Phân tích kỹ thuật cổ phiếu ”nóng”: HAP - CTCP Tập Đoàn Hapaco
Do cổ phiếu này đã phá vỡ đỉnh cũ tháng 05/2012 nên việc mua vào khi có điều chỉnh ngắn hạn được ủng hộ. Nhà đầu tư có thể mua vào nếu giá test lại vùng 7,000 – 7,300 hoặc phá vỡ hoàn toàn ngưỡng 8,700.
TÍN HIỆU KỸ THUẬT QUAN TRỌNG
Dài hạn: Vùng đỉnh cũ tháng 05/2012 bị phá vỡ hoàn toàn. Vùng đỉnh cũ của tháng 05/2012 (tương đương vùng 7,000 – 7,300) đã bị phá vỡ hoàn toàn cho thấy đà tăng dài hạn đang ngày càng được củng cố.
Mặt khác, đường trendline trung hạn cũng đang hỗ trợ rất tốt cho giá nên khả năng có thoái lùi mạnh trở lại là rất thấp.
Nhóm MA dài hạn tăng trưởng tốt. Một tín hiệu cũng rất đáng chú ý trong dài hạn là nhóm MA dài hạn liên tục tăng trưởng ổn định và mạnh mẽ. Nhóm này hiện đang tiếp tục đi lên và sẽ đóng vai trò chống đỡ hết sức vững chắc cho HAP.
Ngắn hạn: Thanh khoản lên tầm cao mới. Khối lượng khớp lệnh liên tục duy trì trên đường trung bình 20 phiên gần nhất (tương đương 700,000 đơn vị/phiên). Điều này cho thấy nhà đầu tư đang giao dịch hết sức sôi động trong các phiên gần đây và đẩy thanh khoản lên tầm cao mới so với những tháng trước.
Stochastic Oscillator có thể cho mua trở lại. Mặc dù đang duy trì mức khá cao nhưng chỉ báo này hoàn toàn có thể cho mua trở lại khi mà các mẫu hình nến đảo chiều tăng điểm như Doji, Hammer, Long White Candle liên tục xuất hiện.
Nếu tín hiệu này xuất hiện thì khả năng sẽ có một đợt tăng trưởng mới.
Các ngưỡng hỗ trợ/kháng cự đáng chú ý xác định theo Fibonacci:
• Ngưỡng 0% : 7,700
• Ngưỡng 23.6% : 8,600
• Ngưỡng 38.2% : 9,300
• Ngưỡng 50.0% : 9,600
• Ngưỡng 61.8% : 10,100
• Ngưỡng 100.0%: 11,500
• Ngưỡng 161.8%: 13,700
• Ngưỡng 261.8%: 17,300
Chiến lược trading: Do cổ phiếu này đã phá vỡ đỉnh cũ tháng 05/2012 nên việc mua vào khi có điều chỉnh ngắn hạn được ủng hộ. Nhà đầu tư có thể mua vào nếu giá test lại vùng 7,000 – 7,300 hoặc phá vỡ hoàn toàn ngưỡng 8,700.
MỘT SỐ THÔNG TIN ĐÁNG CHÚ Ý
Lợi nhuận tăng trưởng đột biến nhờ chuyển nhượng cổ phiếu. Tổng doanh thu của HAP trong năm 2013 theo BCTC chưa kiểm toán đạt 352.3 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với năm trước. Giá vốn hàng bán tăng đã khiến cho lợi nhuận gộp của HAP chỉ đạt 47.4 tỷ đồng, giảm 9% so với năm 2012. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế vẫn đạt 23.6 tỷ đồng, tăng mạnh hơn 2.2 lần so với năm 2012.
Lợi nhuận sau thuế của HAP tăng mạnh chủ yếu đến từ đóng góp từ lợi nhuận của hoạt động tài chính tăng vọt trong năm. Theo đó, doanh thu hoạt động tài chính năm 2013 đạt 30.5 tỷ đồng, trong khi năm trước chỉ gần 3 tỷ đồng, chủ yếu đến từ chuyển nhượng 1.37 triệu cổ phiếu CTCP Khu công nghiệp Hải Phòng.
Kết thúc năm 2013, HAP mới chỉ hoàn thành 88% kế hoạch doanh thu, nhưng hoàn thành 131% kế hoạch lợi nhuận trước thuế. Tuy nhiên, có thể thấy điều này có được chủ yếu nhờ lợi nhuận bất thường từ hoạt động chuyển nhượng cổ phiếu và không hề mang tính bền vững.
Tăng mạnh đầu tư ngắn hạn bằng gửi tiền ngân hàng và cho vay. Kết thúc năm 2013, tổng giá trị đầu tư ngắn hạn của HAP đạt gần 333 tỷ đồng, tăng 7.1 lần so với cuối năm 2012. Dự phòng đầu tư ngắn hạn chỉ còn 86 triệu đồng trong khi cuối năm 2012 là 0.9 tỷ đồng.
Khoản đầu tư ngắn hạn của HAP chủ yếu tập trung vào đầu tư khác. Chi chiết không được giải trình trong BCTC cuối năm, nhưng theo BCTC hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2013 thì hoạt động đầu tư khác của HAP bao gồm các khoản tiền gửi ngân hàng và cho vay một số công ty.
Khoản mục đầu tư dài hạn của HAP là 106 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư vào công ty liên doanh liên kết (CTCP Khu công nghiệp Hải Phòng) là 76 tỷ đồng, đầu tư khác 42 tỷ đồng chủ yếu tập trung vào CTCP Chứng khoán Hải Phòng 23.6 tỷ đồng và CTCP Đầu tư Hafinco 15 tỷ đồng. Dự phòng rủi ro đầu tư dài hạn của HAP là gần 12 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ 11.3%.
Dự án Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng đang trễ tiến độ. Tổng giá trị tài sản cố định của HAP đã tăng thêm 28% trong năm 2013 đạt 324 tỷ đồng. Giá trị tài sản cố định của HAP tăng chủ yếu xuất phát từ chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng mạnh từ 116 tỷ đồng cuối năm 2012 lên gần 196 tỷ đồng. Trong đó, HAP đang tập trung đầu tư dự án Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng với tổng giá trị đã đầu tư đến cuối năm 2013 là 179 tỷ đồng, tăng 85 tỷ đồng so với đầu năm.
Tiềm năng tăng trưởng của HAP trong những năm tới được kỳ vọng chủ yếu ở dự án Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, theo kế hoạch sẽ được đưa vào hoạt động trong quý 4/2013. Tuy nhiên, theo BCTC quý 4 thì chi phí đầu tư bệnh viện này vẫn nằm trong khoản mục chi phí xây dựng cơ bản dở dang, do đó nhiều khả năng bệnh viện vẫn chưa đi vào hoạt động. HAP dự kiến dự án này hoàn thành sẽ đóng góp thêm 70 tỷ đồng vào doanh thu mỗi năm.
Nợ vay tăng 2.45 lần - Áp lực về chi phí lãi vay và trả nợ gốc. Tổng giá trị vay nợ của HAP tính đến cuối năm 2013 là hơn 547 tỷ đồng, bao gồm nợ vay ngắn hạn 451 tỷ đồng và vay nợ dài hạn 96 tỷ đồng, tăng đến 4.45 lần so với cuối năm 2012. Khoản vay nợ mới chủ yếu đang được HAP sử dụng để gia tăng đầu tư ngắn hạn, bổ sung nguồn vốn lưu động (khoản phải thu khác) và đầu tư vào tài sản cố định.
Nợ vay tăng vọt, trong khi hoạt động đầu tư được đẩy mạnh và lợi nhuận mới chỉ có được từ chuyển nhượng cổ phiếu có thể khiến cho áp lực trả lãi vay và nợ gốc đè nặng HAP trong thời gian tới.
Giao dịch và Định giá. Cổ phiếu HAP hiện đang giao dịch ở mức P/E 7.82 lần và P/B 0.38 lần với khối lượng giao dịch trung bình phiên 52 tuần đạt 365 ngàn đơn vị.
Tiềm năng tăng trưởng của HAP đến từ dự án Bệnh viện phụ sản Hải Phòng, nhưng hiện đang bị trễ tiến độ. Một vấn đề khác không kém phần quan trọng là HAP sẽ phải đối diện với áp lực chi phí tài chính và trả nợ gốc tăng cao trong thời gian tới nếu doanh thu không tăng trưởng tương xứng.
Bảng: Kết quả kinh doanh theo quý và Chỉ số tài chính tóm tắt của HAP (Nguồn: VietstockFinance)
Nguyễn Đức Cường & Nguyễn Quang Minh
công lý
|