Tạm trữ có cứu được giá gạo?
Thông tin Chính phủ chấp thuận cho tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ đông xuân 2013-2014 trong thời hạn 4 tháng từ ngày 15-3 đã giúp giá lúa tăng trong những ngày gần đây, nhưng các chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều thách thức cho hạt gạo Việt trong năm 2014 này.
Những tín hiệu lạc quan
Theo một số thương nhân thu mua lúa tại chợ đầu mối Bà Đắc (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), tín hiệu lạc quan sau thông tin tạm trữ 1 triệu tấn gạo là giá lúa đã nhích lên khoảng 100 đồng/kg. Cụ thể, lúa IR50404 là 4.450 đồng/kg lúa tươi, còn lúa hạt dài cũng tăng lên 4.700 đồng/kg. Tuy nhiên, với mức bình quân giá thành sản xuất lúa vụ đông xuân 2013-2014 khoảng 3.769 đồng/kg, Bộ NN&PTNN cho rằng giá mua lúa phải từ 5.000 đồng/kg trở lên mới đảm bảo nông dân có lời hơn 30%. Như vậy hiện tại nông dân vẫn chưa được lợi nhuận 30% theo chỉ đạo của Chính phủ.
Trong khi đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết hiện vẫn chưa có chỉ tiêu phân bổ mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ Đông Xuân, vì vậy các DN XK gạo chỉ thu mua cầm chừng để chờ mức giá và chỉ tiêu phân bổ cụ thể. Theo ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch VFA, nhu cầu của Trung Quốc vẫn rất lớn nhưng họ đang tạm đóng cửa biên giới để ép giá gạo VN khi biết đầu ra của gạo Việt Nam đang gặp khó. Ngoài ra, còn thông tin lạc quan là Philippines mới thông báo sẽ mở thầu mua 800.000 tấn gạo. Cũng theo ông Phong, cùng với tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ đông xuân và Trung Quốc tăng mua trở lại, hi vọng tình trạng căng thẳng về đầu ra của gạo Việt Nam thời gian tới sẽ giảm.
Bên cạnh đó, gạo Việt Nam vẫn đang đứng vững tại thị trường châu Phi với khoảng 30% tổng kim ngạch XK hàng năm đến nay đến từ thị trường này. Hiện tại, Việt Nam đã XK gạo sang 30/55 nước khu vực châu Phi. Trong đó, những thị trường NK nhiều gạo Việt Nam gồm: Bờ Biển Ngà, Ghana, Senegal, Angola, Cameroon… Gạo thơm Jasmine, một trong những loại gạo có tốc độ tăng trưởng XK cao nhất của Việt Nam sang châu Phi, chỉ có giá bằng một nửa gạo thơm Hommali của Thái Lan, nhưng chất lượng tương đương.
Theo Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), hiện châu Phi là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới với nhu cầu trên 9 triệu tấn gạo/năm. Trong đó, lượng gạo NK khoảng 6,4 - 6,5 triệu tấn/năm. Nếu tận dụng tốt, Việt Nam đang có cơ hội đẩy mạnh XK gạo sang thị trường đầy tiềm năng này, đặc biệt trong hoàn cảnh XK gạo ở các thị trường châu Á đang gặp khó như hiện nay.
Vẫn khó cho hạt gạo Việt
Một đại diện của VFA cho biết vào giữa tháng 2, Chính phủ Thái Lan đã bán ra lượng gạo tồn kho 600.000 tấn và đang chào bán tiếp 800.000 tấn. Chương trình trợ giá lúa gạo của quốc gia này đã ngưng vào tháng 2 vừa qua, cho nên ngoài lượng gạo tồn kho nói trên, dự kiến sẽ có thêm 5 triệu tấn gạo được nông dân Thái Lan bán ra thị trường ở vụ thu hoạch từ tháng 3-2014. Vì vậy, VFA dự báo giá gạo của Thái Lan sẽ còn giảm tiếp, ảnh hưởng đến tình hình XK gạo của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Ở phía nhu cầu thị trường, ý kiến của các chuyên gia lúa gạo trên trang tin Oryza.com cho biết hiện nhu cầu của các nhà NK gạo trên thế giới không cao vì họ chờ giá xuống và diễn biến mới có lợi cho bên mua. Điều này thể hiện qua thương mại gạo của 5 quốc gia XK gạo lớn: Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam, Pakistan và Mỹ từ đầu năm đến nay chỉ đạt khoảng 4,1 triệu tấn, giảm khoảng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
GS.TS Võ Tòng Xuân - nguyên Hiệu trưởng trường ĐH An Giang cho rằng, việc mua gạo tạm trữ thực chất không có lợi nhiều cho người nông dân, thậm chí còn đẩy giá xuống thấp hơn do tình trạng DN chờ giá gạo xuống thấp mới mua tạm trữ. Ngoài ra, khi được nhà nước hỗ trợ, các DN chỉ cần bỏ ra một số tiền nhỏ để thu mua nên không chịu áp lực lãi vay ngân hàng và có thể trữ gạo chờ giá cao mới bán. Chính vì vậy, giá gạo càng xuống thấp, trong khi ngân sách hàng năm thâm hụt khi phải bỏ ra trăm tỷ đồng đền bù vào lãi suất cho DN.
“Theo nghiên cứu những năm 2008, 2011, 2012, khi giá lúa gạo ở mức cao nhất, người nông dân lại hưởng lợi ít nhất. Các đơn vị cung ứng phân phối phân bón, thuốc BVTV, được hưởng lợi lớn nhất, tiếp đến là đầu mối XK gạo, sau đó là các DN thu mua chế biến và thương lái chiếm trên 70%, còn nông dân chỉ được hưởng chưa tới 30%”, GS.TS Võ Tòng Xuân cho biết.
Quang Duy
hải quan
|