Nợ của Vinashin đang được “tái cơ cấu” thế nào?
Một nguồn tin của VnEconomy cho hay mới đây, Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (SBIC), tiền thân là Vinashin, đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về tình hình tái cơ cấu nói chung, tái cơ cấu nợ nói riêng tại doanh nghiệp này.
Theo báo cáo này, tính đến ngày 28/2/2014, đối với phần “nợ trong nước”, tổng số dư các nghĩa vụ nợ của các doanh nghiệp liên quan đến SBIC chỉ còn khoảng 26,7 ngàn tỷ đồng, bao gồm nợ của các doanh nghiệp đã chuyển giao sang Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) theo quyết định 926/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ.
Trong số này, còn khoảng 21,5 ngàn tỷ đồng thuộc diện “chưa được tái cơ cấu”. Số còn lại là nợ “đã tái cơ cấu”, bao gồm nợ vay Bộ Tài chính để trả lãi trái phiếu quốc tế và nợ trái phiếu của Ngân hàng Techcombank và một số tổ chức quốc tế.
Đối với “nợ nước ngoài”, về khoản vay 600 triệu USD, SBIC đã cùng với Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) phát hành trái phiếu DATC có bảo lãnh của Chính phủ để cơ cấu lại. Tổng mệnh giá phát hành là 626,799 triệu USD, lãi suất đơn 1%, thời hạn 12 năm, lãi và gốc thanh toán một lần vào ngày đáo hạn.
Ngoài khoản 600 triệu nói trên, SBIC còn nợ nước ngoài là 114,3 triệu USD, cộng với 45,6 triệu USD khác nợ của các đối tác nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, tổng cộng là 159,9 triệu USD.
Tuy nhiên, hiện nay SBIC đã hoàn thành cơ cấu nợ tương đương 123,81 triệu USD với điều kiện mua lại nợ từ 10% đến 30% khoản nợ gốc của 7 chủ nợ và đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để cơ cấu các khoản nợ còn lại.
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Giao thông Vận tải, chiều 24/3, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chủ trì buổi làm việc với SBIC nhằm đẩy nhanh công tác tái cơ cấu và cổ phần hóa Tổng công ty.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng Thành viên của SBIC, ông Nguyễn Ngọc Sự đã báo cáo tình hình tái cơ cấu của SBIC về các nội dung rút vốn thương hiệu, sáp nhập, giải thể doanh nghiệp cũng như tái cơ cấu các khoản nợ, đồng thời đưa ra các khó khăn trong quá trình thực hiện công tác tái cơ cấu theo chỉ đạo của Chính phủ để các bộ, ngành và lãnh đạo Bộ cùng tìm cách tháo gỡ.
Bộ trưởng Đinh La Thăng nhận xét rằng tiến độ tái cơ cấu của SBIC là “quá chậm, trong đó nguyên nhân là cách làm của SBIC và các bộ, ngành cũng như các cơ quan của Bộ còn chưa cương quyết, dứt điểm, đặc biệt là trong những tháng đầu năm 2014”.
Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Vụ Quản lý doanh nghiệp thuộc Bộ phải siết chặt hơn nữa công tác thực hiện tái cơ cấu SBIC.
Cụ thể, trong quý 2/2014 phải thực hiện xong việc tái cơ cấu nợ cũng như xử lý dứt điểm việc rút vốn thương hiệu của các doanh nghiệp; tháng 4/2014 phải hoàn thành việc tái cơ cấu lao động; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp của SBIC.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu lãnh đạo SBIC tập trung tái cơ cấu sản xuất và các công việc khác nhằm nhanh chóng ổn định, tạo công ăn việc làm cho công nhân viên, lao động và phát triển sản xuất.
Anh Minh
vneconomy
|