Thứ Hai, 24/03/2014 15:20

Giám sát và công khai hiệu quả hoạt động của SCIC

Trong kiến nghị của cử tri gửi đến Ban Dân nguyện của Quốc hội đề nghị Bộ Tài chính công khai hiệu quả hoạt động của các Công ty kinh doanh vốn Nhà nước để nhân dân giám sát, Bộ Tài chính đã có những giải đáp cụ thể.

Đầu tư tăng vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp

Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (viết tắt là SCIC) là công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có ngành nghề kinh doanh chính là đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước.

SCIC tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước đầu tư tại các công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH có 2 thành viên trở lên, công ty cổ phần được chuyển đổi từ các công ty Nhà nước độc lập hoặc mới thành lập, công ty liên doanh có vốn góp Nhà nước; đầu tư vốn Nhà nước vào các ngành, lĩnh vực quan trọng mà Nhà nước cần chi phối; quản lý Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp...

Từ khi thành lập đến nay, hoạt động kinh doanh của SCIC hàng năm đều có lãi, quy mô vốn chủ sở hữu, tổng tài sản có sự tăng trưởng.

Doanh thu tăng đều qua các năm, nếu năm 2011 đạt 3.784 tỷ đồng, thì năm 2013 ước đạt 4.705 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2011 là 2.939 tỷ đồng, năm 2013 ước đạt 4.016 tỷ đồng. Số nộp ngân sách năm 2011 là 334 tỷ đồng, thì năm 2013 ước đạt 8.509 tỷ đồng.

 

Công khai kết quả hoạt động của SCIC, theo Bộ Tài chính, tính đến 31-12-2013, SCIC đã tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại 965 doanh nghiệp thuộc Bộ, ngành, địa phương bàn giao với tổng giá trị vốn nhà nước theo sổ sách kế toán là 7.986 tỷ đồng. Theo đó, SCIC đã thực hiện tái cấu trúc vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhận chuyển giao bằng nhiều hình thức như:

Tiến hành đánh giá, phân loại các doanh nghiệp tiếp nhận. Báo cáo Chính phủ phương án xử lý đối với từng nhóm doanh nghiệp.

Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ đã thực hiện bán vốn tại 637 doanh nghiệp có quy mô nhỏ, hoạt động trong các lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ vốn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả, tổng giá trị sổ sách 1.832 tỷ đồng, tổng giá trị thu về 4.065 tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với giá trị sổ sách. Việc bán vốn được thực hiện theo quy định của Nhà nước và quy trình, quy chế đã được phê duyệt.

Danh mục đầu tư của SCIC có 369 doanh nghiệp với giá vốn theo sổ sách kế toán là 14.556 tỷ đồng, giá thị trường ước đạt 74.755 tỷ đồng. Trong đó có 17 doanh nghiệp nhóm A với tỉ trọng vốn Nhà nước là 69,8%, các doanh nghiệp nhóm B và C gồm 352 doanh nghiệp, chiếm 95,4 % về số luợng và 30% về giá trị vốn nhà nước. Hiện nay, SCIC đang rà lại tiêu chí phân loại doanh nghiệp theo Quyết định số 2344/QĐ-TTg ngày 2-12-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu SCIC giai đoạn đến 2015.

Đầu tư tăng vốn đối với các doanh nghiệp Nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối hoặc hoạt động có hiệu quả khoảng 684 tỷ đồng trong năm 2013.

Ngoài ra, SCIC đã thực hiện tái cấu trúc vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp nhận chuyển giao bằng cách thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa 26 công ty TNHH một thành viên theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Qua gần 4 năm triển khai đã sắp xếp, cổ phần hóa được 24 doanh nghiệp (đạt 92,3%), trong đó cổ phần hóa 20 doanh nghiệp (đạt 83,31%).

Đồng thời, từng bước kiện toàn hệ thống người đại diện phần vốn thông qua việc xây dựng và hoàn chỉnh Quy chế của người đại diện. Hiện Tổng công ty có 465 người đại diện phần vốn Nhà nước tại các công ty, trong đó 383 người đại diện chuyên trách giữ các chức danh lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp (chiếm 82,48%); 29 người đại diện kiêm nhiệm là cán bộ các đơn vị thuộc các Bộ, ngành, địa phương (chiếm 6,20%); Tổng công ty trực tiếp cử cán bộ của Tổng công ty làm Người đại diện và tham gia quản lý doanh nghiệp (53 Người đại diện, chiếm 11,32%).

SCIC đã thực hiện đầu tư trực tiếp vào các dự án, cổ phiếu, trái phiếu và tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp mới với số vốn trên 12.000 tỷ đồng, Tổng công ty đã đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm như: dự án Tháp Tài chính quốc tế tại Hà Nội; dự án trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng theo hình thức BOT (Hầm đường bộ Phước Tượng – Phú Gia tại Thừa Thiên Huế; Quốc lộ 14 đoạn đi quả tỉnh Đắk Lắk); dự án xây dựng nhà máy sản xuất thuốc chữa ung thu hợp tác với công ty dược phẩm CFR - Chile…

Giám sát, công khai hoạt động của SCIC

Việc giám sát hoạt động của SCIC hiện nay được thực hiện theo các quy định của pháp luật như: Giám sát trong doanh nghiệp, sử dụng các bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ của doanh nghiệp, Ban kiểm soát, thanh tra nhân dân, tổ chức công đoàn, đại hội công nhân, viên chức để giám sát. Các chủ thể này ngoài việc giám sát theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Điều lệ tổ chức và hoạt động và Quy chế tài chính của SCIC còn giám sát thông qua các quy chế nội bộ của Tổng công ty như: Quy chế thuê, mua sắm tài sản, lựa chọn dịch vụ cho hoạt động thường xuyên; Quy chế Bán vốn; Quy chế người đại điện; Quy chế chi tiêu nội bộ... Hàng năm, Tổng công ty đều thuê kiểm toán độc lập thực hiện việc kiểm toán tình hình tài chính theo quy định (từ 2007 đến năm 2012).

Đối với giám sát của chủ sở hữu, thực hiện theo quy định hiện hành về phân công, phân cấp thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu, gồm các cơ quan giám sát như: Bộ Tài chính, Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên trên cơ sở phối hợp với các cơ quan có liên quan. Hàng năm, Bộ Tài chính đều thực hiện việc giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của SCIC theo quy định và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền.

Về công khai tài chính của SCIC, SCIC phải gửi báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật về kế toán hiện hành (Bộ Tài chính, Cục Thuế Hà Nội, Cục Thống kê...). Báo cáo thường xuyên, định kỳ, đột xuất của SCIC tới Văn phòng Chính phủ theo quy định.

Đối với các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn mà SCIC là đại diện chủ sở hữu trên 50% vốn điều lệ, được thực hiện theo hình thức cổ đông hoặc thông qua báo cáo tài chính tại đại hội cổ đông và hội nghị thành viên. Đối với người lao động tại SCIC, thông qua Hội nghị cán bộ công nhân, viên chức.

Bộ Tài chính cho rằng, việc công khai và giám sát hoạt động của SCIC là hết sức cần thiết, nhằm đảm bảo minh bạch tình hình tài chính. Đồng thời phát hiện kịp thời hành vi vi phạm chế độ quản lý tài chính, chế độ kế toán của doanh nghiệp; thực hiện đúng quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ sở hữu, các cơ quan quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm toán, người lao động trong việc thực hiện dân chủ ở Tổng công ty. Đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước.

Minh Anh

hải quan

Các tin tức khác

>   "Dệt may cần nâng kim ngạch xuất khẩu lên 25 tỷ USD" (24/03/2014)

>   Mất cơ hội xuất khẩu vì... nguyên tắc (24/03/2014)

>   Thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước: Chờ thời cắt lỗ (24/03/2014)

>   Vinalines trả lãi 150 tỷ mỗi năm vì nhận công ty con Vinashin (24/03/2014)

>   Đặc khu kinh tế: Lối đi nào để tránh thất bại (24/03/2014)

>   Một “thiết kế” bài bản cho ngành nông nghiệp (24/03/2014)

>   “Nóng” thị trường cà phê hòa tan (23/03/2014)

>   VCCI đầu tư vào chứng khoán phải được Chính phủ chấp thuận (23/03/2014)

>   Những ngành hàng XK chủ lực những tháng đầu năm (23/03/2014)

>   Ngành chăn nuôi lỗ 27.000 tỉ đồng (23/03/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật