưởng lợi

Biểu đồ 2: Diễn biến giá đóng cửa sàn kỳ hạn robusta Liffe NYSE trong tuần (tác giả tổng hợp)

Giá kỳ hạn arabica tăng, sàn robusta ít nhiều được hưởng lợi. Đóng cửa sàn kỳ hạn Liffe NYSE hôm qua thứ Sáu tức rạng sáng hôm nay thứ Bảy 8-3 giờ Việt Nam, giá robusta chốt mức 2.099 đô la, tăng 56 đô la/tấn so với tuần trước (xin xem biểu đồ 2), nhưng arabica lại tăng đến 16,55 cts/lb hay 365 đô la/tấn.

Giá cà phê nội địa dịu xuống, cuối tuần chỉ còn quanh mức 39.800 đồng/kg so với đỉnh cao 40.000 đồng/kg đầu tuần nhưng cao hơn tuần trước 800 đồng/kg. “Giá 40 ngàn đồng/kg chưa kịp bán, nay lại giảm nữa rồi. Buồn quá, hôm qua đến giờ mẹ tôi đứng ngồi không yên…”, một cháu có cha mẹ là nông dân cà phê đã lên mạng tiếc than vì hụt bán giá cao.

Độ chênh giữa giá niêm yết và giá tại vùng nguyên liệu Tây Nguyên nay quanh mức trừ 200 đô la/tấn; quy ra giá xuất khẩu cho loại 2,5% tương đương trừ 100 đô la/tấn FOB (giao hàng tại cảng đi). Với các mức này, người mua có thể thoải mái đưa hàng sang các kho Liffe NYSE để đấu giá. Giá loại 2 theo qui định chất lượng của sàn được bán ở mức trừ 30 đô la/tấn tại kho qui định ở châu Âu.

Giá arabica cao hơn gấp đôi giá robusta

Lần đầu tiên trong vòng 2 năm, giá cách biệt giữa sàn arabica và robusta tăng lên mức gần 103 cts/lb hay chừng 2.300 đô la/tấn (xin xem biểu đồ 3).

Cuối năm ngoái, mức cách biệt này chỉ chừng 600 đô la/tấn. Nếu như giá robusta ở mức 2.000 đô la/tấn, các hãng rang xay bấy giờ có thể mua arabica với mức rất rẻ 2.600 đô. Hiện nay, cũng một mức giá robusta ấy, các hãng ra xay phải mua arabica với mức 4.300 đô la/tấn.

Biểu đồ 3: Mức các biệt giữa arabica với robusta (nguồn: NewEdge)

Đây là mức cách biệt hết sức lý tưởng để rang xay quay lại mua robusta nhiều hơn, nhờ đó thị phần loại này sẽ được hồi phục.

Trên thị trường cà phê, hàng năm có chừng 2/3 lượng arabica lưu thông và phần còn lại là robusta. Robusta thường được sử dụng để phối trộn với arabica, trong khi đó arabica quyết định chất lượng và mùi vị của ly cà phê. Khi giá cách biệt giữa hai loại cà phê thấp hay co lại, các hãng rang xay mua nhiều arabica hơn để nâng chất lượng ly cà phê nhờ giá rẻ; ngược lại khi giá cách biệt cao hay giãn ra, các nhà chế biến sẽ giảm mua arabica để sử dụng robusta nhờ giá “mềm” hơn.

Trước đây, khi arabica mắc, rang xay đã bỏ dần để chuyển sang sử dụng robusta, đặc biệt các loại robusta tốt sạch, như chế biến ướt để thay arabica trong các mẻ rang và giảm giá thành.

Một yếu tố tích cực nhất đối với các nước xuất khẩu robusta, trong đó Việt Nam đang dẫn đầu, là các hãng rang xay đã rất mệt mỏi do sản lượng arabica rất bấp bênh. Hầu như thị trường năm nào cũng lo sợ cà phê Brazil bị rét đậm rét hại phá hoại mùa màng. Chính vì vậy, nước này đã chuyển dịch cây cà phê tại các vùng có rủi ro sương giá ở phía Bắc về phương Nam. Cứ tưởng sản lượng sẽ ổn định, thì ngay năm này Brazil bị hạn hán. Mức độ thiệt hại của hạn hán như thế nào, thị trường sẽ lượng định. Nhưng bấp bênh do thời tiết sẽ làm các nhà rang xay không an tâm về nguồn cung ứng.

“Chắc chắn đợt hạn hán của Brazil sẽ làm các hãng rang xay xem lại chiến lược sử dụng và mua hàng của mình, tăng lượng robusta loại tốt nhiều hơn để tránh tình trạng bấp bênh về cung ứng cũng như rủi ro về giá cả arabica,” một nhà phân tích tại TP. HCM nói thế.

Nếu vậy, xuất khẩu robusta nước ta tràn trề hy vọng.

Nguyễn Quang Bình

thời báo kinh tế sài gòn

Các tin tức khác

>   Bộ Tài chính tăng giá lúa thu mua tạm trữ (08/03/2014)

>   Giá lúa đông xuân sụt giảm mạnh (07/03/2014)

>   Philippines nhập thêm gạo: Gạo Việt có thắng Thái Lan? (07/03/2014)

>   Giá điều nhập tăng cao (06/03/2014)

>   Chủ tịch VFA: Chính phủ chưa chắc mua tạm trữ lúa gạo (05/03/2014)

>   Xuất khẩu gạo tháng Hai tăng cả về số lượng và giá (05/03/2014)

>   ĐBSCL phấn đấu xuất khẩu cá tra đạt 1,75 tỷ USD (05/03/2014)

>   Dự án nông nghiệp vay nghìn tỷ: Nhà băng nào dám mở hầu bao? (05/03/2014)

>   Thái Lan: EC chấp thuận đề nghị thanh toán nợ trợ giá gạo (05/03/2014)

>   Doanh nghiệp kiến nghị gỡ khó cho xuất khẩu gạo (04/03/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật