Ngành da giày – túi xách trước cơ hội TPP: Nhà đầu tư nước noài chờ… hưởng lợi
Xuất khẩu da giày, túi xách và dệt may, là những ngành sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, một khi VN gia nhập Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, các DN Việt Nam có tận dụng hết cơ hội để giành cho mình những ưu đãi có được từ TPP hay không; hay các ưu đãi đó sẽ lọt vào tay những nhà đầu tư nước ngoài đang âm thầm đổ vốn vào VN?
Một báo cáo gần đây nhất của Hiệp hội da giày – túi xách VN (Lefaso) cho biết: Trong năm 2013, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 10,3 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2013. Trong đó, xuất khẩu giày dép đạt 8,4 tỷ USD và xuất khẩu túi xách đạt 1,9 tỷ USD. Hầu hết thị trường xuất khẩu của Lefaso là Mỹ và châu Âu.
Lefaso nhận định trong năm 2014, ngành da giày sẽ được hưởng lợi rất nhiều thông qua các hiệp định, ưu đãi thương mại mà phía các nhà nhập khẩu EU, Mỹ và các nước trong khối Asean dành cho VN.
Cụ thể: Ưu đãi về thuế quan phổ cập (GSP), Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết các sản phẩm giày dép của VN thuộc nhóm 12a và 12b được đưa ra khỏi danh mục “trưởng thành” của EU và được hưởng GSP. Đó là một lợi thế cho VN. Tương tự, thực hiện Hiệp định thương mại tự do VN- EU (FTA) cũng giúp VN được miễn thuế với ít nhất 90% số dòng thuế hàng hóa xuất khẩu của VN vào EU, nguồn vốn từ EU vào VN cũng được thu hút nhiều hơn.
Với Hiệp định thương mại tự do Asean, cam kết thuế quan của các nước nhập khẩu thuộc khối Asean trong năm 2014 sẽ là 1% - 3%, đến năm 2015 sẽ là 0% đối với giày dép các loại. Điều này cũng khiến ngành da giày – túi xách VN có lợi thế. Đặc biệt, với TPP, trải qua 19 vòng đàm phán, giày dép luôn được ưu tiên đàm phán mở cửa thị trường, mà theo đó, giày dép VN xuất sang Mỹ được hưởng lợi rất nhiều.
Tuy nhiên, theo ông Diệp Thành Kiệt – Phó chủ tịch Lefaso: “Rất nhiều cơ hội trong tương lai dành cho các DN sản xuất da giày – túi xách VN như hưởng ưu đãi GSP, ưu đãi thuế từ TPP, FTA… Vì vậy, gần đây đã có hiện tượng nhiều nhà nhập khẩu đã có động thái khảo sát thị trường và dò hỏi thông tin các nhà sản xuất tại VN. Có nhiều Cty từ các nước không phải thành viên TPP, FTA đã thăm dò nhằm mục đích sẽ đầu tư phát triển sản xuất ngành phụ trợ ngay tại VN, để tận dụng ưu đãi thuế, một khi VN chính thức được hưởng ưu đãi thuế từ TPP, FTA.
Điển hình như Cty Kyungbang VN (100% vốn Hàn Quốc) đã đầu tư xây dựng nhà máy kéo sợi 40 triệu USD ở tỉnh Bình Dương… Gần đây, một số nhà đầu tư có nhà máy ở Trung Quốc, Indonesia, cũng mong muốn tìm kiếm đối tác sản xuất ngay tại VN cho các sản phẩm túi xách, giày và da thuộc.
Trong lúc đó, như đón đầu TPP, những hãng lớn như Nike, Adidas đã gia tăng tỷ lệ đơn hàng tại VN nhằm tận dụng lợi thế về giá nhân công và thuế. Một số nhà đầu tư nhỏ thì tìm kiếm các DN nhỏ, nhưng đã có nhà xưởng, thương hiệu để mua hoặc sáp nhập. Hiện tượng này sẽ đặt DN Việt Nam trong tình thế cạnh tranh quyết liệt với DN ngoại, một khi các dòng thuế giày bỏ hẳn, DN ngoại sẽ tràn vào VN sản xuất để xuất khẩu sang Mỹ”.
Ông Bùi Thế Hùng – Tổng GĐ Cty cổ phần sản xuất giày Khải Hoàn (TP HCM) – cho rằng: “Cơ hội sẽ rất lớn cho DN da giày VN. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là các DN Việt Nam, liệu có sử dụng hết, hiệu quả các cơ hội mang lại từ TPP, FTA hay lại để cho cơ hội ấy rơi vào tay những nhà đầu tư ngoại quốc – vốn thuộc các quốc gia không tham gia TPP, FTA ?
Ngay như ngành giày VN hiện nay cũng chiếm giá trị rất thấp trong chuỗi giá trị chung. Mặc dù VN tham gia khâu nguồn lực và tổ chức sản xuất với nguồn lao động dồi dào, chiếm 20% thời lượng của chu kỳ sản phẩm; nhưng giá trị gia tăng từ sản xuất giày dép lại rất ít, chỉ 20%. Trong khi đó, các nước nhập khẩu giày dép VN như Mỹ, EU lại có lợi hơn hẳn, chiếm giá trị từ 70 – 80%, do họ làm chủ các khâu nghiên cứu, thiết kế sản phẩm, tiếp thị và kênh phân phối, mà lợi nhuận lại tập trung chủ yếu ở khâu này”.
Đông Anh
Lao động
|