Một “thiết kế” bài bản cho ngành nông nghiệp
Có thể nói, chưa bao giờ ngành nông nghiệp lại có sức hút đối với các DN như vậy, nhất là sau quyết định gói tín dụng của NHNN dành cho tam nông lên tới hàng trăm ngàn tỉ đồng.
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) là một ví dụ. Từng là ông chủ lớn trong ngành BĐS với phân khúc thị trường phía Nam nhưng HAGL đã từ bỏ các kế hoạch đầy tham vọng trở lại hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Trong các bản công bố báo cáo tài chính các quí trên sàn chứng khoán, ông chủ HAGL khẳng định nông nghiệp chứ không phải BĐS đang được xác định là lĩnh vực ưu tiên số một. Không chỉ HAGL, Cty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức (Thuduc House) với thương hiệu chuyên kinh doanh lĩnh vực nhà ở đang liên kết với một nhà đầu tư trồng bắp (ngô) ở Bình Thuận…
Với ngành này, có lẽ lợi nhuận mang lại cho các DN chắc chắn sẽ không lớn như khi thị trường chứng khoán “ấm” lên, thị trường BĐS “hot” nhưng rõ ràng, nó sẽ ổn định và bền vững hơn, ông Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế nhận định.
Khoảng 5 năm nay, tín dụng cho tam nông luôn có mức tăng cao, trung bình mỗi năm tăng khoảng 20%. Đặc biệt từ năm 2010, khi Chính phủ ban hành chính sách ưu tiên cho lĩnh vực tam nông thì tín dụng lĩnh vực này tăng nhanh chóng… Theo thống kê của Vụ Tín dụng (NHNN), năm 2013 nếu như tăng trưởng tín dụng chung của cả nền kinh tế là 12,51% thì tín dụng cho tam nông tăng tới 19,67%.
Tuy nhiên, trên thực tế nguồn vốn cho tam nông vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, tính hiệu quả còn chưa cao. Các khoản vay cho tam nông đa số đều manh mún, nhỏ lẻ và còn nhiều rào cản trong việc tiếp cận vốn tín dụng do khu vực này được đánh giá là khá rủi ro. Bởi vậy, việc thiết kế một chương trình tín dụng bài bản, có chiều sâu cho tam nông là hướng đi cần thiết trong bối cảnh nền nông nghiệp đang được tái cơ cấu.
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, chương trình tín dụng thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn lần này sẽ tập trung vào một số trọng tâm lớn. Đó là tín dụng phục vụ ứng dụng công nghệ khoa học vào sản xuất nông nghiệp. Tín dụng phục vụ mô hình sản xuất mới trong nông nghiệp. Và tín dụng phục vụ xuất khẩu nông thủy sản.
Thời gian qua NHNN đã nghiên cứu một số mô hình sản xuất quy mô lớn, có tính khả thi cao và có thể nhân rộng như trang trại sữa của Tập đoàn TH trong ngành sữa; các nhà máy thủy sản phía Nam có sự tham gia tái cấu trúc của ngân hàng và mô hình cánh đồng mẫu lớn ở ĐBSCL. Đây là những mô hình sản xuất nông nghiệp có sự liên kết theo chuỗi sản xuất, phân phối, xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, có kết hợp yếu tố khoa học.
Nếu khai thác được các thế mạnh này, cùng với việc Chính phủ, Ngân hàng, DN bắt tay thì chắc chắn các DN sẽ đến ngày hái quả ngọt. Ngành nông nghiệp cũng có thêm cơ hội và động lực để tiến lên về quy mô, giá trị cũng như mang tầm vóc hiện đại hơn.
Phương Hà
diễn đàn doanh nghiệp
|