Làm gì để người trồng lúa có lãi 30%?
Trong một hội nghị mới đây tổ chức ở Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, bằng nhiều biện pháp hỗ trợ để người trồng lúa thu được 30% lãi. Đây là vấn đề khó nhưng không thể chậm hơn được nữa. Không thể để người trồng lúa mãi chịu đựng cảnh được mùa rớt giá, cảnh ly nông ly hương- trong khi vai trò của kinh tế nông nghiệp, trong đó có việc bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo thời gian qua là hết sức to lớn.
Vụ lúa Đông xuân năm nay, người trồng lúa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long được mùa lớn. Nhưng, cho tới trước ngày 15-3, khi chương trình thu mua tạm trữ của Chính phủ bắt đầu, thì nông dân trong vùng lại khốn khổ được mùa nhưng giá lúa lại liên tục rớt. Ngay cả đến thương lái cũng bỏ cả tiền đặt cọc, chịu lỗ ít còn hơn lỗ nhiều nếu "ôm” lúa vào.
Chủ trương mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo: hạn hán và cơn mưa
Với sản lượng thu hoạch lúa cả vùng ĐBSCL đạt tới 11 triệu tấn trong năm nay (tăng hơn 34 triệu tấn so với vụ mùa năm trước), người nông dân hoàn toàn có thể hy vọng vào thu nhập cao. Tuy nhiên, nhìn ruộng lúa bời bời, mà lòng lại tê tái vì giá xuống quá thấp.
Trước thời điểm thu mua tạm trữ, bà Trịnh Thị An, một người trồng lúa ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cho biết, giá lúa chỉ giữ được ở mức 4.800 đồng/kg trong khoảng tháng 1, tháng 2, sang đầu tháng 3 bắt đầu giảm mạnh, tới 400 – 500 đồng/kg. "Nông dân chúng tôi chưa kịp mừng vì được mùa, giờ đã lo rớt giá” - bà An than thở.
Tâm trạng của bà An cũng là tâm trạng chung của người trồng lúa ĐBSCL. Trong khi, giá lúa đạt 5.000đồng/kg mới có thể thu được lợi nhuận thích hợp, sau khi trừ đi vốn đầu tư ban đầu, từ chuyện giống, thuốc bảo vệ thực vật, công làm đất, công thu hoạch... Vậy nên, nếu giá lúa chỉ loanh quanh ở mức trên 4.000 đồng/kg, thì coi như lỗ.
Trong tình thế đó, nhiều biện pháp "cứu” người trồng lúa đã được Chính phủ đặt ra. Cụ thể là chủ trương thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo với giá tối thiểu 6.300 đồng/kg lúa, bắt đầu từ ngày 15-3 và sẽ kéo dài 4 tháng. Đây là biện pháp mạnh mẽ, lập tức làm cho giá lúa tại ĐBSCL đi lên. Chung tay giải quyết những khó khăn cho người nông dân trồng lúa, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng đã đưa ra cam kết, sẽ dành khoảng 8.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi để thu mua tạm trữ gạo. Cùng với đó, sẽ áp dụng mức lãi suất thấp khi cho vay ngắn hạn, thủ tục vay thuận tiện, trước mắt sẽ triển khai thí điểm để khuyến khích, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất cánh đồng mẫu lớn, sau đó sẽ nhân rộng.
Chủ trương thu mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa cùng với gói hỗ trợ 8.000 tỉ đồng thực sự đã là "phao cứu sinh” cho vùng lúa ĐBSCL cũng như ngành lúa gạo nói chung. Dẫu đó cũng chỉ là chính sách mang tính thời điểm, nhưng được cho là rất đúng lúc, được ví như cơn mưa vàng rơi xuống những cánh đồng hạn hán khô khát.
Sau 2 ngày chủ trương tạm trữ 1 triệu tấn lúa đi vào cuộc sống, giá lúa gạo vùng ĐBSCL nhích lên rõ rệt. Tại các tỉnh Cần Thơ, Tiền Giang, Đồng Tháp…, chỉ trong một ngày đã nhích lên thêm 200 - 300 đồng/kg.
Tuy nhiên, thực tế những năm trước cho thấy, chủ trương đúng đắn ấy cũng không hẳn đã đem lại lợi ích thực sự cho người trồng lúa. Bởi vì, một số doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo, một số thương lái đầu mối đã "tranh thủ” tìm được nguồn lợi không nhỏ khi Chính phủ bỏ tiền ra mua lúa giá cao. Điều đó xuất phát từ thực tế người nông dân có nhu cầu bán nhanh vì nếu để lâu, lúa mốc, gạo hỏng. Chính sự mất cân đối giữa nhu cầu bán nhanh của người trồng lúa và cách thu mua chậm của doanh nghiệp đã là nguy cơ tiềm ẩn về rủi ro với người nông dân.
Cũng cần lưu ý, trong khi tập trung mua tạm trữ nhưng lại bí đầu ra, có thể lại kéo giá gạo xuất khẩu xuống thấp hơn. Trong khi gạo xuất khẩu của Việt Nam đang gặp nhiều bất lợi vì nguồn cung trên thị trường thế giới đang rất dồi dào (từ Thái Lan, Ấn Độ…).
Có cần thiết phải giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa?
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm giữ vững "trụ đỡ” của nền kinh tế cũng như tăng thu nhập thực tế cho người nông dân đã và đang được đặt ra một cách cấp thiết.
Tại hội nghị liên quan đến vấn đề sản xuất và tiêu thụ lúa gạo diễn ra mới đây ở ĐBSCL, một câu hỏi được cả giới quản lý lẫn giới chuyên môn đặt ra là: Việt Nam có nhất thiết phải tăng cường mục tiêu xuất khẩu gạo hay không, nếu như điều đó không mang lại nhiều lợi ích cho đất nước, đặc biệt là người trồng lúa?
Nhiều ý kiến cho rằng, không nhất thiết. Vì vậy, việc dành toàn bộ 3,8 triệu ha để trồng lúa trong đó mục tiêu lớn là để xuất khẩu cũng cần được xem lại. Từ đó, một câu hỏi khác được đặt ra: Nếu như có thể dành một diện tích thích đáng từ đất trồng lúa để trồng những loại cây khác có lợi hơn, nhất là với người nông dân, tại sao lại không làm?
Theo GS.TS Võ Tòng Xuân , chúng ta không thể tiếp tục trồng lúa một cách "mù quáng”, cần phải chuyển sang cách trồng "thông minh”, điều này nông dân không thể làm được, mà phải có sự hỗ trợ của nhà nước.
Đề xuất không nên dành cả 3,8 ha đất chỉ để trồng lúa của giới chuyên gia cũng đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đồng tình, khi Thủ tướng cho biết sẽ giảm 112.000 ha đất trồng lúa ở ĐBSCL, chuyển đổi sang trồng các loại cây khác. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, việc chuyển đổi phải chọn loại cây trồng nào cho phù hợp và phải đảm bảo đầu ra.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, đầu quý II- 2014, Bộ này sẽ trình Chính phủ xem xét, ban hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi giống cây trồng trên đất lúa, đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tích cực triển khai các đề tài nghiên cứu về giống, kỹ thuật canh tác chuyển đổi trên đất lúa vùng ĐBSCL.
Với những giải pháp mạnh mẽ này, nông dân kỳ vọng vào "một cuộc cách mạng” thật sự đối với ngành nông nghiệp. Nếu thành công, người nông dân sẽ thoát khỏi nỗi ám ảnh của điệp khúc "được mùa rớt giá” và quan trọng hơn, trụ đỡ của nền kinh tế sẽ không bị lung lay.
Duy Phương
Đại đoàn kết
|