Ba nút thắt phải gỡ để phát triển nhanh, bền vững
Còn nhiều bất cập trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
“Quá trình thực hiện công nghiệp hóa (CNH) chưa gắn chặt với hiện đại hóa (HĐH), phát triển công nghiệp vẫn chỉ là gia công, lắp ráp, giá trị thấp… Môi trường thể chế yếu kém, chất lượng nguồn nhân lực thấp và kết cấu hạ tầng yếu vẫn là ba điểm nghẽn, nút thắt đang cản trở quá trình CNH-HĐH đất nước”. Đây là một trong những bất cập hiện nay trong mô hình CNH-HĐH của nước ta được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra tại hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn cốt yếu về CNH-HĐH trong quá trình đổi mới và phát triển ở Việt Nam”, do Ban chỉ đạo tổng kết 30 năm đổi mới tổ chức tại Vĩnh Phúc ngày 25-3.
Theo ông Phúc, qua 30 năm đổi mới, cơ cấu kinh tế đất nước đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng CNH-HĐH và công cuộc CNH-HĐH đạt được những thành tựu rất lớn. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu không thể phủ nhận, công cuộc CNH-HĐH vẫn còn nhiều bất cập như mô hình CNH-HĐH chưa được định hình rõ nét; chưa phát triển có hiệu quả các ngành công nghiệp ưu tiên và chưa tận dụng lợi thế về công nghệ và nguồn lực đầu tư nước ngoài để tạo tính lan tỏa, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển tương xứng.
Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư để thực hiện CNH có nơi còn dàn trải, thiếu trọng tâm, manh mún, không khai thác được lợi thế kinh tế theo quy mô. Nhiều vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế do quy hoạch không hợp lý hoặc duy ý chí nên không phát huy được tiềm năng, thế mạnh của vùng. “Điều đáng nói, đến nay chúng ta vẫn chưa tìm được hướng đi và mô hình phát triển phù hợp để có thể tránh được bẫy thu nhập trung bình mà kinh nghiệm của nhiều nước đi trước đang gặp phải” - ông Phúc cho hay. “Vấn đề đặt ra là thời gian tới cần có các giải pháp đột phá gì để gỡ các nút thắt trên nhằm thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế theo mục tiêu hiệu quả, phát triển nhanh và bền vững, đưa nước ta thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình” - ông Phúc nhấn mạnh.
Mạnh Lê
pháp luật tphcm
|